Kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, người có thẩm quyền

07/09/2023 06:09 GMT+7

Trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Ủy ban Tư pháp, tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực còn diễn ra ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Ngày 6.9, Ủy ban Tư pháp Quốc hội họp phiên toàn thể, thẩm tra các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm năm 2023 của Chính phủ.

Trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Ủy ban Tư pháp, đại diện Ủy ban Tư pháp cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực còn diễn ra ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Trong kỳ báo cáo (từ tháng 10.2022 - 7.2023), tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 71,46% về số vụ, tăng 116,17% số đối tượng, đặc biệt số vụ nhận hối lộ phát hiện tăng 312,5%. Những con số này cho thấy công cuộc chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước là "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", nên việc phát hiện và xử lý ngày càng nhiều. Tuy nhiên, điều này cũng thể hiện công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế nên đã để xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng như đấu thầu, mua sắm công, quản lý đất đai, tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục...

Nhóm nghiên cứu phân tích sai phạm trong các vụ án hầu hết đều liên quan đến người có thẩm quyền trong cơ quan quản lý nhà nước, thông qua việc lợi dụng triệt để những "lỗ hổng" của pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần nâng cao hơn nữa việc kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, người có thẩm quyền; kiểm soát hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước đảm bảo khách quan, minh bạch và đúng pháp luật.

Vẫn theo nhóm nghiên cứu, tính đến tháng 4.2023, các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành xác minh tài sản, thu nhập của 13.093 người nhưng chỉ phát hiện, xử lý kỷ luật 54 trường hợp do kê khai không trung thực. Tuy nhiên, qua giám sát của Ủy ban Tư pháp, cử tri và dư luận cho thấy tình trạng vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập còn nhiều.

Cho ý kiến thảo luận, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định), Ủy viên Ủy ban Tư pháp, cho rằng thực tiễn đang phát sinh nhiều vấn đề nhức nhối cần xử lý, như là chuyện quà cảm ơn. "Quà cảm ơn gì mà nhiều thế, gợi ý đến 2 - 3 lần để lấy về hàng triệu đô la...", ông Kim nói, đồng thời đánh giá 2 vụ án kit test Việt Á và "chuyến bay giải cứu" là "quá kinh khủng".

Ông Kim cũng nhắc tới số vụ nhận hối lộ bị phát hiện tăng tới 312,5% và nói rằng như vậy "nhức nhối quá", "có phải đây là vùng cấm trước đây không sờ vào, giờ mới đụng vào nên lòi ra nhiều đến thế?", cần phải có biện pháp ngăn chặn.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông), Ủy viên Ủy ban Tư pháp, đặt vấn đề vì sao những năm qua Đảng, Nhà nước cương quyết phòng, chống với phương châm "không có vùng cấm, ngoại lệ" nhưng số vụ vẫn tăng. "Chúng ta làm mạnh hay là tội phạm tham nhũng không sợ, nhờn luật; hay chế tài của chúng ta chưa đủ mạnh? Nếu đúng như vậy, phải nghiên cứu sửa luật, sửa các quy định về hình phạt đối với loại tội phạm này", ông Mai phát biểu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.