Kiểm soát quyền lực nhìn từ vụ Việt Á

24/08/2023 05:50 GMT+7

Cơ quan điều tra Bộ Công an kiến nghị Bộ KH-CN và Bộ Y tế nâng cao năng lực kiểm soát quyền lực người đứng đầu. Vậy phải nâng cao như thế nào?

Những sai phạm "tày trời" trong vụ án Việt Á được sự "hậu thuẫn" bởi nhóm quan chức cao nhất tại Bộ Y tế và Bộ KH-CN, đó là 2 cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh. Trong bản kết luận điều tra, ngoài chỉ rõ sai phạm của 2 cá nhân này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an còn kiến nghị một vấn đề mấu chốt, đó là Bộ Y tế và Bộ KH-CN cần nâng cao năng lực kiểm soát quyền lực người đứng đầu.

CÔNG TÁC GIÁM SÁT CHƯA HIỆU QUẢ

Thời gian qua, hàng loạt vụ án tiêu cực, tham nhũng đã bị phanh phui, những cán bộ sai phạm đều bị xử lý nghiêm khắc. Thế nhưng, vì sao vụ Việt Á vẫn xảy ra?

Ông Phạm Trọng Đạt, nguyên Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), cho rằng đang có vấn đề trong công tác kiểm soát quyền lực của cán bộ có chức vụ, quyền hạn. "Tham lam, suy thoái đạo đức… thì đương nhiên là đúng và đã nói nhiều rồi. Nhưng một nguyên nhân mấu chốt cần phải thẳng thắn nhìn nhận, đó là công tác phòng ngừa tham nhũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn", ông Đạt nói.

Kiểm soát quyền lực nhìn từ vụ Việt Á - Ảnh 1.

2 cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long (phải) và Chu Ngọc Anh

Ngọc Thắng

Theo lý giải của ông Đạt, việc xử lý các vụ việc sai phạm vừa qua cho thấy công tác chống tham nhũng đã được thực hiện rất quyết liệt, đạt một số kết quả quan trọng; nhưng điều cốt tử không kém là phải tập trung phòng ngừa, để tham nhũng không thể xảy ra. Thực tế cho thấy Đảng, Nhà nước đã có rất nhiều văn bản, quy định về trách nhiệm của người đứng đầu; đã xây dựng cơ chế, phương thức để giám sát trách nhiệm ấy; nhưng rồi tiêu cực vẫn xảy ra. Điều này phản ánh rằng việc giám sát, kiểm soát là chưa hiệu quả.

Ông Đạt lấy ví dụ trường hợp cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh. Với một cán bộ cấp cao như vậy, rất nhiều cơ quan giám sát dõi theo; rồi khi chuyển công tác, phải qua rất nhiều quy trình, được đánh giá đủ điều kiện thì mới bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch UBND TP.Hà Nội. Thời điểm ấy, sai phạm của bị can Chu Ngọc Anh trong vụ kit test Việt Á đã xảy ra, nhưng không bị phát hiện. Ông Đạt nêu vấn đề, đồng thời nhấn mạnh sự quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát.

"PHẢI NHỐT QUYỀN LỰC TRONG LỒNG CƠ CHẾ"

Nguyên Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng dẫn lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh "phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế", phải xây dựng được một bộ khung chắc chắn mà ở đó cán bộ không dám, không cần, không muốn và không phải tham nhũng. Để làm được điều ấy, ông Đạt nhận định cần có sự kiểm soát quyền lực một cách thực chất.

Dẫn lại vụ án Việt Á, khi những người có chức vụ cao nhất có động cơ vụ lợi, tiêu cực sẽ rất khó bị ngăn chặn. Giải pháp tốt nhất là sự giám sát, thông qua các tổ chức, cơ quan đã được phân công. "Những bộ phận, cá nhân được giao nhiệm vụ giám sát phải thực sự có năng lực, trình độ để kịp thời phát hiện sai phạm; đặc biệt muốn chống tham nhũng thì đầu tiên phải chống ngay trong cơ quan chống tham nhũng. Có trong sạch thì mới chống được tiêu cực", ông Đạt lưu ý.

Một trong những biện pháp cụ thể được gợi ý, đó là kê khai, xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, nhất là cán bộ có chức vụ, quyền hạn. Hiện, Thanh tra Chính phủ đang xây dựng đề án cơ sở dữ liệu kiểm soát tài sản, thu nhập; đây là công cụ rất hữu hiệu để kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ.

Thông qua kê khai, xác minh, cơ quan chức năng có thể kịp thời phát hiện các tài sản hoặc giao dịch tài sản bất minh, từ đó ngăn ngừa nguy cơ xảy ra tham nhũng. "Với chức vụ ấy, lương tương ứng bao nhiêu đã có trong quy định, nhưng nhiều người hết nhà cao cửa rộng rồi ô tô này ô tô khác, vậy tiền ở đâu ra, phải được làm rõ", ông Đạt nói.

Nguyên Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng còn đề xuất thêm, trong giai đoạn "đặc biệt" như hiện nay, để công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và kiểm soát quyền lực nói riêng đạt hiệu quả cao, để cán bộ thực sự "biết sợ" khi những sai phạm của người khác lần lượt bị phanh phui, thì cần có biện pháp, phương thức "đặc biệt" tương ứng. Ví dụ áp dụng việc xác minh đối với tất cả cán bộ thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập; thay vì bốc thăm ngẫu nhiên cho đủ phần trăm như quy định đang có hiệu lực. 

Xem nhanh 20h: Những túi quà bạc tỉ trong vụ Việt Á

"Cảm ơn bằng cả gia tài nhiều người mơ ước"

Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, bị can Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á đã chi tới hơn 80 tỉ đồng để "cảm ơn" các quan chức. Nhóm nhận tiền, một số bị đề nghị truy tố tội nhận hối lộ, điển hình như bị can Nguyễn Thanh Long (nhận hơn 51 tỉ đồng), nhưng một số lại thoát tội này, điển hình như bị can Chu Ngọc Anh (nhận gần 4,6 tỉ đồng).

Giải thích về việc cũng nhận tiền từ Công ty Việt Á nhưng bị can Chu Ngọc Anh và một số người khác không bị truy cứu tội nhận hối lộ, Cơ quan CSĐT cho biết các bị can này không có sự thỏa thuận, bàn bạc, thống nhất hoặc gây khó dễ để buộc doanh nghiệp phải chi tiền. Việc nhận tiền chỉ là quà "cảm ơn", sai phạm dừng ở mức "vì vụ lợi". Ngược lại, nhóm bị truy cứu tội nhận hối lộ có các dấu hiệu vừa liệt kê, như bị can Nguyễn Thanh Long còn chủ động yêu cầu doanh nghiệp đưa tiền cho mình.

Hành vi nhận tiền có phạm tội nhận hối lộ hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm trách nhiệm chứng minh tội phạm từ phía cơ quan điều tra. Dẫu vậy, khi những người có chức vụ, quyền hạn dễ dàng cầm món quà trị giá cả vài tỉ đồng từ doanh nghiệp, dù họ thanh minh vì động cơ gì đi nữa vẫn cho thấy sự bất hợp lý.

Như nhận định của đại diện Viện kiểm sát và hội đồng xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu" trước đây, rằng các cán bộ đang làm chức trách, nhiệm vụ mà mình được giao, phải làm; không thể có chuyện cảm ơn với số tiền bằng cả gia tài nhiều người mơ ước, vượt xa mức thu nhập bình quân của một công chức…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.