Khủng hoảng kinh tế kế tiếp sẽ đến từ đâu?

23/10/2016 11:31 GMT+7

Năm tới kết thúc bằng một con số 7. Nếu bạn mê tín, hãy chuẩn bị tinh thần cho một cuộc khủng hoảng tài chính.

Theo Bloomberg, các yếu tố cần chú ý trong năm sau là những nhà băng đang chịu áp lực, hoạt động ngân hàng ngầm và Trung Quốc. Năm tới là 2017 và nếu bạn mê tín hay tin nhiều vào các con số thống kê, chúng ta có thể sẽ bước vào cuộc khủng hoảng tài chính mới. Ngược dòng lịch sử: Đợt lao dốc cổ phiếu trong ngày lớn nhất ở Phố Wall xảy ra vào năm 1987, khủng hoảng tài chính châu Á có mặt năm 1997 và cuộc khủng hoảng thế giới tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái đến vào năm 2007.
Hẳn nhiên, bạn không thể đánh dấu sẵn vào lịch cuộc khủng hoảng sắp tới vì nhiều sự biến bất ngờ đến khá thường xuyên. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể nhận ra đúng ít nhiều trong Báo cáo Ổn định Tài chính Thế giới. Họ không gióng hồi chuông cảnh báo nhưng có thể hiện lo ngại. Rủi ro ngắn hạn thực sự dịu đi khi giá cả hàng hóa phục hồi, hỗ trợ cho một số thị trường mới nổi và triển vọng tiền bạc dễ dàng tại các thị trường phát triển. Dù vậy, IMF cho hay rủi ro trung hạn tiếp tục tăng. Đó là yếu tố chính trị bất ổn, một số tổ chức tài chính yếu tại các thị trường phát triển và nhiều khoản nợ lớn ở các thị trường mới nổi.
Các rủi ro không cấp tính có thể tích lũy trong thời gian dài trước khi làm bùng phát khủng hoảng. Điều không thể chối cãi ngay lúc này là nợ, chất thô cho hầu hết các đám cháy tài chính, đang phát triển nhanh chóng. Nợ ở mức 225% GDP. Kết hợp nợ công và nợ tư ngoài lĩnh vực tài chính, nợ hiện “cao nhất mọi thời đại”, IMF cho biết. Nợ thúc đẩy tăng trưởng nhưng cũng đặt bên cho vay vào rủi ro. Bên mắc nợ giữ tiền khi họ hết khả năng trả nợ. Nếu họ vỡ nợ, chủ nợ chịu thiệt hại, đôi khi là phá sản. Quân cờ domino này ngã đẩy quân khác lao theo.
Đa số các ngân hàng thế giới hiện mạnh hơn lúc họ đã từng trong đợt khủng hoảng tài chính gần nhất, song vẫn có một số ngoại lệ. Cổ phiếu ngân hàng lớn nhất Đức Deutsche Bank, giảm 62% từ mức đỉnh năm 2015. Chính phủ Đức, phía cật lực phản đối gói cứu trợ cho các ngân hàng Nam Âu khẳng định họ cũng không thay đổi quan điểm với cái tên nội địa. Ở Ý, các khoản vay có vấn đề trong sổ sách nhà băng hiện bằng 1/4 GDP. Ngay cả tại Mỹ, giới đầu tư dường như cũng chẳng xem các ngân hàng lớn là an toàn hơn so với thời khủng hoảng, theo cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers và người tốt nghiệp Đại học Harvard Natasha Sarin.
Dù nhà băng thông thường chịu nhiều áp lực, rủi ro từ nhóm này có thể ít hơn so với hệ thống ngân hàng ngầm, nhà kinh tế trưởng Vincent Reinhart tại hãng BNY Mellon nói. Bằng việc tăng chi phí vận hành một ngân hàng thông thường theo Đạo luật Dodd-Frank năm 2010, tiền bạc bị đẩy về phía các ngân hàng ngầm chịu ít quy định hơn. Hệ thống ngân hàng ngầm bao gồm các quỹ đầu tư, quỹ tương hỗ thị trường tiền tệ, nhà cho vay chứng khoán và khách đi vay.
Trung Quốc có thể là nguồn rủi ro đáng sợ nhất ở ngay trước mắt. Tốc độ tăng trưởng nhanh của nước này được thúc đẩy bằng việc mở rộng nhanh chóng, thiếu bền vững của cho vay đến doanh nghiệp và hộ gia đình, chuyên gia kinh tế châu Á Tom Orlik tại Bloomberg Intelligence cho hay. Chính phủ Trung Quốc vừa phát tín hiệu đất nước cần thực hiện quá trình giảm nợ thông qua một bài xã luận.
Samuel Malone, chuyên gia thuộc Moody’s Analytics, cho biết các ngân hàng Trung Quốc là “nguy cơ lớn, ngòi nổ tiềm năng”. Ông Malone quan sát kích thước, sự mỏng manh và tính liên kết của các ngân hàng lớn nhất thế giới rồi kết luận rằng những nước Đông Nam Á láng giềng của Trung Quốc, đặc biệt là Singapore, sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất.
Hệ thống ngân hàng ngầm của Trung Quốc lớn và chưa được hiểu rõ. Thiệt hại của hệ thống này có thể nhanh chóng lan sang các nhà băng thông thường. Theo chuyên gia kinh tế Willem Buiter của Citigroup, chính quyền Bắc Kinh sẽ tránh được cuộc khủng hoảng toàn diện, nhưng có thể không giải quyết vấn đề nợ cơ bản cho đến mùa thu năm 2017.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.