Khủng hoảng biên giới Mỹ và phong trào 'Texit' ở Texas

28/02/2024 11:32 GMT+7

Tại Texas, nơi từng là quốc gia độc lập cách đây 200 năm, giờ đây một nhóm người muốn lấy lại địa vị đó, ủng hộ việc tiểu bang này tách khỏi nước Mỹ trong phong trào 'Texit'.

Về mặt ngôn ngữ, "Texit" là sự kết hợp giữa địa danh Texas và từ "exit" có nghĩa là rời khỏi một nơi nào đó. Phong trào "Texit" một phần bắt nguồn từ "Brexit", tức sự kiện Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) từng gây nên địa chấn chính trị ở châu Âu cũng như trên toàn cầu.

Theo AFP, những người ủng hộ "Texit" cho rằng việc tách tiểu bang Texas khỏi nước Mỹ sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng biên giới và người di cư đang sôi sục, cũng như cuộc chiến giữa chính quyền tiểu bang với chính phủ liên bang về việc ai có quyền kiểm soát biên giới Mỹ - Mexico.

Cuộc chiến đó - giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, người của đảng Dân chủ, và Thống đốc Texas Greg Abbott, thành viên đảng Cộng hòa - đã phơi bày những rạn nứt sâu sắc ở Mỹ.

"Ở Texas này, chúng tôi biết rằng cách duy nhất để Texas có thể bảo vệ biên giới và có hệ thống nhập cư hợp lý là làm giống như 200 quốc gia khác trên thế giới và làm như vậy với tư cách một quốc gia độc lập tự quản", AFP dẫn lời ông Daniel Miller, lãnh đạo Phong trào Dân tộc Texas, trong tường thuật ngày 28.2.

Khủng hoảng biên giới Mỹ và phong trào 'Texit' ở Texas- Ảnh 1.

Ông Daniel Miller gặp gỡ người ủng hộ tại một nhà hàng thịt nướng ở Texas hôm 20.2

AFP

Ông Miller khẳng định phong trào của ông, được thành lập vào năm 2005, chưa bao giờ tiến gần đến mục tiêu như lúc này.

Vào thế kỷ 19, Texas là một phần của Mexico. Song sau cuộc chiến tranh giành độc lập - còn gọi là "Cách mạng Texas" - Texas đã có được chủ quyền vào năm 1836. Chỉ 9 năm sau đó, quốc gia non trẻ này gia nhập nước Mỹ với tư cách tiểu bang thứ 28.

Ông Miller ví von phong trào "Texit" hiện nay giống như cú sốc "Brexit" năm 2016. Ông cho biết Texas chia sẻ lịch sử và lợi ích với phần còn lại của Mỹ, nhưng giống như những người ủng hộ độc lập ở vùng Catalan của Tây Ban Nha, người dân Texas cảm thấy chính phủ liên bang không hiểu vấn đề của họ.

Trong bối cảnh cử tri Mỹ chuẩn bị bỏ phiếu bầu tổng thống vào tháng 11 này, phong trào đòi độc lập cho Texas muốn cơ quan lập pháp tiểu bang thông qua luật cho phép tổ chức trưng cầu dân ý về việc ly khai.

Tuy nhiên, hiến pháp Mỹ không có điều khoản nào cho phép các bang làm điều này. Trên thực tế, hành động ly khai của các bang "miền nam" bao gồm Texas vào năm 1861 đã dẫn đến nội chiến Mỹ, cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử quốc gia này.

Người Texas hay người Mỹ?

Theo ông Joshua Blank, giám đốc nghiên cứu tại Dự án Chính trị Texas của Đại học Texas, phong trào ly khai đã tồn tại từ lâu ở tiểu bang này, nhưng đến nay vẫn chưa tạo được thanh thế đáng kể.

Vị chuyên gia cho biết cuộc khủng hoảng biên giới giữa Texas và chính phủ liên bang ở Washington DC "đã tạo ra một tình huống mà tôi nghĩ nhóm này đã thực sự tìm cách khai thác, để làm cho quan điểm của họ dường như không chỉ trở thành chủ lưu mà còn thực sự trở nên hợp lý hơn so với thực tế".

