Khu nuôi tôm công nghệ cao gần 370 tỉ đồng không có nhà đầu tư

Trần Thanh Phong
Trần Thanh Phong
22/05/2024 06:39 GMT+7

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu có tổng vốn đầu tư gần 370 tỉ đồng, nhưng sau 7 năm xây dựng không có doanh nghiệp nào vào đầu tư sản xuất.

7 năm không có doanh nghiệp vào đầu tư

Ngày 24.5.2017, Thủ tướng quyết định thành lập và ban hành quy chế của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (gọi tắt là Khu nuôi tôm công nghệ cao Bạc Liêu) với quy mô 418 ha, tọa lạc xã Hiệp Thành, TP.Bạc Liêu (Bạc Liêu).

Cơ sở hạ tầng, nhà quản lý, nhà điều hành cơ bản hoàn thành nhưng nhiều năm qua không có doanh nghiệp vào đầu tư

Cơ sở hạ tầng, nhà quản lý, nhà điều hành cơ bản hoàn thành nhưng nhiều năm qua không có doanh nghiệp vào đầu tư

Trần Thanh Phong

Mục tiêu của dự án là để các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển công nghệ cao trong ngành công nghiệp tôm, sản xuất các sản phẩm phục vụ phát triển ngành công nghiệp tôm có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao; xây dựng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao để nhân rộng ra các vùng nuôi tôm của tỉnh Bạc Liêu, vùng bán đảo Cà Mau, ĐBSCL và cả nước.

Tháng 10.2017, UBND tỉnh Bạc Liêu đầu tư 175 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng (giai đoạn 1) Khu nuôi tôm công nghệ cao Bạc Liêu, gồm: hệ thống đường giao thông, kênh cấp, kênh thoát nước, điện, cổng, hàng rào bao quanh... Tháng 7.2020, Bộ NN-PTNT tiếp tục đầu tư hơn 194 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng (giai đoạn 2), gồm: nhà quản lý, điều hành; nhà kiểm nghiệm; nhà nghiên cứu khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; khu xử lý nước thải tập trung; hạ tầng giao thông, 3 cầu sản xuất, cầu qua kênh Trường Sơn...

Ông Phạm Hoàng Minh, Giám đốc Ban quản lý Khu nuôi tôm công nghệ cao Bạc Liêu, cho biết đến thời điểm này cơ sở hạ tầng, nhà quản lý, điều hành giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của dự án cơ bản hoàn thành. Mặc dù T.Ư và tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng để xây dựng nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào vào đầu tư xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh, trình diễn... Khu đất rộng lớn cùng toàn bộ hạ tầng, nhà quản lý, điều hành... không một bóng người.

Vướng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Ông Phạm Văn Mười, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu, cho biết năm 2020 Ban quản lý Khu nuôi tôm công nghệ cao Bạc Liêu đã tham mưu UBND tỉnh tuyển chọn được 9 dự án của 9 doanh nghiệp vào thực hiện dự án đầu tư (đợt 1) để trình diễn quy trình nuôi tôm, sản xuất chế phẩm sinh học, sản xuất tôm giống, sản xuất thức ăn tôm.

Tuy nhiên, theo ông Mười, do chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện triển khai thực hiện dự án đầu tư, trình diễn theo thuyết minh dự án được duyệt.

Cụ thể, luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn luật Đất đai chưa quy định cụ thể về cơ chế, loại đất trong Khu nuôi tôm công nghệ cao Bạc Liêu thuộc nhóm đất nông nghiệp hay phi nông nghiệp. Do đó chưa có cơ sở xác định mục đích sử dụng đất để ghi vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, làm cơ sở cho thuê, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Mười cho biết thêm để Khu nuôi tôm công nghệ cao sớm đi vào hoạt động, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã có tờ trình gửi Chính phủ xem xét xin điều chỉnh cơ chế sử dụng đất. Tiếp theo sau là hàng loạt các vấn đề phát sinh trong thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp.

Để tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh đã phối hợp, xin ý kiến Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT với mong muốn sớm nhất có thể để hoàn tất các trình tự, thủ tục có thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.