Sách hay: Một chân dung khác về Nguyễn Huy Thiệp

Tuấn Duy
Tuấn Duy
02/12/2023 07:27 GMT+7

Đã gần 2 năm Nguyễn Huy Thiệp xa rời dương gian, thế nhưng ảnh hưởng của nhà văn vẫn còn sâu đậm trong lòng bạn đọc. Điều ấy vừa được tiếp nối qua tập di cảo Anh hùng còn chi (Mai Anh Tuấn biên soạn, Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành).

Gồm 3 phần chính, tập sách gồm những bài thơ, truyện ngắn, tiểu luận, tạp văn, kịch bản phim truyện vì nhiều lý do chưa từng được công bố trước đây. Với sự giúp đỡ của gia đình và bè bạn, các tư liệu ảnh cũng như tác phẩm ký họa trên gốm cũng được đính kèm, cho thấy một Nguyễn Huy Thiệp ở nhiều vai trò, từ đó mang đến cái nhìn đầy đủ và bao quát hơn về sự nghiệp của ông.

Sách hay: Một chân dung khác về Nguyễn Huy Thiệp - Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ký họa trên gốm

Nguyễn Đình Toán

Những gì còn lại

Trong cuốn sách này, 21 trên tổng số 51 bài thơ từ tập Những vần thơ chua xót được nhà văn hoàn thành lúc 27 tuổi khi đang công tác ở Sơn La đã được mang đến độc giả. Được viết như những giãi bày về mặt cảm xúc của con người cô độc trước núi rừng bao la, ở đây ta sẽ thấy được rất nhiều trạng thái, từ cay đắng, nhớ nhung, tự vấn cho đến phê phán, có chút cực đoan... Chẳng hạn trong cảm xúc lứa đôi, ông viết về nỗi mong nhớ vẫn thường quay quắt vào những buổi đêm. Đó là "Trăng sáng. Bâng khuâng rừng núi./Nôn nao nỗi nhớ về em,/Bạn mời ngồi uống rượu ngọt,/Định ngồi. Nhớ. Lại đứng lên" (Nhớ)…

Hay ở bài khác, ta cũng sẽ thấy được những quan tâm ở buổi ban đầu rồi sẽ xuất hiện trở lại trong văn xuôi của Nguyễn Huy Thiệp. Đó là thói đời bạc bẽo trong bài Cực đoan, mà ông ví nó với một hình tượng có phần độc đáo "Những con gà trống ấy vào ra/Ngắm lông cánh, lắc lắc mào, đê tiện/Anh ghê tởm trò đời mũ miện,/Vòng hào quang giả dối trên đầu". Ông cũng tự phê bình mình có những yếu đuối con người, như cuộc tự vấn lương tâm trong Tâm sự tháng sáu: "Ở trong anh cũng có ươn hèn, cũng vụ lợi, dại rồ, ích kỷ/Cũng có tháng ngày sống vô nghĩa lý./Cũng hóa tầm thường khi bụng hờn ghen".

Sách hay: Một chân dung khác về Nguyễn Huy Thiệp - Ảnh 2.

Tập di cảo Anh hùng còn chi

Nhã Nam

Tuy ông nói rằng Cực đoan chỉ là một nét tâm trạng chứ không hoàn toàn là ý nghĩ về cuộc sống, thế nhưng dường như chúng luôn vận động và rồi xuất hiện trở đi trở lại. Ở mảng văn xuôi, tập di cảo này cũng bổ sung thêm 3 truyện ngắn chưa từng được ông đưa vào bất cứ tuyển tập nào lúc sinh thời. Trong đó truyện Cô MyVết trượt là những sáng tác được đăng báo đầu tiên nhất. Ở đây ta vẫn thấy được lối xây dựng những con người bị tha hóa bởi đồng tiền, từ đó đánh mất giá trị bản thân… đã được ông tiếp cận ngay đầu sự nghiệp, kéo dài cho đến sau này.

Thế nhưng cũng rất có thể do là những tác phẩm đầu tay, nên hai truyện này vẫn chưa "đổi mới" một cách triệt để. Chúng có được tính phê phán, kèm theo thông điệp cảnh báo, nhưng vẫn chưa tạo ra được những cú đánh gục mà các truyện ngắn sau này làm được. Xét về nghệ thuật viết, truyện Những bài hát ra đời ở giai đoạn sau lại có cấu trúc tương đối đặc biệt. Mượn hình ảnh và những câu hát truyền thống, Nguyễn Huy Thiệp tiến tới hình thức giải cấu trúc để nói về nhiều vấn đề trong một motif lặp đi lặp lại, phần nào cho thấy nỗ lực cách tân của ông ở thời điểm này.

