HÌNH THÀNH ĐÔ THỊ VỆ TINH
Trong Quyết định phê duyệt Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành, TP.HCM tiếp tục là đô thị đặc biệt, bao gồm 1 khu vực đô thị trung tâm và 6 đô thị trực thuộc. Cụ thể, TP.Thủ Đức là đô thị loại 1 và 5 đô thị vệ tinh cơ bản đạt tiêu chuẩn để nâng cấp lên thành phố (gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ).
Sau năm 2030, bắt đầu xây dựng các đô thị theo mô hình thành phố đa trung tâm gồm đô thị trung tâm và các đô thị Thủ Đức, Củ Chi - Hóc Môn, Bình Chánh, Q.7 - Nhà Bè và đô thị sinh thái biển Cần Giờ. Ranh giới chính thức của các đô thị được xác định theo quyết định thành lập đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đến năm 2050, hoàn thành việc xây dựng TP.HCM theo mô hình thành phố đa trung tâm.
Mô hình đô thị đa trung tâm được TP.HCM ấp ủ từ lâu, cụ thể bằng quy hoạch khu đô thị Nam Sài Gòn (phía Q.7, Q.8 và H.Bình Chánh) và khu đô thị Tây Bắc (phía H.Củ Chi, H.Hóc Môn). Dù vậy, mô hình này chưa mang lại kết quả như kỳ vọng do các huyện ngoại thành chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương xứng.
Tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020 - 2025, đề án đầu tư xây dựng một số huyện thành quận hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030 được thông qua. Kết quả khảo sát cho thấy các huyện chưa đủ điều kiện để trở thành đô thị loại 3 và cần đầu tư rất lớn để đáp ứng tiêu chí. Trong suốt 4 năm qua, nguồn lực đầu tư hạn chế là trở ngại lớn nhất chặn đứng mục tiêu "chuyển mình" của 5 huyện, dù một số huyện đạt phần lớn tiêu chí như Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi.
Chuyển biến về chất lượng đô thị chưa nhiều trong khi giá đất bị đẩy lên cao buộc lãnh đạo TP.HCM nhiều lần nhắc nhở, cuối cùng thống nhất sau năm 2030 mới bàn đến chuyện nâng cấp huyện, thành lập thành phố vệ tinh. Trong khi đó, thực trạng đất đai bỏ trống vẫn diễn ra khá phổ biến ở các huyện ngoại thành, đồng thời gây khó khăn, bức xúc cho người dân bị dính quy hoạch "treo".
NẮM BẮT CƠ HỘI
Ông Huỳnh Cao Cường, Phó chủ tịch UBND H.Bình Chánh, cho biết năm 2025, huyện có 16 kiến nghị cần sớm được tháo gỡ, nhất là về đất đai, quy hoạch. Trong đó, huyện kiến nghị sớm tháo gỡ vướng mắc tại các dự án gồm khu đô thị Sing Việt, 4 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp (Phong Phú, Vĩnh Lộc mở rộng, Vĩnh Lộc 3 và Lê Minh Xuân 2) chậm triển khai. Các dự án này chậm trễ trong thi công, dẫn đến đời sống người dân có đất bị ảnh hưởng gặp rất nhiều khó khăn, gây bức xúc. Người dân, cử tri đã phản ánh, kiến nghị rất nhiều lần.
"H.Bình Chánh kiến nghị UBND TP.HCM tiếp tục xem xét, thu hồi dự án và giao sở, ngành có liên quan thực hiện quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khác có đủ năng lực để thực hiện dự án theo quy định", ông Cường đề xuất.
Theo nhiều chuyên gia, quy hoạch trước đây không bài bản, kém hấp dẫn là một trong những lý do chính khiến việc kêu gọi đầu tư tại các huyện ngoại thành chưa mang lại kết quả. Bởi vậy, quy hoạch kinh tế - xã hội vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ hội rất lớn để TP.HCM nói chung và 5 huyện nói riêng hiện thực hóa kế hoạch ấp ủ cả chục năm qua.
Ông Dương Thế Trung, Bí thư Huyện ủy Nhà Bè, cho biết bản Quy hoạch TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn 2050 ra đời trong bối cảnh cả nước tiến bước vào kỷ nguyên mới nên có ý nghĩa rất quan trọng về mặt pháp lý cho đột phá phát triển mọi mặt đối với TP.HCM nói chung và H.Nhà Bè nói riêng. Quy hoạch này sẽ tạo điều kiện để huyện đưa ra hướng đi hợp lý của mình trong nhiệm kỳ 2025 - 2030, cụ thể hóa trong văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện khóa tới.
Trao đổi với PV Thanh Niên về bản quy hoạch mới, ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND H.Cần Giờ, phấn khởi cho biết đây là điều kiện hết sức thuận lợi để cho các huyện ngoại thành, trong đó có Cần Giờ tận dụng cơ hội để đẩy nhanh quy hoạch địa phương. Mục tiêu trước mắt là hiện thực hóa Nghị quyết 12 của Thành ủy TP.HCM về định hướng phát triển H.Cần Giờ đến năm 2030. Khi hình thành đô thị vệ tinh, Cần Giờ sẽ là động lực thúc đẩy, giúp TP.HCM giữ vững vị thế đầu tàu của khu vực và cả nước.
