Kích cầu không chỉ là giảm giá

30/11/2021 04:25 GMT+7

Dù đột phá về tỷ lệ giảm giá cũng như số lượng hàng hóa tham gia nhưng ngày Black Friday ở Việt Nam nói riêng và thế giới năm nay nói chung không thành công như mong đợi.

Lượng khách mua sụt giảm, thậm chí nhiều cửa hàng vắng hoe. Điều này cũng không quá khó hiểu. Bởi suy cho cùng, muốn kích cầu tiêu dùng thì không chỉ khuyến mãi, giảm giá mà còn phải có những giải pháp tăng thu nhập cho người dân.

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy bình quân từ đầu năm tới nay, mỗi tháng chúng ta có gần 10.000 doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường. Điều này tác động tiêu cực rất lớn đến kinh tế - xã hội, vì DN đóng cửa thì thất nghiệp tăng, thất nghiệp tăng thì sức mua giảm, sức mua giảm thì quy mô sản xuất giảm, quy mô sản xuất giảm thì tăng thất nghiệp.

Đó là một vòng luẩn quẩn mà nếu chưa được giải quyết thì rất khó để nói đến chuyện kích thích tiêu dùng dù có giảm giá, khuyến mãi mạnh đến đâu. Một tín hiệu khá lạc quan là tháng 11, số lượng DN thành lập mới đã tăng khá mạnh với hơn 12.000 đơn vị. Nghĩa là khi chúng ta mở cửa kinh tế, người dân, DN đã quay lại thị trường khá mạnh mẽ. Thế nhưng tình trạng lây lan dịch bệnh gia tăng cũng như nỗi lo về biến chủng mới lại đang gây áp lực lên hoạt động sản xuất kinh doanh nói riêng và nền kinh tế nói chung, mà sau gần 2 năm chống dịch, sức khỏe của cộng đồng DN đã kiệt quệ. Thế nên, trông đợi họ bung ra, mở rộng mạnh mẽ hơn trong bối cảnh hiện nay là rất khó.

Vì vậy, giải pháp để tăng thu nhập bền vững cho người dân không cách nào khác là phải quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công vào các dự án hạ tầng trọng điểm. Cứ hình dung nếu khởi công xây dựng một cây cầu, một con đường thì sẽ kéo theo một loạt các nhà máy sản xuất xi măng, cát, sỏi, sắt, thép... cung cấp vật liệu cho dự án; từ đó giải quyết được hàng ngàn, hàng vạn lao động. Và nếu hàng trăm cây cầu, trăm con đường được xây dựng thì con số sẽ nhân lên hàng trăm, hàng ngàn lần.

Cứ như vậy, tổng cầu sẽ được kích hoạt. Kích cầu rồi cầu sẽ kích cung. Kinh tế sẽ phục hồi. Giải pháp này, Chính phủ cũng đã chỉ đạo hết sức quyết liệt, thế nhưng ước tính đến hết tháng 10.2021, kết quả giải ngân vốn đầu tư công dự kiến chỉ đạt khoảng 55,8% kế hoạch năm 2021 được Thủ tướng giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (67,2%). Vì vậy, cần phải quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa. Bên cạnh đầu tư công, gói hỗ trợ kinh tế cũng cần được quyết sớm với dung lượng đủ lớn không chỉ để phục hồi mà còn phát triển kinh tế. Những giải pháp này nên thực hiện đồng bộ để có sự tương hỗ và đạt hiệu quả cao nhất. Nếu chúng ta làm lẻ tẻ, hay chậm trễ thì con đường đi đến mục tiêu sẽ càng dài hơn và khó khăn hơn.

Đó là dài hạn, còn trước mắt, cần có những giải pháp kiểm soát giá cả, đặc biệt là những sản phẩm, dịch vụ thiết yếu. CPI tháng 11 mới được công bố tăng chủ yếu do giá xăng, gas... Điều này đã được dự báo trước và cũng nhiều đề xuất kiến nghị kềm giá các mặt hàng này để không tác động lên giá cả tiêu dùng nhưng chưa được chấp thuận. Với thu nhập teo tóp trong khi rau củ thực phẩm đều tăng, chất lượng bữa cơm của nhiều gia đình đã giảm xuống. Trong hoàn cảnh đó thì nghĩ gì đến áo quần, giày dép...

Vì vậy, như nói trên, rất khó để kích cầu tiêu dùng nếu thu nhập của người dân không tăng lên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.