Khu tái định cư 'xây quá lâu', dân vạn chài dài cổ chờ ngày lên bờ

Khánh Hoan
Khánh Hoan
24/05/2023 07:38 GMT+7

Sau 14 năm chờ đợi, hơn 100 hộ dân vạn chài ở H.Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) vẫn chưa biết ngày nào mới có thể chuyển đến ở khu tái định cư (TĐC), dù chủ đầu tư cho biết đã thi công xong hạ tầng từ năm 2022.

Nhà văn hóa thành nơi chăn thả gia súc

Dự án xây dựng khu TĐC Khe Mừ (xã Thanh Thủy, H.Thanh Chương) được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt năm 2009. Dự án do Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An làm chủ đầu tư với nguồn vốn gần 80 tỉ đồng.

Dân vạn chài “dài cổ” chờ tái định cư - Ảnh 1.

Nhà văn hóa và trường mầm non tại dự án khu TĐC Khe Mừ xây xong đang bỏ không, cây mọc um tùm

K.HOAN

Mục tiêu của dự án nhằm giúp các hộ dân vạn chài sống lênh đênh trên sông Lam ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.

Được biết, năm 2020, UBND H.Thanh Chương đã cho rà soát và xác định có 105 hộ dân chưa có đất, nhà ở hợp pháp đủ điều kiện được TĐC tại khu TĐC Khe Mừ. Sau nhiều năm dang dở vì thiếu vốn, năm 2020, dự án này tiếp tục được bố trí thêm 5 tỉ đồng để hoàn thiện nhà văn hóa và một số hạng mục khác. Chủ đầu tư dự án cho biết, đến năm 2022, dự án đã hoàn thành hạ tầng.

Tuy nhiên, theo một người dân địa phương, dự án đã thu hồi hàng trăm héc ta đất của dân từ nhiều năm qua, nhưng đến nay chưa thấy ai đến ở. Thấy đất bỏ hoang lãng phí, một số người dân đã sử dụng để trồng keo. 

"Hai nhà văn hóa trong khu TĐC đã xây xong từ nhiều năm trước, người ta bỏ hoang khiến trâu bò vào phóng uế. Mới đây, chủ đầu tư tiếp tục cho thi công hoàn thiện rồi đóng cửa. Hạ tầng làm xong không sử dụng đã xuống cấp, nhìn rất xót", người này nói.

Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên cho thấy, hạ tầng bao gồm con đường nhựa dẫn từ đường Hồ Chí Minh vào khu dân cư (khoảng 5 km) hoàn thành từ nhiều năm trước, nay đã xuống cấp. Các hạng mục trong khu TĐC vẫn hoang phế. Hai nhà văn hóa của khu TĐC xây dựng xong trở thành nơi chăn thả gia súc của người dân địa phương, xung quanh cây cối mọc um tùm.

Theo báo cáo của UBND xã Thanh Thủy, qua rà soát, có 8 hộ dân tái lấn chiếm đất của dự án khu TĐC này để trồng keo. Chính quyền xã đã yêu cầu các hộ dừng việc lấn chiếm, trả lại đất cho dự án.

"Chỉ nhận được lời hứa thay vì nhận đất"

Suốt nhiều năm qua, hơn 100 hộ dân vạn chài ở xã Võ Liệt (H.Thanh Chương) và xã Thanh Chi (H.Thanh Chương), cách khu TĐC Khe Mừ khoảng 13 km mong ngóng được lên bờ. Tuy nhiên, khu TĐC xây quá lâu khiến nhiều gia đình phải tự lên bờ xây nhà tạm ở bờ sông để trú ngụ.

Hàng chục năm lênh đênh trên sông nước, vợ chồng ông Nguyễn Viết Minh (72 tuổi, trú xã Thanh Chi) không thể sống mãi trên con thuyền cũ, phải dựng căn nhà tạm ven bờ sông Lam để ở từ lâu. 4 người con của vợ chồng ông đã lập gia đình, không thể sống ở đây, đã phải đi nơi khác. 

"Vợ chồng tôi giờ tuổi đã cao, không chài lưới trên sông được nên cuộc sống ngày càng khó khăn. Chúng tôi chờ được đến khu TĐC đã quá lâu, quá mệt mỏi rồi, nghe nói dự án đã xong mà không hiểu sao đến nay vẫn chưa được đến ở", ông Minh thở dài.

Bà Nguyễn Thị Hà (57 tuổi, trú xã Thanh Chi) có 3 con trai, trong đó 2 người đã lập gia đình. Nhiều năm qua, mấy mẹ con, bà cháu phải sống ở căn nhà dựng tạm dọc bờ sông Lam. Bà Hà đã đăng ký để vào khu TĐC và được chính quyền phê duyệt, nhưng đến nay vẫn chưa biết khi nào được nhận đất để làm nhà.

Một người dân địa phương cũng cho biết, hơn 10 năm qua, chính quyền địa phương đã tổ chức cho người dân đến khu TĐC Khe Mừ tham quan. Người dân thấy đất khá rộng, đường nhựa vào tận nơi, hạ tầng khá tốt nên cũng rất kỳ vọng, nhưng năm nào cũng chỉ nhận được lời hứa thay vì nhận đất.

Ông Lê Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An, cho biết dự án khu TĐC Khe Mừ đã thi công xong các hạng mục hạ tầng theo thiết kế phê duyệt và được các sở, ngành chấp thuận nghiệm thu để bàn giao cho địa phương. Hiện, chi cục đang phối hợp với UBND H.Thanh Chương tiến hành hoàn thiện các thủ tục để bàn giao, đưa vào sử dụng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Thanh, Phó chủ tịch UBND H.Thanh Chương, lại thông tin, chủ đầu tư thông báo dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục hạ tầng. Tuy nhiên, đất sản xuất của người dân đã được quy hoạch trước đó vẫn chưa được chia cho người dân nên huyện chưa dám nhận bàn giao, vì sợ "mang con bỏ chợ".

Cũng theo ông Thanh, việc chia đất sản xuất cho dân sẽ mất khá nhiều thời gian và kinh phí để đo đạc, nhưng chưa biết lấy nguồn ở đâu. 

"Huyện và Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An đã họp, thống nhất sẽ đề nghị UBND tỉnh bố trí đủ kinh phí để hoàn thiện một số hạng mục hạ tầng còn dang dở, tiến hành đo đạc để chia đất sản xuất cho người dân", ông Thanh nói và khẳng định, chưa biết đến lúc nào mới có thể bàn giao đất ở cho người dân, vì trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.