PV Thanh Niên có cuộc phỏng vấn PGS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, về vấn đề này.
NHỮNG TIÊU CHUẨN DƯỚI 4 ĐIỂM
Thưa ông, từ khi luật Giáo dục ĐH năm 2012 đưa kiểm định là yêu cầu với cơ sở giáo dục ĐH, sau đó Thông tư số 12 của Bộ GD-ĐT ban hành Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học (CSGD ĐH) có hiệu lực từ ngày 4.7.2017, đến nay đã có bao nhiêu CSGD ĐH được Bộ trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD)?
Tính từ khi Thông tư số 12 có hiệu lực, đã có 87 CSGD ĐH được đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục và cấp giấy chứng nhận KĐCLGD. Trong đó, có 62 CSGD đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục chu kỳ 1 và 25 CSGD đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục chu kỳ 2. Còn tính từ năm 2012 đến nay có 187 trường ĐH đã được kiểm định CSGD (trong đó 182 trường được kiểm định trong nước, 5 trường được kiểm định quốc tế), trong tổng số hơn 235 trường trên toàn quốc. Bên cạnh đó, trong toàn hệ thống có khoảng hơn 6.000 chương trình đào tạo thì hiện có tổng cộng 1.067 chương trình đào tạo ĐH được kiểm định.
Đã có trường hợp nào bị thu hồi giấy vì Bộ phát hiện có gian dối trong quy trình kiểm định, hoặc do CSGD không còn đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn đánh giá chất lượng hay không?
Đến nay, chưa có CSGD nào bị thu hồi giấy chứng nhận KĐCLGD.
Có rất nhiều tiêu chí người học đưa ra để lựa chọn trường học, trong đó có tiêu chí trường ĐH đó bảo đảm chất lượng thông qua việc trường đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục và đạt tiêu chuẩn chất lượng về chương trình đào tạo mà người học đang quan tâm.
Trong số 25 tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng, các trường khi kiểm định thường bị điểm thấp nhất ở các tiêu chuẩn nào, thưa ông?
Qua thống kê sơ bộ và báo cáo từ các trung tâm KĐCLGD, trong 25 tiêu chuẩn đánh giá theo quy định tại Thông tư số 12, có một số tiêu chuẩn sau đây đoàn đánh giá ngoài thường đánh giá mức điểm thấp, gồm:
Tiêu chuẩn về quản lý tài chính và cơ sở vật chất. Trong đó, tiêu chí thường có mức đánh giá dưới 4 điểm là đánh giá về hệ thống lập kế hoạch, bảo trì, đánh giá và tăng cường các nguồn lực học tập như nguồn học liệu của thư viện, thiết bị hỗ trợ giảng dạy, cơ sở dữ liệu trực tuyến để đáp ứng các nhu cầu về đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng được thiết lập và vận hành.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn về nâng cao chất lượng cũng được đánh giá mức điểm thấp. Trong đó, các tiêu chí thường có mức đánh giá dưới 4 điểm là về quy trình lựa chọn, sử dụng các thông tin so chuẩn và đối sánh được rà soát; về quy trình lựa chọn, sử dụng các thông tin so chuẩn và đối sánh được cải tiến để liên tục đạt được các kết quả tốt nhất trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
Các tiêu chuẩn về thiết kế và rà soát chương trình dạy học, đánh giá người học, kết quả nghiên cứu khoa học cũng thường được đánh giá với mức điểm rất thấp.
PHẢI CÓ BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG THÌ MỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Có ý kiến cho rằng, bên cạnh những "điểm sáng" thì KĐCLGD còn tồn tại hạn chế như một số trường khi thực hiện kiểm định còn mang tính đối phó, hoặc còn mang nặng tính hành chính, chưa đi vào chuyên môn, thậm chí có gian dối…?
Công tác bảo đảm chất lượng và KĐCLGD được triển khai, thực hiện đối với CSGD ĐH ở VN trong khoảng gần 20 năm nay và đạt được kết quả nhanh, mạnh trong 5 năm gần đây. Nhất là từ sau khi luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH (luật số 34/2018/QH14) và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP được ban hành, có hiệu lực thi hành.
