Anh sử dụng sân khấu như một chiếc hộp thần kỳ du hành ngược thời gian để kể lại câu chuyện của tổ tiên anh qua lịch sử và truyền thuyết: huyền thoại về xứ Tiên - Rồng, triều đình An Nam, những năm tháng kinh hoàng của thế kỷ 20…
Nhân kỷ niệm "50 năm quan hệ ngoại giao VN - Pháp", với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp, Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM, Viện Pháp tại VN, Trung tâm đào tạo và thực nghiệm văn học nghệ thuật TP.HCM, vở opera Khung cảnh lãng quên sẽ được biểu diễn tại Nhà hát TP.HCM (ngày 26.11) và tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội, ngày 28.11).
Tái hiện ký ức đã mất
Olivier Dhénin Hữu dựng lại ký ức tưởng như đã mất từ những người thân yêu để đặt câu hỏi về danh phận và gia đình mang hai dòng máu Á - Âu của mình. Kết hợp với nhà soạn nhạc Benjamin Attahir, vở diễn của Olivier Dhénin Hữu như bài thơ đầy kịch tính hòa quyện với âm nhạc.
Nhân vật chính trong vở là Antonin, cháu ngoại của Rosaline, một phụ nữ VN rời Sài Gòn năm 1958 sang Pháp định cư cùng các con và chồng - một người Việt từng là phi công trong quân đội Pháp. Mẹ anh, Louise, có rất ít ký ức về thời thơ ấu tại Sài Gòn, bởi cuộc sống ở Pháp gần như xóa bỏ quá khứ của gia đình. Bà lớn lên và quên mất mảnh đất nơi mình sinh ra, giống như mẹ bà đã từ bỏ nó. Antonin cố gắng khôi phục ký ức gia đình thông qua lời khuyên của bà ngoại, qua những câu chuyện, những bức ảnh và sách cũ. Thời gian trôi đi kèm những giọt nước mắt lắng xuống, cho phép sự thừa nhận và hòa giải trong gia đình Pháp gốc Việt này.
"Tôi kể về một gia đình mất đi cái quyền thuộc về một quốc gia, một dân tộc. Sự thiếu vắng này là điều được gợi lên mà không có khả năng tìm lại những gì đã mất, bởi vì nó không còn tồn tại. Chúng ta không thể chạm được vào quá khứ vì đó là điều không thể tiếp cận, chỉ tìm thấy bằng hoài niệm thôi. Tôi cũng kể câu chuyện vua Duy Tân có số phận khó tin. Trong vở kịch, cha của Louise đã bỏ rơi họ khi đến Pháp và cha của vua Duy Tân bị đày ải khi con trai được người Pháp chọn thay ông lúc mới 8 tuổi", đạo diễn Pháp gốc Việt bày tỏ.
Olivier Dhénin Hữu từng làm việc 2 năm tại Théâtre du Châtelet ở Paris, chịu trách nhiệm điều phối nghệ thuật. "Tôi cũng là cộng tác viên nghệ thuật của Eric Vigner, giám đốc nhà hát Lorient, người đã làm việc rất nhiều với Marguerite Duras, người có dấu ấn văn học rất lớn ở VN. Tôi đã viết nên vở opera này, sau đó đề nghị Benjamin Attahir chuyển kịch bản sang âm nhạc", đạo diễn cho biết.
Kết hợp cải lương với nhạc kịch Pháp
Olivier Dhénin Hữu tiết lộ vở opera Khung cảnh lãng quên được thể hiện bằng 3 thứ tiếng: Anh, Pháp và Việt. Nghệ sĩ không gặp trở ngại về ngôn ngữ khi thể hiện vì theo đạo diễn thì "nghệ sĩ Pháp thoại và hát tiếng Pháp trên nền nhạc cải lương, trong khi diễn viên Việt sẽ thoại vài câu tiếng Pháp".
Nghệ sĩ Tú Quyên cho biết cô diễn cùng Lý Trung Tín các bài Lý con sáo, Phụng Hoàng, Trăng thu dạ khúc, Lý giao duyên… Cô đóng vai bà Nguyễn Thị Định - vợ vua Thành Thái và cô Liễu - người theo cách mạng cùng Trần Cao Vân, trong khi Lý Trung Tín thể hiện vua Thành Thái và Trần Cao Vân.
"Nghệ sĩ Việt - Pháp đều thích thú khi có cơ hội diễn chung. Benjamin Attahir đã khéo léo kết hợp 2 hình thức nghệ thuật cải lương Việt và opera Pháp như sự hòa trộn văn hóa Đông - Tây", Olivier nhìn nhận. Anh cũng cho biết nhà thiết kế trang phục Hélène Vergnes phối hợp cùng 3 nhà tạo mẫu Việt để may những bộ trang phục Việt qua nhiều giai đoạn lịch sử.
Olivier Dhénin Hữu là nhà thơ, nhà soạn kịch kiêm đạo diễn sân khấu, hiện sống tại Paris và Rochefort (Pháp). Anh xem văn chương và sân khấu như một nơi để tồn tại, lưu giữ ký ức. Anh từng theo học song song ngành văn chương tại Đại học Paris VII cùng khóa đào tạo âm nhạc tại Nhạc viện Quốc gia vùng Amiens, giữ vai trò điều phối nghệ thuật tại Nhà hát kịch Châtelet từ năm 2006 - 2008. Sau đó, anh thành lập công ty biểu diễn nhạc kịch Winterreise, ra mắt nhiều vở kịch, gần đây là L'Île du rêve (Đảo mơ), L'Enfant et les sortilèges (Đứa bé và những đồ vật bị phù phép)... Anh từng đoạt giải thưởng của Quỹ Fondation des Treilles do Anne Schlumberger thành lập năm 2018. Anh được chọn tham gia chương trình lưu trú sáng tác Villa Saigon của Viện Pháp tại TP.HCM với tác phẩm Khung cảnh lãng quên.
Vở diễn có sự tham gia của nghệ sĩ hai nước Pháp - Việt: Aimery Lefèvre (baryton), Anne-Marine Suire (soprano), Guy Elliott (tenor), Léa Bảo Ngọc Badillo (mezzo), Baek Nayoon (soprano), Thái Hòa Apéro (ténor), Nguyễn Thị Tú Quyên (cải lương), Lý Trung Tín (cải lương), Pierre Barret-Mémy (baryton), Emmanuel Christien (piano), Trần Trọng Trí (đàn bầu), Trần Văn Sơn (sáo trúc), Châu Minh Tâm (guitar phím lõm), Mai Thanh Sơn (đàn nguyệt), Nguyễn Thị Hải Phượng (đàn tranh), Vũ Ngọc Long (bộ gõ)...
Bình luận (0)