Kích cầu tiêu dùng, cần liều thuốc mạnh

06/11/2021 06:05 GMT+7

Kích cầu tiêu dùng là một trong những yếu tố quan trọng để hồi phục tăng trưởng trong 2 tháng cuối năm. Thế nhưng, “vũ khí” này lại đang khó phát huy tác dụng khi thu nhập của người dân giảm mà giá cả hàng hóa tiêu dùng nói chung đều tăng khá cao.

Chúng ta đều biết muốn kích cầu tiêu dùng thì phải làm sao cho thu nhập của người dân tăng và giá hàng hóa rẻ. Khi đó họ sẽ tăng mua sắm, doanh nghiệp bán được hàng sẽ tăng sản xuất, đồng nghĩa với tăng việc làm, tăng thu nhập và lại tăng mua sắm. Vòng quay đơn giản là như vậy. Thế nhưng, cả 2 yếu tố này đều đang bất lợi cho mục tiêu kích cầu hiện nay. Đầu tiên là thu nhập, dịch bệnh Covid-19 đã có tác động lớn đến túi tiền của người lao động.

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý 3 năm nay giảm mạnh, còn 5,2 triệu đồng, giảm 877.000 đồng so với quý 2 và giảm 603.000 đồng so với cùng kỳ năm 2020. Thu nhập bình quân của người lao động quý 3 cũng thấp hơn đáng kể so với quý 2/2020 (giảm 300.000 đồng), trong khi quý 2/2020 là quý ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Không chỉ giảm, nhiều người đã thất nghiệp dài ngày. Với những người làm công ăn lương, thu nhập teo tóp nhưng vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân đầy đủ vì được coi là đối tượng có thu nhập cao. Trong hoàn cảnh đó, giá hầu hết hàng hóa tiêu dùng lại tăng mạnh, tăng kéo dài suốt nhiều tháng. Giai đoạn giãn cách xã hội, do đi lại vận chuyển khó khăn, thực phẩm đội giá gấp nhiều lần khiến các khoản chi cho ăn uống của nhiều hộ gia đình tăng cao, nhưng chất lượng lại không bằng so với trước đó. Thế nhưng ai cũng tự nhủ “giãn cách thì phải chấp nhận”. Cứ tưởng khi mở cửa “bình thường mới” trở lại, vận chuyển đã thông suốt, đi lại đã dễ dàng, giá cả sẽ hạ nhiệt thì hàng loạt sản phẩm, dịch vụ thiết yếu lại tăng mạnh. Xăng đang ở mức cao nhất trong 7 năm; gas có giá “cao chưa từng có từ trước tới nay”; vận chuyển không chịu nổi sức ép, cũng ngay lập tức điều chỉnh tăng giá, kéo theo rau củ thực phẩm đua nhau trở lại thời giãn cách. Thị trường đã chính thức thiết lập một mặt bằng giá mới, cao hơn cũ rất nhiều.

Thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng đắt đỏ trong khi thu nhập giảm thì cách duy nhất là chắt bóp chi tiêu. Ngay tại thời điểm này rất nhiều quán hàng tại TP.HCM đã mở cửa trở lại, nhưng khách đến ăn uống, mua sắm không đông như dự đoán. Sau cả năm ngồi một chỗ, du lịch cũng đã chính thức khởi động nhưng các tín đồ di chuyển cũng chưa mặn mà, một trong những lý do quan trọng là phải thắt lưng buộc bụng. Khi còn phải lo từng bữa ăn hằng ngày thì mua sắm chưa tính đến, nói gì đến du lịch, giải trí. Đó chính là tâm lý của rất rất nhiều người, nhiều hộ gia đình hiện nay.

Người dân không mua sắm, hàng hóa ế ẩm, doanh nghiệp giảm công suất, thất nghiệp tăng, thu nhập giảm và ngược lại. Vòng luẩn quẩn lại bắt đầu. Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này, việc đầu tiên là kiểm soát giá cả hàng hóa. Trước hết là kiên quyết không để những sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đắt đỏ. Sau đó là không để tình trạng lợi dụng tát giá theo xăng, tát giá theo dịch. Bên cạnh đó, tạo mọi điều kiện để tăng thu nhập cho người dân thông qua giảm thuế thu nhập cá nhân, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất nhanh nhất để người lao động có việc làm...

Bài toán kích cầu tiêu dùng để phục hồi kinh tế đang chờ những giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn từ các cơ quan quản lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.