Kịch đời thường thu hút khán giả

Hoàng Kim
Hoàng Kim
22/07/2020 06:05 GMT+7

Gần đây, nhiều vở kịch thu hút rất đông khán giả, mà nhìn kỹ lại thì hầu hết đều có câu chuyện, nhân vật trong bối cảnh bình dân, đời thường.

Vở Sài Gòn có một ngã tư (Sân khấu Hoàng Thái Thanh) kể về cô gái bán hoa hoàn lương, chọn nghề hốt rác cho khu phố, rồi yêu anh chàng đấm bóp giác hơi cũng nghèo như mình. Nhưng cha anh ấy lại ngăn cản vì sợ quá khứ của cô. Thế là trong nước mắt ly tan vẫn có nghị lực muốn ngoi lên lần nữa tìm ánh sáng cuộc đời. Cuối cùng, sự hy sinh của cô đã chạm tới trái tim người cha, và đôi trẻ có một đám cưới nghèo đáng yêu đến nỗi khán giả khóc như mưa.
Tiền là số 1 (Sân khấu 5B) là câu chuyện của hai vợ chồng bán vé số, ở nhà trọ, cơm có khi phải nhường nhau ăn nhưng nhìn cái kiểu hạnh phúc của họ, người ta ắt phải ghen tị. Tuy nhiên, giấc mơ đổi đời vẫn ám ảnh, cho đến một ngày họ được thử nếm mùi giàu sang. Thế là con người trở nên bội bạc, sa đọa, lầm lỗi. May sao, giấc mộng kết thúc, họ vui vẻ trở lại với hạnh phúc bình dân mà mình đang nắm giữ.
Còn Ngược gió (Sân khấu Thế giới trẻ) kể chuyện anh bán chiếu chèo ghe đi khắp vùng sông nước tìm lại mối tình đã mất. Và bên anh còn có cô gái giúp việc, có cô bán hàng rong, bà ca sĩ già hát đám ma, đám cưới... Những chuyện đời của họ thường buồn, nhưng họ vẫn sống tử tế và tràn đầy hy vọng. Sân khấu IDECAF thì tái hiện một xóm bình dân ngay lòng Sài Gòn gọi là Ác nhân cốc. Ở đó có chị làm hàng mã, có bà coi bói kiếm tiền, có cô gái ăn nói cộc cằn... Họ ồn ào, cãi vã, lừa lọc, nhưng rốt cuộc trái tim của họ vẫn còn ánh sáng thiện lương, biết tìm lại hạnh phúc và giá trị đời mình.
Đạo diễn Ái Như cho biết: “Sân khấu của tôi cũng thường chọn vở nói về tầng lớp bình dân, bởi họ mới có thân phận, bi kịch, có cái để người ta khóc, cười, thương cảm. Và để diễn vai bình dân, đời thường, chúng tôi phải biết quan sát, lắng nghe để nhặt lấy từng cử chỉ, lời nói của họ mà diễn cho chính xác”. Thật sự rất nhiều câu chữ bình dân đã được đem lên sân khấu, nghe rất gần gũi. Nhiều dụng cụ, cảnh trí cũng gợi được hoài niệm và sự xúc động, đánh vào trực quan người xem, gây ấn tượng khó quên. Những cảnh, những người, những lời nói như thế bỗng gần gũi với đa số khán giả, và khán giả xem kịch như để khóc, cười cùng những nhân vật na ná những phận đời đâu đó quanh mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.