Triển khai đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong nước

27/10/2023 17:33 GMT+7

Ngày 27.10, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư tổ chức tọa đàm khoa học chủ đề “Đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong các trường đại học đa ngành - những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Tọa đàm khoa học "Đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong các trường đại học đa ngành - những vấn đề lý luận và thực tiễn" được tổ chức với mục tiêu bước đầu tổng kết hoạt động đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghệ thuật (bao gồm cả sáng tác và lý luận, phê bình) của những trường đại học vốn chỉ có truyền thống nghiên cứu khoa học cơ bản và đào tạo đa lĩnh vực. 

Triển khai đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong nước - Ảnh 1.

Tọa đàm đã thu hút được sự tham gia của các nhà khoa học, nhà giáo, nhà hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật từ các cơ sở giáo dục đại học và những cơ quan truyền thông liên quan đến văn học nghệ thuật

TN

Phát biểu khai mạc và đề dẫn, Ủy viên Hội đồng, Trưởng tiểu ban, PGS - TS Nguyễn Thành cho biết, văn học, nghệ thuật là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng. Để văn học, nghệ thuật phát triển đúng với những kỳ vọng của Đảng và Nhà nước, tương xứng với vị thế quốc gia và đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững đất nước thì vấn đề đào tạo đội ngũ, đặc biệt là đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật được đặt ra một cách bức thiết.

Trong lĩnh vực đào tạo ở Việt Nam khoảng 10 năm gần đây đã có sự biến đổi quan trọng theo hướng đa dạng hóa loại hình đào tạo. Các chương trình đào tạo sáng tác và lý luận, phê bình nghệ thuật bắt đầu được các trường đại học, cả trong và ngoài khối công lập triển khai xây dựng và tuyển sinh như việc giảng dạy điện ảnh, thiết kế, sáng tạo tại Đại học Quốc gia Hà Nội; việc dạy nghệ thuật học ở Đại học Quốc gia TP.HCM, việc dạy sáng tác và phê bình văn học ở một số trường đại học nước ngoài, trong đó có Trường đại học Fulbright Việt Nam và việc dạy điện ảnh, nghệ thuật thị giác ở nhiều trường đại học ngoài công lập. Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực được đào tạo từ các trường đa ngành trong khối đại học đang có sự tham gia tích cực vào thị trường lao động, nhận được sự phản hồi tích cực từ phía nhà tuyển dụng…

Các tham luận trình bày tại tọa đàm tập trung phân tích, đánh giá việc triển khai đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong nước. Các nhà khoa học bước đầu đã đề ra một số giải pháp có tính khả thi về đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong các trường đại học đa ngành thời gian tới.

Trong tham luận "Đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo và vai trò của đại học đa ngành", PGS - TS Phạm Quỳnh Phương (Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, sự phát triển tri thức của ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo diễn ra trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0 sẽ lần lượt tạo ra các nền tảng và thực tiễn mới; sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đòi hỏi hệ thống giáo dục đại học phải đổi mới, trên cơ sở một tư duy mới mang tính liên ngành, đặt nền tảng trên tinh thần hiện đại và tính dân tộc.

Các trường đại học đa ngành không chỉ giúp sinh viên nghệ thuật tiếp cận với nhiều ngành học thuật khác nhau, khơi dậy sự giao thoa sáng tạo mà còn thúc đẩy sự hợp tác liên ngành, khuyến khích các nghệ sĩ thử nghiệm các kỹ thuật, công nghệ và ý tưởng mới. Sinh viên tốt nghiệp các trường đại học đa ngành cũng thường nổi lên như những nghệ sĩ toàn diện với kỹ năng và tư duy tốt…

Bên cạnh những lợi thế được nêu bật thì khâu đào tạo nhân lực cho lĩnh vực nghệ thuật của các trường đại học đa ngành còn tồn tại nhiều hạn chế, thách thức. Trong báo cáo "Đào tạo nhân lực nghệ thuật trong đại học đa ngành - Tiềm năng và thách thức từ một mô hình phi truyền thống", PGS - TS Phạm Xuân Thạch (Khoa Văn học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chỉ ra các thách thức đó là: cơ sở vật chất còn khó khăn; đội ngũ cán bộ giảng dạy nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực nghệ thuật không phải là thế mạnh; vấn đề tổ chức bộ máy còn ngăn cản tính đa ngành và tạo nên tình trạng xơ cứng, cô lập;…

Tuy vậy, ông Thạch nhấn mạnh, trong tương lai, các mô hình đào tạo nhân lực văn học, nghệ thuật trong các trường đại học đa ngành ở Việt Nam, trong khối công lập cũng như khối tư thục, hoặc có vốn đầu tư nước ngoài sẽ có xu hướng phát triển mạnh mẽ.

"Thực tế đó đòi hỏi các cấp quản lý có một sự đổi mới tư duy trong hệ thống quản lý, mở rộng cửa chính sách tạo sự bình đẳng giữa mô hình đào tạo này và mô hình đào tạo truyền thống, tận dụng được thế mạnh của mỗi mô hình để đóng góp vào sự phát triển của văn học, nghệ thuật cũng như của lĩnh vực công nghiệp văn hóa, đúng theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng về văn hóa trong thời gian qua", ông Phạm Xuân Thạch nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.