"Đây là niềm mong mỏi của người dân nhiều năm liền. Cần Giờ muốn cất cánh thì phải có quy hoạch này", ông Hồng nhìn nhận, đồng thời cho biết sắp tới sẽ tập trung cho 3 dự án lớn gồm cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cầu Cần Giờ và khu đô thị lấn biển rộng 2.870 ha. Đây sẽ là những đòn bẩy hết sức quan trọng để thúc đẩy H.Cần Giờ phát triển đột phá, bền vững.
BẮT TAY LÀM NGAY TRONG NĂM 2025
Trong buổi làm việc với H.Bình Chánh ngày 3.1, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đề nghị trên cơ sở quy hoạch vừa được Thủ tướng phê duyệt, H.Bình Chánh phấn đấu cùng 4 huyện còn lại đến năm 2030 phải cơ bản đạt được các tiêu chí công nhận thành phố.
"Chúng ta phải đảm bảo làm sao phát triển theo đúng tiến độ. Huyện phấn đấu như thế nào đó để quy hoạch, đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đảm bảo tiệm cận tiêu chí. H.Bình Chánh cần bắt tay thực hiện ngay từ năm 2025, điều chỉnh mô hình quản trị sao cho phù hợp với yêu cầu đặt ra", ông Cường nhấn mạnh.
Ở cấp độ địa phương, Bí thư Huyện ủy Nhà Bè Dương Thế Trung cho biết huyện sẽ nghiên cứu sâu quy hoạch mới để tận dụng cho sự phát triển địa phương bằng mọi hình thức, trong đó đặc biệt chú trọng tận dụng phát triển và kết nối giao thông, nhất là hệ thống giao thông thủy. "Phát triển hệ thống cảng biển là một lợi thế rất lớn của huyện", ông Trung nhận định, đồng thời cho biết sẽ chú trọng phát triển hệ thống logistics, các khu trung tâm triển lãm lớn và các trục động lực phát triển được xác định trong quy hoạch.
Đặc biệt, Nhà Bè sẽ khai thác tối đa thế mạnh về tiềm năng đất đai một cách hiệu quả để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển huyện thành một đô thị vệ tinh hiện đại, kiểu mẫu, sẵn sàng trở thành thành phố trong TP.HCM (Nhà Bè - Q.7) theo định hướng quy hoạch. Về công việc sắp tới, ông Trung cho biết đang chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu bài bản quy hoạch để xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của huyện.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND H.Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng cho biết địa phương sẽ phối hợp khẩn trương hơn nữa với các sở ngành nhằm triển khai hiệu quả các đề án, kế hoạch theo Nghị quyết 12 của Thành ủy TP.HCM. Đến nay, huyện đã hoàn thành 20/44 đề án, trong đó có dự án "Vì một Cần Giờ xanh". Dự án này gồm các nhiệm vụ như trồng rừng tái tạo để phát triển tín chỉ carbon, làm du lịch kết hợp sản phẩm OCOP xanh, giao thông xanh, thúc đẩy năng lượng tái tạo, điện áp mái công sở. Sắp tới, địa phương cũng sẽ kêu gọi đầu tư điện gió ngoài khơi đáp ứng nguồn năng lượng sạch cho TP.Cần Giờ trong tương lai.
Ông Hồng chia sẻ thêm huyện sẽ thí điểm mô hình "làng xanh" với cơ sở hạ tầng đầy đủ, là khu sinh thái đáng sống, đầy đủ tiện nghi cho sinh hoạt, làm việc. Đơn cử như xã Tam Thôn Hiệp có thể quy hoạch làng yến kết hợp du lịch sinh thái, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Hay ở xã Long Hòa có đặc sản xoài cát, huyện cũng sẽ tính toán mô hình phù hợp để người dân duy trì, nâng cao chất lượng giống xoài cung cấp cho khách du lịch, cải thiện đời sống.
Định hướng ngành công nghiệp, nông nghiệp
Theo quy hoạch, H.Bình Chánh là vùng công nghiệp tập trung, phát triển các ngành công nghiệp chủ lực. H.Củ Chi và H.Hóc Môn là vùng công nghiệp hỗ trợ gắn với liên kết vùng. Trong khi đó, H.Nhà Bè và H.Cần Giờ là vùng công nghiệp sạch gắn với kinh tế biển, bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên.
Về nông nghiệp, các huyện Củ Chi, Hóc Môn phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng cây ăn trái kết hợp với du lịch khu ven sông Sài Gòn, xây dựng chợ đầu mối thứ 4 tại H.Hóc Môn.
Khu vực H.Bình Chánh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch; phát triển trung tâm logistics nông nghiệp tại chợ đầu mối Bình Điền (mở rộng về phía nam và phát triển khu thương mại Bình Điền giai đoạn 2). Còn 2 huyện Nhà Bè, Cần Giờ phát triển nuôi trồng thủy sản mặn, lợ nội địa, trên biển và sản xuất muối ứng dụng công nghệ cao, phát triển các làng nghề gắn với các sản phẩm OCOP.
Bình luận (0)