Kiếm sống 'vô hình': 'Ngưỡng sinh tồn' chạm đáy

23/04/2022 08:20 GMT+7

'Tôi hà tiện lắm, đi chợ chỉ mua những món ăn rẻ, ăn được lâu ngày. Ví dụ, mua cá 20.000 đồng/kg tôi sẽ không mua, 15.000 đồng/kg thì được; trái dưa hấu hay khóm cũng vậy, chênh nhau 5.000 đồng là tôi khựng lại ngay', bà Xuân nói.

TP.HCM là thị trường lao động lớn nhất cả nước. Nơi siêu đô thị này có một bộ phận không nhỏ lao động phổ thông từ các tỉnh, thành khác đến mưu sinh. Mong muốn lớn nhất của họ là tiền lương đủ trang trải cuộc sống, dù chỉ ở mức tối thiểu.

Chị Nguyễn Thị Tuyền (36 tuổi, công nhân may ở Q.8, TP.HCM) kể về một ngày làm việc: “Sáng tôi chiên cơm cũ của hôm trước ăn rồi đi làm. Buổi trưa công ty lo ăn uống. Nếu tăng ca cũng sẽ được suất cơm chiều. Khuya đi làm về, nếu còn đói quá, tôi sẽ nấu mì tôm ăn cho qua bữa”.

Khu trọ mà chị Tuyền ở có hơn 120 phòng, nằm cách bến phà Phú Định (kênh Đôi, Q.8) chưa đầy một cây số, với không gian sinh hoạt hệt như ở miền Tây Nam bộ. Bên dòng kênh, các công ty chuyên may mặc, nhựa, xây dựng... trú đóng sầm uất. Buổi chiều muộn cuối tuần, trẻ nhỏ nô đùa giữa khoảng sân còn đang xây dở, từ căn phòng nào vang vẳng những câu nhạc bolero; còn người lớn được bữa thảnh thơi, í ới nhau bàn chuyện xăng tăng giá, ra chợ phải kén cá chọn canh… Rồi có người lại thắc thỏm: “Kiểu này chắc phải về quê sống...”.

Lương chưa bao giờ đủ sống !

Chị Nguyễn Thị Tuyền đang phải tự lực gồng gánh nuôi hai đứa con. Chồng chị Tuyền trước cùng sống ở đây, nhưng hai năm qua, công việc thợ hồ của anh bữa đực bữa cái nên anh về quê buôn bán nhỏ và coi sóc nhà cửa.

Cô Trần Hồng Xuân (phải) chọn làm việc ca đêm mới đủ trang trải chi phí gia đình

Từ tỉnh An Giang lên TP.HCM mưu sinh lúc mới 23 tuổi, nay đã bẵng 13 năm tuổi trẻ của chị trôi qua trong nhà máy. Mức lương cơ bản chị nhận lãnh mỗi tháng dao động quanh 6 triệu đồng, tùy số lượng nguồn hàng.

Sau khi trừ ra các khoản chi tiêu cứng mỗi tháng, gồm 2 triệu đồng tiền phòng trọ, 3 triệu đồng cho tiền gửi nhà trẻ và tã sữa cho đứa con trai nhỏ, chị buồn bã: “Thế là coi như dứt hẳn lương, mấy khoản đó như hụi chết vậy đó”.

Đứa con gái lớn của chị Tuyền năm nay 14 tuổi, bỏ học sớm rồi kiếm việc lặt vặt làm để đỡ gánh nặng chi tiêu của cả nhà. Mặc dù vậy, các khoản thu vẫn không đủ sống, có tháng, ba mẹ con bị âm tiền. Thế nên, điều mong mỏi duy nhất của chị chính là được tăng ca.

“Nếu không tăng ca, tôi phải nợ một trong hai thứ: tiền trọ hoặc tiền sữa cho con. Khi túng thiếu quá, tôi điện thoại chồng xin thêm 1 - 2 triệu đồng”, chị Tuyền nói.

Không dám nhìn các mặt hàng đang “làm mưa làm bão” về giá cả ngoài chợ, chị Tuyền khiêm tốn kể về một ngày làm việc: “Sáng tôi chiên cơm cũ của hôm trước ăn rồi đi làm. Buổi trưa công ty lo ăn uống. Nếu tăng ca cũng sẽ được suất cơm chiều. Khuya đi làm về, nếu còn đói quá tôi sẽ nấu mì tôm ăn cho qua bữa”.