Ngoài những phần trên, cuốn sách cũng đưa vào hai kịch bản phim do ông chuyển thể từ Tướng về hưuKhông có vua. Theo chia sẻ của nhà báo Nguyễn Trọng Chức, thì Nguyễn Huy Thiệp từng gửi hơn 80 trang kịch bản Tướng về hưu muốn được đăng báo vì ông không đồng tình cách mà bộ phim chuyển thể của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi làm. Khác với bộ phim, kịch bản của Nguyễn Huy Thiệp tạo nhiều nút thắt và đẩy cao trào trong những ngày cuối của bà Thuấn, trong cách cư xử rất đáng tình người của ông Thuấn với Kim Chi hay cha con cô Lài… Những điều nói trên càng làm rõ thêm dấu ấn về một tác giả đa tài, sáng tạo không chỉ rất nhiều mà còn rất hay ở đa dạng thể loại.

Hành trình tìm "đạo"

Phần quan trọng nhất của di cảo này vẫn là những bài tiểu luận, từ đó làm nổi bật lên quan niệm sáng tác và quan điểm sống của bản thân ông. Trong bài Văn học là cuộc sống, ông đã đặt ra câu hỏi có phần cốt tủy, đó là "văn học có sức mạnh không?". Theo Nguyễn Huy Thiệp thì câu trả lời là "hình như không!", vì vẫn còn đó rất nhiều hạn chế của nền nghệ thuật nước nhà. Chẳng hạn ông đã cảnh báo về một nền "văn học minh họa", trước thực tế lý luận - phê bình chưa thật phát triển thì nhiều khả năng những gì viết ra toàn là nhảm nhí, vì vốn dĩ phê bình là "ngự lâm quân", là "viên cảnh sát" của việc sáng tác…

Với bản thân ông, những người cầm bút muốn hiểu sức mạnh thật sự của văn học thì phải trải qua "ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh" trong biển cả ngôn từ với cường độ làm việc nghiêm túc, bởi lẽ "văn học không có đường đi tắt". Và khi dấn thân vào con đường này, họ phải chấp nhận cả những hệ lụy có thể xảy ra, bởi "chân lý văn học và lương tâm văn học lúc nào cũng đến chậm một bước khi sự việc đã xảy ra rồi". Không phải vô tình mà Nguyễn Huy Thiệp cũng đã nhắc đến nhà văn người Anh gốc Ấn - Salman Rushdie trong các tiểu luận của mình. Vì những tác phẩm phản ánh hiện thực, Rushdie phải lẩn trốn cả cuộc đời mình vì các fatwa, và lời "tiên tri" của Nguyễn Huy Thiệp cũng càng ứng nghiệm khi vụ tấn công nhằm vào Rushdie chỉ mới diễn ra một năm trước đây.

Với Nguyễn Huy Thiệp, nỗi đau ông phải trải qua không phải về mặt thể chất mà là những sự dồn nén suốt cuộc đời mình. Trong cuốn Haroun và Biển truyện, Rushdie đã cho cậu bé Haroun hỏi cha mình những chuyện ông kể cậu nghe bắt đầu từ đâu, và người cha trả lời nó bắt nguồn từ một đại dương của những câu chuyện mà tất cả chúng ta chèo thuyền trên đó. Nhưng đó không phải là điểm khởi nguồn duy nhất, mà còn có cả kinh nghiệm và quan điểm sống của người kể chúng, và cũng là của thời đại mà họ đang sống. Nguyễn Huy Thiệp cũng hệt như thế. Ông đang "đãi vàng" cũng như đặt cược chính sinh mạng mình để cho ra đời những tác phẩm hay.

Ông đã quan niệm mục đích tối thượng của người làm văn học chân chính đó là tìm "đạo" - tìm ý nghĩa cuộc sống, tìm sự giác ngộ. Bởi "đạo" là con đường, và con đường ấy thì có nhiều chặng, với đích đến là "đức". Đây là quan điểm sẽ còn đi suốt văn nghiệp của ông, để lại vọng âm cho đến hiện tại. Có thể thấy rằng qua di cảo này, một Nguyễn Huy Thiệp ở nhiều khía cạnh đã được hiện lên, từ đó mà quan điểm sống, quan điểm sáng tác cũng được làm rõ, góp phần lý giải cho sự thành công của một trong những nhà văn lớn nhất của văn đàn VN nhiều thập niên qua.

Nguyễn Huy Thiệp (1950 - 2021) sáng tác ở đa dạng thể loại: từ thơ, tiểu thuyết, tiểu luận đến kịch, kịch bản phim, truyện ngắn... Nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển ngữ và xuất hiện ở nước ngoài, giúp ông nhận những giải thưởng cao quý như Huân chương Văn học nghệ thuật Pháp (2007), Giải Premio Nonino - Ý (2008), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2022)…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.