Ngày 11.8, ông Lê Minh Tuyên có cuộc trao đổi với báo chí về tình trạng rừng phòng hộ Sóc Sơn tiếp tục bị "xẻ thịt", đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.
Theo ông Tuyên, từ đầu năm đến nay, H.Sóc Sơn xảy ra 59 vụ xâm phạm đất rừng; trong đó có 36 vụ xây dựng trái phép, 21 vụ san gạt và 2 vụ khai thác đất lâm nghiệp trái phép.
"Hầu hết các vụ vi phạm xảy ra trên đất trống, không có hành vi chặt cây, khai thác cây rừng. Do vậy, Hạt Kiểm lâm số 4 (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) đã phối hợp với chính quyền xã lập biên bản yêu cầu dừng ngay việc san gạt, xây dựng trái phép và báo cáo kịp thời UBND H.Sóc Sơn chỉ đạo cơ quan chức năng và UBND các xã xử lý theo thẩm quyền", ông Tuyên nói.
Liên quan đến phạm vi quản lý, ông Tuyên cho biết, theo Quyết định số 2100/QĐ-UBND ngày 29.5.2008 của UBND TP.Hà Nội, toàn bộ đất rừng ở H.Sóc Sơn là 4.445 ha. Trong đó, huyện quản lý khoảng 2.300 ha, còn lại Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (Sở NN-PTNT Hà Nội) quản lý.
Sau này, H.Sóc Sơn phải bàn giao toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp cho Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Đến giai đoạn năm 2020 - 2021, H.Sóc Sơn mới bàn giao đợt 1 khoảng 1.150 ha. Đối với 1.200 ha còn lại, thành phố yêu cầu H.Sóc Sơn phải xử lý tất cả các tồn tại về đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, về trật tự xây dựng… rồi mới bàn giao nốt.
Khi báo chí đề cập đến thực trạng rừng phòng hộ ở H.Sóc Sơn tiếp tục bị "xẻ thịt", ông Tuyên bày tỏ sự xót ruột. Theo ông, phần lớn khu vực hồ Đồng Đò (xã Minh Trí) và hồ Ban Tiện (xã Minh Phú, H.Sóc Sơn) đang thuộc quyền quản lý của H.Sóc Sơn. Những nơi này có thực trạng xây dựng trái phép rất nhiều và thành phố đã chỉ đạo huyện phải xử lý.
Về góc độ quản lý, ông Tuyên khẳng định, tất cả các công trình trái phép xảy ra trên đất lâm nghiệp đều được lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn lập biên bản. Tiếp đó, đơn vị đã đề xuất phối hợp với xã xử lý hàng trăm bộ hồ sơ. "Sở không có thẩm quyền xử lý cái này (công trình sai phạm - PV), vì vậy phải đề nghị huyện, xã xử lý. Sở có văn bản đề nghị huyện và báo cáo cụ thể với UBND thành phố", ông Tuyên nói.
Về giải pháp, ông Tuyên cho rằng, địa phương cần đẩy nhanh việc rà soát, cắm mốc ranh giới và xử lý dứt điểm các trường hợp xây dựng trái phép theo đúng quy định. "Không giải quyết được mấu chốt này thì việc xâm phạm rừng Sóc Sơn sẽ không thể xử lý dứt điểm được", ông Tuyên nói.
Trước đó, năm 2019, Thanh tra TP.Hà Nội ban hành 2 kết luận thanh tra về đất rừng ở H.Sóc Sơn, nêu rõ còn hàng nghìn trường hợp vi phạm, trong đó đa số là vi phạm đất rừng. Chỉ riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng, đã có 797 công trình vi phạm.
Tuy nhiên, đến nay, bên đường ven hồ Đồng Đò vẫn có nhiều công trình kiên cố, lưng tựa núi, mặt hướng hồ. Đặc biệt, sát mép hồ có nhiều công trình đang xây dựng. Trên sườn núi xuất hiện nhiều vị trí được san gạt, kè bờ kiên cố và tạo lối đi. Theo lãnh đạo UBND H.Sóc Sơn, từ năm 2019 đến nay, hai bên hồ Đồng Đò có thêm nhiều công trình vi phạm. Riêng ở xã Minh Trí có gần 30 trường hợp, chưa tính hàng trăm ngôi lều nhỏ nằm trong rừng bị phá dỡ.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 11.8
Bình luận (0)