Khủng hoảng nghiêm trọng về nước ảnh hưởng hàng tỉ người

17/08/2023 14:37 GMT+7

Trong báo cáo mới nhất từ Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), 1/4 dân số thế giới đang sống trong tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng về nước.

Trong khi nhu cầu về nước giảm ở châu Âu và Mỹ thì lại tăng vọt ở châu Phi. Năm quốc gia phải đối mặt tình trạng căng thẳng cực độ về nước là Bahrain, Síp, Kuwait, Li Băng và Oman. Đến năm 2050, nhu cầu nước trên toàn thế giới được dự đoán sẽ tăng từ 20% đến 25%, hoặc thậm chí gần 60%.

Theo The Guardian, Bản đồ Rủi ro nguồn nước Aqueduct của WRI cho thấy nhu cầu về nước trên toàn cầu đã tăng gấp đôi kể từ năm 1960 và vẫn tiếp tục gia tăng. Cụ thể, khoảng 4 tỉ người, tương đương một nửa dân số thế giới, đang phải sống trong tình trạng căng thẳng về nước cực kỳ cao ít nhất một tháng mỗi năm.

Khủng hoảng nghiêm trọng về nước ảnh hưởng hàng tỉ người - Ảnh 1.

Một dòng sông trơ đáy ở Iraq

AFP

“Nước là nguồn tài nguyên quan trọng cho ngành trồng trọt và chăn nuôi cũng như các hoạt động thiết yếu khác. Do đó, căng thẳng về nước có thể mang lại nhiều rủi ro như việc làm, an ninh lương thực và sức khỏe của người dân trên toàn cầu. Trước tình trạng gia tăng dân số, phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu, khủng hoảng về nguồn nước sẽ trở nên nghiêm trọng nếu không quản lý nước hợp lý”, các tác giả báo cáo cho biết.

Ở Ấn Độ, việc thiếu nước để làm mát các nhà máy nhiệt điện từ năm 2017 đến năm 2021 đã dẫn đến sự thất thoát 8,2 terawatt giờ năng lượng, số điện đủ để cung cấp cho 1,5 triệu hộ gia đình Ấn Độ trong 5 năm.

Căng thẳng về nguồn nước càng gia tăng sẽ càng đe dọa nền kinh tế của các quốc gia, nhất là các nước sản xuất lương thực. Một nghiên cứu về rủi ro nước khác cho biết 60% nền nông nghiệp cần đến tưới tiêu trên thế giới phải đối mặt tình trạng căng thẳng về nước rất cao, đặc biệt là mía, lúa mì, gạo và ngô. Đến năm 2050, thế giới sẽ cần sản xuất nhiều hơn 56% lượng calo thực phẩm so với năm 2010 để nuôi sống dân số dự kiến là 10 tỉ người.

Số tiền thiệt hại từ áp lực tiêu thụ nước dự kiến lên đến 31% GDP toàn cầu (70 nghìn tỉ USD) vào năm 2050, tăng từ 24% (15 nghìn tỉ USD) vào năm 2010. Bốn quốc gia Ấn Độ, Mexico, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề vào năm 2050.

Nói thêm về các biện pháp can thiệp có thể ngăn chặn tình trạng căng thẳng về nước dẫn đến khủng hoảng nước. Báo cáo lưu ý rằng sự can thiệp về chính trị là cần thiết để thuyết phục người dân áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước. Các nhà chức trách ở Singapore và Las Vegas (Mỹ) đã tiết kiệm nước bằng cách khử muối cùng các kỹ thuật khác như xử lý và tái sử dụng nước thải để đảm bảo có thể phát triển mạnh mẽ ngay cả trong điều kiện khan hiếm nước nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.