Trong số những câu hỏi đau đáu đối với mọi người, sau khi xảy ra vụ khủng bố mới nhất trên đất Pháp, không thể không nhắc tới câu hỏi quen thuộc: Tại sao lại là nước Pháp?
Trong hành trình xuôi miền Nam nước Pháp, theo chân các đội tuyển thi đấu bán kết EURO 2016, tôi và 2 bạn đồng nghiệp Việt Nam đã bảo nhau: "Tới miền Nam, không thể không qua Nice!".
Nice, thành phố du lịch hàng đầu của Pháp, đẹp ngay từ cái tên. Nhưng, thành phố biển nằm bên bờ Địa Trung Hải thực sự đã phải chịu đựng những rắc rối từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, từ trước ngày chúng tôi đặt chân tới, từ trước ngày xảy ra vụ khủng bố đẫm máu đúng vào ngày Quốc khánh - Bastille Day.
Trong số những câu hỏi đau đáu đối với mọi người, sau khi xảy ra vụ khủng bố mới nhất trên đất Pháp, không thể không nhắc tới câu hỏi quen thuộc: Tại sao lại là nước Pháp?
Bằng cách nào những kẻ nằm trong sổ đen của an ninh lại có thể lọt được vào các khán đài Euro 2016?
Đây đã là vụ tấn công lớn thứ 3 trên đất Pháp kể từ vụ Charlie Hebdo vào tháng 1.2015, và là vụ khủng bố đẫm máu nhất tại Pháp kể từ sự kiện Bataclan vào tháng 11 năm ngoái. Cho đến nay, nhiều người dân Pháp vẫn tự hỏi, và hầu như không thể tìm được câu trả lời chính xác, tại sao quốc gia này phải hứng chịu nhiều vụ khủng bố đến thế, nhiều hơn bất kỳ đất nước nào tại châu Âu. Và tại sao lần này lại là Nice?
Đoàn phóng viên của chúng tôi đặt chân tới Nice vào lúc 7 giờ sáng. Trời xám mờ. Không khí se lạnh. Những con phố yên tĩnh. Bình lặng. Lác đác người đi bộ hối hả. Đại lộ Ăng- lê. Cảng Hoa Kỳ. Quảng trường Tòa án. Quảng trường Garibaldi... Đó chỉ là vài trong số những danh thắng du khách cần chiêm ngưỡng, chụp ảnh lưu niệm khi đặt chân tới Nice. Nice là điểm đến du lịch nổi tiếng, với những nhà thờ được trang trí hoa mỹ, bãi biển dài với hàng cọ thẳng tắp, vươn cao.
Không khí ảm đạm bao vây Nice sau vụ khủng bố Thành Lương
Có điều, chúng tôi không hề biết, Nice từ lâu đã phải đối mặt với những rắc rối khó giải quyết từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Chỉ đến khi Mohamed Lahouaiej Bouhlel, công dân Pháp gốc Tunisia, một cư dân của Nice, tiến hành vụ tấn công vào chính những người sống cùng thành phố với mình, người ta mới lần giở lại những tư liệu thời sự liên quan tới Nice.
Và người ta biết rằng: đầu năm nay, ít nhất 55 công dân Nice và vài thành phố khác trong vùng Alpes-Maritimes, bao gồm cả Côte d' Azur, đã bí mật tới Syria hay Iraq để sát cánh chiến đấu bên cạnh những người anh em Hồi giáo. Trong số đó, 11 người thuộc về một gia đình; chính quyền thành phố mới đây đã đóng cửa 5 nhà nguyện (trong tổng số 40 nhà thờ Hồi giáo tại và quanh Nice) vì vi phạm các quy định liên quan tới việc truyền bá tư tưởng Hồi giáo cực đoan.
Trên chuyến tàu từ Marseille St Charles tới Gare de Niceville, tôi đã kịp tìm hiểu và biết rằng cũng như Marseille, Nice có một cộng đồng người Hồi giáo lớn, trong đó chiếm 3/4 dân số là thanh niên - những đối tượng lý tưởng cho những kẻ tuyển mộ thánh chiến.
Cho tới trước ngày thứ Năm đen tối vừa qua, trên Google News chưa bao giờ xuất hiện cái tên Mohamed Lahouaiej Bouhlel (thực tế là, chính các điều tra viên cũng thừa nhận gã điên khùng kia không nằm trong danh sách những kẻ cực đoan), nhưng ở đó có câu chuyện kể về 2 thanh niên bị áp tải rời sân bay Nice, sau khi các nhà chức trách được cảnh báo rằng họ đang chuẩn bị tham gia thánh chiến. Kỳ cục hơn, một bà mẹ đệ đơn kiện chính phủ Pháp vì ngăn cản cậu con trai 16 tuổi của mình lên máy bay tại sân bay Nice để tới Syria qua Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với 3 người bạn khác cùng thành phố.
Tại sao lại là Pháp? Tại sao phải là thành phố này hứng chịu những đau thương? Thành Lương
Cá nhân tôi chưa khi nào có ý định tìm hiểu sâu về cộng đồng người Hồi giáo ở Nice, quan điểm chính trị và xu hướng tôn giáo của họ. Thay vào đó, trong quãng nghỉ trước trận chung kết EURO 2016, tôi muốn thực hiện phóng sự về Nice - người đẹp quyến rũ bên bờ Địa Trung Hải ngập tràn ánh nắng. Tôi muốn giới thiệu cho du khách Việt Nam đang có ý định tới Nice, biết về bảo tàng Matisse, quảng trường Saleya, phố cổ Nice, cung điện Massena, nhà thờ Chính thống Nga..., và đương nhiên có cả đại lộ Ăng-lê - hiện trường của vụ tấn công đẫm máu.
Vào lúc người Pháp còn chưa nguôi ngoai vì nỗi buồn đội tuyển thua chung kết, giấc mơ giành danh hiệu vô địch phải kéo dài thêm tới 18 năm, chính phủ Pháp chưa kịp phát đi thông điệp vui mừng vì thành công kinh tế khi EURO 2016 mang về cho nước chủ nhà 1,6 tỉ euro từ các nguồn thu, họ phải bàng hoàng, kinh sợ vì đối diện với một vụ tấn công khủng bố mới, bằng một phương thức từng được sử dụng tại Dijon và Nantes trong dịp Giáng sinh 2014.
Nice, "người đẹp" bị giày xéo trong nỗi đau Thành Lương
Vậy là, một lần nữa, nước Pháp phải tuyên bố gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia. Được ban hành sau vụ tấn công tháng 11.2015, nó sẽ hết hạn vào tháng 7 này, nhưng nay sẽ phải kéo dài tới 26.10. Thay vì tới Nice nói riêng, nước Pháp nói chung, để du lịch và tận hưởng những ngày hè hạnh phúc, mọi người sẽ chìm trong không khí lo sợ, hoảng loạn và cảnh giác cao độ ngay từ bước chân đầu tiên lên đất Pháp.
Bình luận (0)