(TNO) Cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất Ukraine kể từ khi nước này tuyên bố độc lập năm 1991 đã trải qua hơn một năm đẫm máu.
Xe tăng quân đội Ukraine di chuyển ở miền đông nước này - Ảnh: Reuters
|
AFP ngày 26.2 tổng hợp những mốc thời gian quan trọng trong cuộc xung đột dẫn đến việc Nga sáp nhập Crimea và quân ly khai được cho là thân Nga nổi dậy ở miền đông Ukraine, gây nên cuộc chiến tồi tệ nhất trong mối quan hệ đông - tây kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Năm 2013
21.11: Chính phủ Ukraine dưới sự hậu thuẫn của Điện Kremlin đình chỉ các cuộc đàm phán về thỏa thuận liên minh với EU (Liên minh châu Âu), để siết chặt quan hệ gần gũi hơn nữa với Moscow.
Ngay sau đó, các cuộc biểu tình rầm rộ đã nổ ra suốt ba tháng tại Quảng trường Độc Lập ở trung tâm Kiev, và các thành phố miền tây Ukraine, nơi người dân dành tình cảm ủng hộ đất nước nghiêng về châu Âu.
Năm 2014
21-22.1: Các cuộc đụng độ ác liệt giữa người biểu tình và lực lượng an ninh khiến nhiều người biểu tình thiệt mạng.
18-20.2: Cuộc trấn áp đẫm máu của chính quyền đối với người biểu tình thất bại, với hơn 100 người chết.
22.2: Tổng thống Viktor Yanukovych bị cáo buộc ra lệnh cho cảnh sát nổ súng vào thường dân, chạy trốn sang Nga và bị truất phế bởi Quốc hội.
Cựu Tổng thống Ukraine Victor Yanukovych - Ảnh: Reuters
|
27-28.2: Quân đội Nga và các lực lượng ủng hộ Moscow triển khai kiểm soát các cảng và thành phố ở bán đảo Crimea trên biển Đen.
16.3: Người dân Crimea, chủ yếu nói tiếng Nga, bỏ phiếu chấp thuận ly khai Ukraine để sáp nhập Nga trong một cuộc trưng cầu dân ý mà Kiev và phương Tây không công nhận.
20.3: Quốc hội Nga phê chuẩn hiệp ước sáp nhập Crimea vào Nga.
6.4: Các cuộc biểu tình của lực lượng được cho là thân Nga chiếm giữ những tòa nhà chính quyền ở những thị trấn và thành phố tại miền đông Ukraine, trong đó có Donetsk và Lugansk.
13.4: Kiev tuyên bố mở cuộc chiến "chống khủng bố" ở miền đông.
11.5: Cuộc trưng cầu ở Donetsk và Lugansk với cử tri đòi độc lập, thoát khỏi sự ảnh hưởng của Kiev và phương Tây.
25.5: Cuộc bầu cử tổng thống Ukraine kết thúc với chiến thắng thuộc về Petro Poroshenko.
27.6: EU và Ukraine ký kết thỏa thuận liên minh, nguồn gốc gây ra sự bất ổn khi bị bác bỏ bởi cựu Tổng thống Yanukovych.
17.7: Chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines được cho là bị bắn hạ phía trên khu vụ do lực lượng nổi dậy kiểm soát, giết chết 298 người.
29.7: EU và Mỹ mở rộng các lệnh trừng phạt đối với Nga, trong đó có việc cấm hầu hết các thực phẩm nhập khẩu vào EU và Mỹ từ Nga.
25.8: Lực lượng nổi dậy phản công ở đông nam, theo các báo cáo là được cho có sự hậu thuẫn của Nga và vũ khí hạng nặng.
5.9: Thỏa thuận ngừng bắn được ký kết tại Minsk (Belarus) nhưng bạo lực vẫn tiếp diễn.
26.10: Lực lượng thân phương Tây giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử bị tẩy chay ở miền đông.
2.11: Cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo quân ly khai bị Kiev và phương Tây không công nhận.
12.11: NATO cáo buộc Nga chuyển xe tăng, binh sĩ và vũ khí hạng nặng vào Ukraine.
Các tay súng thuộc phe nổi dậy tại thị trấn Debaltseve ngày 23.2 - Ảnh: Reuters
|
Năm 2015
22.1: Phi trường Donetsk rơi vào tay quân nổi dậy.
12.2: Được thảo luận bởi các lãnh đạo Pháp, Đức, Nga và Ukraine, các bên tham chiến đạt được thỏa thuận ở Minsk về một lộ trình đi đến hòa bình.
Ngoài ra, IMF và Ukraine đã ký kết thỏa thuận tài trợ 17,5 tỉ USD, nâng tổng số viện trợ của quốc tế đối với Kiev lên đến 40 tỉ USD trong 4 năm qua.
15.2: Thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực nhưng cả hai bên cáo buộc nhau vi phạm.
17.2: Quân ly khai bao vây lực lượng chính phủ tại Debaltseve. Ngày hôm sau, quân đội Ukraine triệt thoái khỏi đây.
19.2: Các nhà lãnh đạo Ukraine, Nga, Đức và Pháp gặp nhau để tìm giải pháp cứu vãn thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được tại Minsk, trong khi các vụ đụng độ tiếp diễn.
21.2: Trao đổi tù binh giữa lực lượng chính phủ Ukraine và quân ly khai.
22.2: Đụng độ nổ ra quanh thành phố cảng then chốt Mariupol do lo ngại quân ly khai chuẩn bị tấn công lớn vào đây.
25.2: Lệnh ngừng bắn có dấu hiệu phát huy tác dụng, tuy nhiên tranh cãi nổ ra gay gắt giữa Nga và phương Tây.
Lãnh đạo Nga, Đức, Pháp và Ukraine tại cuộc hòa đàm về Ukraine - Ảnh: Reuters
|
Bình luận