Các sản phẩm dù là thuốc lá như thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá làm nóng (TLLN) lại được bày bán công khai như những hàng hóa phổ thông, nhu yếu phẩm hàng ngày.
Do đó, theo các chuyên gia, cần sớm có quy định cụ thể cho sản phẩm này.
Chỉ cấp phép cho sản phẩm thuốc lá đã qua thẩm định khoa học
Hiện trên toàn cầu vẫn chưa có thống kê đầy đủ về chủng loại thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) đang hiện diện. Tại Việt Nam, theo quan sát và ghi nhận, phổ biến trên thị trường chợ đen gồm có hai loại: TLĐT và TLLN. Tuy nhiên không phải loại nào cũng được các cơ quan y tế quốc tế uy tín như FDA Hoa kỳ chứng nhận là giảm tác hại. Vì vậy, chính phủ các nước hiện chỉ cho phép những sản phẩm đã được khoa học công nhận lưu hành như là công cụ hỗ trợ cho chiến lược kiểm soát thuốc lá của quốc gia.
Theo đó, để được thẩm định và cho phép kinh doanh, ngoài chất lượng, các sản phẩm TLTHM này còn phải vượt qua được các quy trình thẩm định gắt gao, chứng minh được khả năng thu hút giới trẻ là thấp.
Ngày 31.1 vừa qua, ông Brian King, Giám đốc Trung tâm Sản phẩm Thuốc lá (CTP) trực thuộc FDA đã công bố báo cáo về những tiến bộ quan trọng trong công tác cấp phép cho TLĐT, hướng đến mục tiêu giúp người dùng giảm tác hại thuốc lá.
Theo báo cáo này, CTP chỉ cấp phép kinh doanh cho 23 sản phẩm TLĐT sử dụng tinh dầu có hương vị thuốc lá, và từ chối hơn 1 triệu sản phẩm TLĐT sử dụng tinh dầu có mùi hương. Đây là một trong số nhiều luật định nghiêm ngặt mà cơ quan này đặt ra.
Trước đó, cơ quan này cũng đã công nhận một sản phẩm TLLN với chỉ định "Điều chỉnh nguy cơ – Giảm thiểu phơi nhiễm", nghĩa là sản phẩm đã được xác nhận là có hàm lượng các chất gây hại lên cơ thể thấp hơn so với thuốc lá điếu.
Gần đây nhất, theo quy định sửa đổi của Đạo luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Chính phủ Đài Loan đã cấp phép cho các sản phẩm TLLN có chứng nhận kiểm nghiệm khoa học. Động thái này nhằm giải quyết sự phổ biến ngày càng tăng của các sản phẩm TLĐT trong giới trẻ Đài Loan.
Phế phẩm và chính phẩm: Cần phân biệt rõ
Ngoài Đài Loan, các quy định quản lý điển hình của chính phủ một số nước như Trung Quốc, Mỹ cho thấy, cần có sự phân định rõ sản phẩm nhập lậu, không nguồn gốc, kém chất lượng, với những sản phẩm chính danh đã qua thẩm định khoa học, để từ đó có biện pháp quản lý phù hợp cho từng loại. Rõ ràng, các sản phẩm đã được các cơ quan y tế quốc tế công nhận thì cần được quản lý phù hợp với luật kiểm soát thuốc lá của nước sở tại. Còn những mặt hàng "phế phẩm", trá hình thì cần có biện pháp nghiêm minh để loại trừ ra khỏi thị trường.
Nhận định về mức độ giảm tác hại của TLLN "chính phẩm", PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Phó Chủ Tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TP HCM cho biết, nhiệt độ chính là nguyên lý giảm tác hại của TLLN.
"Giảm tác hại chính là giảm nồng độ các chất gây hại. Nếu triệt tiêu được thì càng tốt nhưng có thể giảm được 90% nồng độ chất độc hại trong khói thuốc lá cũng là điều rất đáng lưu ý", PGS. Ngọc nhấn mạnh.
Bằng cách áp dụng hướng tiếp cận giảm tác hại này, nhiều nước như Nhật Bản, Philippines… đã đạt kết quả khả quan trong mục tiêu giảm số lượng người hút thuốc lá điếu. Tại Nhật Bản, từ khi TLLN được công nhận và hiện diện như một loại thuốc lá, doanh số thuốc lá điếu tại Nhật đã giảm đi tới 34% trong giai đoạn 2015-2019.
Hiện nay trên thế giới, chính phủ nhiều quốc gia đã áp dụng luật quản lý TLTHM ít hà khắc hơn so với thuốc lá điếu nhằm hỗ trợ người hút thuốc chuyển đổi. Tại Việt Nam, vì chưa áp dụng khung pháp lý rõ ràng, nên đến nay thị trường TLTHM vẫn như một ma trận. Các sản phẩm chính danh đã được chấp thuận bởi nhiều cơ quan y tế uy tín như FDA, PHE, Bộ Y tế Nhật Bản… bị gom vào một "rọ" với các sản phẩm lậu, trá hình và bị đề nghị cấm chung.
Do đó, theo ông Lê Đại Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp): Đã đến lúc đưa TLTHM vào quản lý, có tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng và phân định rõ chất cấm là ma túy trá hình trong sản phẩm, thay vì cấm toàn bộ ngành hàng này. Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Triết, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đánh giá, thuốc lá lậu đã hiện hữu nhiều năm nay nên không thể cấm được. Do vậy, cần có khung pháp lý rõ ràng đối với mặt hàng này để ngăn chặn kẻ gian tiếp cận giới trẻ.
Để quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo, nhiều chuyên gia kiến nghị cần sớm đưa TLTHM vào quản lý , cũng như ban hành các chế tài liên quan khi vi phạm. Cơ sở pháp lý đầu tiên chính là Nghị định 67 sửa đổi về kinh doanh thuốc lá cần sớm được đệ trình để Chính phủ xem xét, ban hành.
Bình luận (0)