Khó khăn, trở ngại trong thời gian đầu thực hiện công tác bảo đảm chất lượng và KĐCLGD là hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong chưa đồng bộ và chưa đầy đủ ở mỗi CSGD ĐH, nhận thức và ý thức thực hiện của một bộ phận cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên trong các trường ĐH chưa đúng do chưa hiểu đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của công tác này. Bên cạnh đó, vẫn còn có người đứng đầu CSGD ĐH, đơn vị, cá nhân trong CSGD ĐH chưa có tâm thế thực hiện công tác này.
Từ khi CSGD ĐH được giao quyền tự chủ, gắn với trách nhiệm giải trình, với việc thực hiện công khai và KĐCLGD thì nhận thức và hành động của các CSGD ĐH về công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng cũng đã có sự thay đổi rõ nét. Có thể nhìn nhận chung, sau thời gian triển khai, đến nay, phần lớn các CSGD ĐH đã có được sự nhận thức đầy đủ, đúng đắn về mục đích, tác dụng của công tác bảo đảm chất lượng và KĐCLGD ĐH. Phải có bảo đảm chất lượng thì CSGD mới phát triển bền vững và lâu dài. Vì thế, cách thực hiện công tác bảo đảm chất lượng và KĐCLGD mang tính chất đối phó cũng giảm đi rất nhiều.
KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG LÀ MỘT TRONG CÁC TIÊU CHÍ CHỌN TRƯỜNG
Theo ông, đạt chứng nhận về kiểm định chất lượng có phải là yếu tố để thu hút tuyển sinh?
Việc người học tìm hiểu thông tin về các trường ĐH trước khi quyết định lựa chọn để theo học là tất yếu. Các thông tin để người học tham khảo qua rất nhiều kênh: sinh viên đã và đang học tại các trường; báo chí, truyền thông, mạng internet; trang thông tin điện tử của trường ĐH… Trong đó có thông tin về việc trường đã đạt chứng nhận kiểm định và hướng đến việc công nhận tín chỉ, công nhận văn bằng lẫn nhau. Do đó, chứng nhận đạt KĐCLGD là quan trọng, người học và xã hội dần quan tâm đến thông tin này.
Hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về kiểm định
Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về bảo đảm và KĐCLGD đối với giáo dục ĐH, trong đó có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với các giảng viên của CSGD ĐH tham gia hoạt động bảo đảm và KĐCLGD.
Bộ cũng sẽ ban hành Khung bảo đảm chất lượng giáo dục ĐH và CĐ sư phạm bảo đảm thực hiện Khung trình độ quốc gia VN, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ của khu vực và thế giới. Đồng thời, nâng cao năng lực của hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong các cơ sở đào tạo và phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức KĐCLGD; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động KĐCLGD.
Có rất nhiều tiêu chí người học đưa ra để lựa chọn trường học, trong đó có tiêu chí trường ĐH đó bảo đảm chất lượng thông qua việc trường đạt tiêu chuẩn chất lượng CSGD và đạt tiêu chuẩn chất lượng về chương trình đào tạo mà người học đang quan tâm.
Thời gian tới, Bộ GD-ĐT làm thế nào để khắc phục những hạn chế trong KĐCLGD ĐH?
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang khẩn trương hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý hệ thống bảo đảm và KĐCLGD ĐH để đưa vào sử dụng, phục vụ cho công tác quản lý. Dự kiến trong quý 2/2023 sẽ ban hành quy chế, đưa vào sử dụng phần mềm này. Các bên liên quan gồm Cục Quản lý chất lượng, các CSGD ĐH, các trung tâm KĐCLGD đã được Bộ cho phép hoạt động sẽ triển khai đồng bộ thực hiện việc khai báo cơ sở dữ liệu lên hệ thống phần mềm.
Lúc đó, việc xác định các điểm mạnh, điểm tồn tại của từng tiêu chuẩn, tiêu chí sẽ nhanh, chính xác và toàn diện hơn. Bộ GD-ĐT sẽ xem xét kết quả thống kê để ban hành chính sách cho phù hợp; còn CSGD ĐH sẽ thực hiện việc cải tiến chất lượng theo từng nhóm tiêu chuẩn, tiêu chí. Đây là một trong các giải pháp quản lý phù hợp với yêu cầu và xu thế chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay.
Bình luận (0)