Hoàng Thái Thanh là đơn vị đang đối diện khó khăn, nhưng tết lại dựng luôn 2 vở nghiêm túc. Lạc ở đáy sông nói về những bi kịch nghèo khổ của người dân miền Tây sông nước đã đẩy họ vào cái chết và sự ăn năn day dứt. Để rồi từ đó tâm thiện của họ phát khởi, không chỉ chuộc lỗi mà còn giúp được biết bao nhiêu người khác, kể cả sự buông bỏ hận thù khi phát hiện ra sự thật. Còn Lồng sắt lại là một bi kịch khác của tình yêu mù quáng, ghen tuông, ích kỷ, đẩy người ta vào tội lỗi. May là vào phút chót họ đã tỉnh thức, kịp ngừng tay. Vở này mang chút màu sắc hình sự ly kỳ, nên sức hấp dẫn có ngay từ đầu. Hoàng Thái Thanh chưa bao giờ thay đổi gu kịch tết, cứ bi kịch mà dựng, cứ cho khán giả khóc vào đầu năm, ấy vậy mà khán giả lại chịu.
Sân khấu Idecaf có vở Bích Hoa cô là ai? mới ra mắt, được xếp lịch nhiều suất. Câu chuyện bí mật của người phụ nữ cố tình xin vào làm ô sin trong căn nhà của người đàn ông góa vợ khiến bầy con của ông nháo nhào cả lên. Họ sợ mất tài sản, mất tình thương, họ luôn nghĩ tới bản thân hơn là nghĩ tới cha mình đang cần cái gì, đang thiếu thốn, khao khát những gì, đang nợ ân nghĩa của ai… Thế thái nhân tình đủ đầy trong căn nhà ấy, khiến người xem mủi lòng, suy ngẫm.
Sân khấu Hồng Vân có vở đình đám là Tình sử Thăng Long mùng 6 tết ra mắt. Hiện nay chỉ có vở Ai kế tiếp? và Hậu cung ngoại truyện là phúc khảo xong. Ai kế tiếp? là vở kinh dị, nhưng ý nghĩa khá sâu sắc, đề cập vấn đề giáo dục.
Kịch Thiên Đăng có vở Nội tình của ngoại tình rất vui nhộn, đúng chất xuân. Từ sự nhầm lẫn của anh chàng bác sĩ sang nhà cô giáo lỡ thì, mới hay đây chính là phép thử của tình yêu, để cả hai người nhận ra mình đã chọn lựa sai lầm. Thì vậy, đời yên ả quá làm sao biết lòng người, chỉ cần một sự cố thì mọi thứ phơi bày. Đạo diễn Lê Hoàng Giang dựng kịch theo ngôn ngữ mới, không biến câu chuyện thành bi kịch, mà có múa, có nhạc rộn ràng, có những ước lệ khác nữa, khiến nhân vật lẫn tình tiết đều tung tẩy sinh động.
Đặc biệt nhất là hai vở thiếu nhi chưa đến tết mà khán giả đã mua vé rần rần. Vở Cuộc phiêu lưu của cậu bé búp bê (Nhà hát Thanh Niên) lộng lẫy không thua Ngày xửa ngày xưa tại Nhà hát Bến Thành, với trang phục, âm nhạc, nhảy múa đều được đầu tư rất cao. Nội dung vở cũng đề cập giáo dục, cha mẹ sẽ suy ngẫm về cách cho con mình tiếp cận thế giới bên ngoài, ngược lại các em nhỏ cũng được nhắc nhở về sự vâng lời cha mẹ. Cuộc sống luôn có đủ xấu tốt, thiện ác, làm sao cho các em vẫn tiếp cận mà vẫn không bị rơi vào cạm bẫy. Còn Thế giới đồ chơi và câu chuyện chú bé rồng (Sân khấu 5B) tuy không gian nhỏ hơn nhưng cũng đầu tư kỹ lưỡng, hấp dẫn vô cùng.
Bình luận (0)