Bà Misty Walters, một người nội trợ ở độ tuổi 50 đã đi nghe ông Miller diễn thuyết tại một nhà hàng thịt nướng ở Texas, cho biết người dân trong bang cảm thấy họ là người Texas trước tiên, sau đó mới là công dân Mỹ.

"Chúng tôi hoàn toàn đang bị xâm lược", bà nói về số lượng kỷ lục người tìm cách đi vào nước Mỹ từ Mexico, nhiều người trong đó xuất phát từ Trung Mỹ. Vấn đề này đã trở thành vấn đề then chốt trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.

Khủng hoảng biên giới Mỹ và phong trào 'Texit' ở Texas- Ảnh 2.

Một nhóm người di cư cố gắng vượt qua hàng rào thép gai bên bờ sông Rio Grande trong khi các thành viên của Vệ binh Quốc gia Mỹ đứng gác ở phía bên kia hàng rào, tại Eagle Pass (Texas) hôm 27.2

REUTERS

Một cuộc thăm dò trong tháng này của Dự án Chính trị Texas cho thấy 26% những người được hỏi cảm thấy họ là người Texas trước tiên rồi mới là người Mỹ. Năm 2014, tỷ lệ này là 27%, nhưng đây là thay đổi không đáng kể về mặt thống kê.

"Ngay cả như vậy cũng không có nghĩa là 26% đó ủng hộ một cuộc ly hôn đẫm máu với Mỹ", chuyên gia Blank bình luận với AFP.

Một cuộc thăm dò của Newsweek trong tháng này cho thấy 67% người dân Texas muốn bang này vẫn là một phần của Mỹ.

"Đến mà lấy đi"

Tại thị trấn Eagle Pass ở cực nam Texas, Thống đốc Abbott nắm quyền kiểm soát quân sự đối với một khu vực có tên là Công viên Shelby dọc theo sông Rio Grande ngăn cách bang này với Mexico. Đây là nơi diễn ra xung đột giữa lực lượng tiểu bang với chính phủ liên bang Mỹ.

Ông Abbott cáo buộc Washington đã không ngăn được số lượng lớn người di cư đi vào Texas, và đã ra lệnh xây dựng hàng rào thép gai dọc theo các khu vực biên giới. Đáp trả, chính quyền Tổng thống Biden khởi kiện Texas, nhấn mạnh rằng việc kiểm soát biên giới luôn thuộc thẩm quyền của liên bang.

Khủng hoảng biên giới Mỹ và phong trào 'Texit' ở Texas- Ảnh 3.

Tổng thống Biden đến thăm một khu vực biên giới ở Texas hồi tháng 1.2023

AFP

Ông Miller so sánh tình hình hiện tại với các sự kiện năm 1835 khi Texas vẫn còn là một phần của Mexico. Khi ấy, Texas đã từ chối trả lại khẩu đại bác mà Mexico đã cho mượn và treo một lá cờ có dòng chữ "Đến mà lấy đi", qua đó khơi mào cuộc chiến giành độc lập mà Texas cuối cùng đã thành công.

Theo ông Miller, cũng như câu chuyện khẩu đại bác, căng thẳng ở Eagle Pass chỉ là một phần trong vấn đề còn lớn hơn nhiều. Ông nói đây là biểu tượng cho "mối quan hệ rạn nứt giữa chính phủ liên bang và các tiểu bang" ở Mỹ.

Những người đi theo ông Miller cũng tin rằng việc ly khai lần này của Texas có thể đạt được một cách hòa bình, không giống cuộc chiến giành độc lập từ Mexico hay Nội chiến Mỹ.

Song chuyên gia Blank lại cho rằng không có khả năng Texas sẽ độc lập. "Texas sẽ không thể ly khai một cách hòa bình. Mỹ sẽ không đàm phán với họ về những gì họ muốn", ông nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.