Võ Đăng Khoa: 'Bất cứ ai cũng có phần trên cánh đồng chữ miền Tây Nam bộ'

Tuấn Duy
Tuấn Duy
03/01/2024 11:15 GMT+7

Từng được biết đến khi chiến thắng nhiều cuộc thi về truyện ngắn, tác giả trẻ Võ Đăng Khoa gần đây đã giới thiệu tập truyện đầu tay mang tên ‘Lạc đà bay’.

Lạc đà bay gồm 10 truyện ngắn, đa số xoay quanh miền Tây sông nước, với những con người, những thân phận khác biệt. Trong đó tác giả đã phản ánh rất nhiều vấn đề mang theo “sức nóng”, như bạo lực gia đình, sự tổn thương, mất mát, làn sóng đô thị hóa, vấn đề bùng nổ dân số và cuộc sống chật vật của những người trẻ... Với trí tưởng tượng phong phú và cách hành văn có dấu ấn riêng, tập truyện đánh dấu sự trưởng thành của Võ Đăng Khoa và cho thấy anh sẽ còn phát triển thêm nữa.

Tập truyện ngắn Lạc đà bay của Võ Đăng Khoa. Ảnh NXB Trẻ

Tập truyện ngắn Lạc đà bay của Võ Đăng Khoa

NXB Trẻ

Như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đánh giá: “Chững chạc, tự tin, tưởng tượng phong phú, tinh tế trong chi tiết, đọc Lạc đà bay không có cảm giác đây là tập truyện đầu tay của một tác giả vừa mới bước qua tuổi hai mươi. Bằng thứ văn phong giàu chất thơ, hiện đại, sớm vượt qua khỏi rào vách vùng miền, trắc ẩn mà không ủy mị, phơi bày mà không sa đà kể lể, Khoa tỉnh táo lần giở những buồn vui cuộc đời, nhìn vào thế giới nội tâm của những phận người dẫu bị dập vùi vẫn không thôi lấp lánh”.

Không ngừng học hỏi

* Khoa viết các truyện ngắn trong tập Lạc đà bay từ khi nào, và đâu là nguồn cảm hứng để khai thác?

- Nhà văn Võ Đăng Khoa: Mình xem tập truyện ngắn Lạc đà bay là quyển sách đánh dấu một chặng đường sáng tác của bản thân, từ khi bắt đầu viết - lúc còn là học sinh cấp ba - cho đến trước khi tốt nghiệp đại học. Những câu chuyện, nhân vật, bối cảnh… trong truyện phần lớn được mình lấy cảm hứng từ chính miền đất Tây Nam bộ nơi mình sinh ra và lớn lên.

* Một điều đặc biệt là cách sử dụng hình tượng cũng như mô tả bối cảnh, không gian… của nhiều truyện ngắn trong tác phẩm này rất đậm tính điện ảnh...

- Người làm phim hay tác giả viết truyện đều có cùng một nhiệm vụ là kể chuyện cho người khác thưởng thức, nhưng bằng hai cách khác nhau: một bằng âm thanh và hình ảnh, một bằng con chữ. Khi xem một bộ phim điện ảnh, đôi khi mình tự diễn tả trong đầu lại bằng chữ những cảnh có trong bộ phim đó. Hoặc khi đọc một quyển sách, hình ảnh lại hiện lên trong đầu mình như một bộ phim điện ảnh. Vậy nên, mình nghĩ, điện ảnh cũng là một nguồn cảm hứng của người viết, giống như đọc sách, trong đó có mình.

* Đâu là những nhà văn/tác phẩm mà Khoa đã đọc và học tập?

- Với mình, đọc là một quá trình thưởng thức và góp nhặt. Mọi tác phẩm mà mình đọc đều để lại cho mình ít nhiều bài học giúp mình phát triển hơn trong cách tư duy và kỹ thuật viết; hơn nữa, đọc còn là cách mình tiếp lửa cho bản thân tiếp tục gắn bó với văn chương. Bản thân mình không tự giới hạn chỉ phải đọc của một vài nhà văn hay thể loại nhất định. Mình đọc mọi thứ mình thấy hứng thú, và tích góp, học hỏi được từ tất cả những tác phẩm và nhà văn mình đã đọc.

Tác giả Võ Đăng Khỏa. Ảnh NVCC

Theo Võ Đăng Khoa, con người và cuộc sống ở miền Tây vẫn là một “cánh đồng chữ” bao la để người viết có thể tha hồ khai thác

NVCC


Một miền Tây khác biệt

* Người ta thường nói những năm đầu đời của một nhà văn là sự vùng vẫy thoát khỏi cái bóng của những tác giả/tác phẩm có ảnh hưởng nhiều lên người viết. Khoa có thấy điều tương tự?

- Giai đoạn đầu khi viết, mình bị ảnh hưởng nhiều bởi màu sắc, phong cách, lối hành văn của những nhà văn mà mình yêu thích. Cách để mình thoát khỏi điều đó là đọc tác phẩm của nhiều nhà văn khác nhau, quan sát và tư duy nhiều hơn từ những điều xung quanh cuộc sống. Dần dần sẽ định hướng và hình thành nên phong cách riêng của bản thân.

* Cùng xuất thân ở miền Tây sông nước, cùng hướng về thân phận con người nơi đây (mà đa số còn là phụ nữ), Khoa có sợ mình bị so sánh với những tác giả lớn và đã thành công trước đó?

- Là một tác giả trẻ sinh ra và lớn lên ở miền Tây Nam bộ, nên chất liệu mình chọn để viết dĩ nhiên là con người và cuộc sống nơi đây. Nhưng bản thân mình vẫn luôn cố gắng tìm kiếm những chi tiết và cách thể hiện mới mẻ hơn. Trong tập truyện Lạc đà bay, người đọc sẽ thấy miền Tây được thể hiện theo một dáng vẻ khác, vừa lạ vừa quen.

Theo mình, so sánh một tác giả trẻ với một nhà văn lớn thành công là điều vô nghĩa. Chẳng hạn cùng là một trái táo nhưng mỗi người sẽ có một cái nhìn khác nhau, và khi nếm thử thì mỗi người cũng có một cảm nhận khác nhau. Con người và cuộc sống ở miền Tây vẫn là một “cánh đồng chữ” bao la để người viết có thể tha hồ khai thác, bất cứ ai cũng có phần trên cánh đồng đó!

* Đâu là mục tiêu Khoa muốn hướng đến trong văn chương, cũng như cuộc sống?

- Mục tiêu trước mắt của mình là tốt nghiệp đại học và ra trường, tiếp tục phát triển bản thân không chỉ trong công việc mà ở cả con đường văn chương.

* Xin cám ơn Võ Đăng Khoa về cuộc trò chuyện này!

Võ Đăng Khoa sinh năm 2001 tại cù lao Ông Chưởng (Chợ Mới - An Giang). Từ lối văn dung dị, mộc mạc, anh viết về cuộc sống với cái nhìn cảm thông, trân trọng và đầy thương mến. Bắt đầu viết khi còn rất trẻ, Võ Đăng Khoa đã đạt được nhiều giải thưởng lớn nhỏ từ các cuộc thi văn học uy tín như: Giải ba cuộc thi Truyện ngắn hay 2022 tạp chí Văn nghệ TP.HCM, Giải nhì cuộc thi Sáng tác văn học - giải thưởng Văn học Trẻ Đại học Quốc gia TP.HCM 2022, Giải nhất cuộc thi Truyện ngắn trẻ Quán Chiêu Văn (2020 – 2021)...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.