13 năm “cày cuốc” ở thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước, nhất là sau mấy tháng ròng nằm dài, thất thu trong phòng trọ hồi giãn cách năm ngoái, không ít lần chị Tuyền muốn hồi hương: “Nhưng tôi lần lữa, cứ nghĩ cảnh về quê không có việc làm, không có tiền mua sữa cho con là tôi lại chùn chân”.

“Chênh nhau 5.000 đồng là tôi khựng lại ngay”

Cách dãy trọ của chị Tuyền vài căn, bà Trần Hồng Xuân (57 tuổi, quê Cà Mau) cũng đang tính toán phải dè sẻn chi tiêu trong tuần tới. Trong căn phòng ít đồ gia dụng, khuất ánh nắng, bà Xuân kể rất rành mạch chuyện đã bắt chuyến xe nào, hành trang có những gì hay việc bà lội bộ ròng rã mấy cây số dọc theo các cột điện dán những tờ rơi tìm việc ra sao... vào cái thời điểm bà lên thành phố.

“Tôi ly thân chồng, mấy đứa con đầu của tôi đã có gia đình riêng, trôi dạt tứ xứ. Nhưng còn đứa con gái út của tôi tâm lý không ổn định, không nghề ngỗng nên tôi phải nuôi nó, đi đâu cũng dắt nó theo. Đi cũng là vì dưới quê khổ quá”, bà Xuân bùi ngùi.

Nhiều công nhân vẫn đang nợ mấy tháng tiền trọ tại khu trọ Q.8, TP.HCM

Thu Ngân

Hoàn cảnh gia đình cộng với tuổi đã cao buộc bà Xuân bám víu lấy công ty, nếu nghỉ việc, bà thật sự không biết phải làm gì. Bà Xuân chọn kíp làm đêm từ 19 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau vì lý do duy nhất: lương cao hơn ban ngày 400.000 đồng/tháng.

“Ca làm ban ngày rẻ, làm ca đêm tháng 5 triệu đồng, thấy chênh lệch với ca ngày có 400.000 đồng thôi, chứ chừng đó với tôi mua được nhiều thứ lắm”, bà Xuân nói, xòe bàn tay chai sần, liệt kê tiếp: “Mỗi tháng trả 1,7 triệu đồng tiền trọ. Về khoản ăn uống, không tốn tiền mua gạo do đồ của nhà hảo tâm năm ngoái cho vẫn còn, miễn sao hai mẹ con ăn uống gói ghém trong khoảng 2 - 3 triệu đồng. Tôi hà tiện lắm, đi chợ chỉ mua lựa những món ăn rẻ, ăn được lâu ngày. Ví dụ, mua cá 20.000 đồng/kg tôi sẽ không mua, 15.000 đồng/kg thì được; trái dưa hấu hay khóm (thơm) cũng vậy, chênh nhau 5.000 đồng là tôi khựng lại ngay”.

Người phụ nữ quê miệt Cà Mau nói chẳng nghĩ gì tới tiết kiệm tiền ốm đau, bệnh tật: “Bệnh thì ra tiệm thuốc mua. Quan trọng là qua cái ăn mỗi ngày đã”.

“Nếu tôi có tiền dành dụm...”

Còn gia đình chị Hồ Thị Lê (39 tuổi, cũng ngụ tại khu trọ) đã nợ 3 tháng tiền phòng. Hai vợ chồng chị làm công nhân ở một công ty nhựa gần chỗ thuê, quần quật cỡ chục năm qua chỉ vừa đủ nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn.

“Nhà tôi chỉ có mỗi chiếc xe máy là giá trị, mua để đưa đón tụi nhỏ đi học và chở nhau đi khám bệnh mỗi lúc ốm đau”, chị Lê nói.

Ba đứa con đầu của chị Lê nghỉ ngang, theo học lớp phổ cập tình thương vào buổi tối ở gần nhà. Đứa con trai lớn của chị, chưa được 18 tuổi, mới đây cũng xin vào làm công ty nhựa chị đang làm. Nhưng từ lúc dịch Covid-19 bùng phát tới nay, công ty sa sút nguồn hàng, mỗi tuần, cả nhà chị Lê ai cũng chỉ làm chừng 3 - 4 ngày, nên lương của 3 người cộng lại chỉ được hơn 10 triệu đồng/tháng.

“Khoản đó phải chi cho 6 người, thành thử không dư ra được đồng nào. Mấy tháng ròng năm ngoái, không có làm gì. Tuy nay cả gia đình đã làm lại nhưng cầm chừng, chờ đợi thông báo làm toàn thời gian trong tuần. Chứ không, thiệt là bây giờ cứ nhìn giá xăng, giá mắm muối, giá sữa... là tôi thấy nản”, chị Lê chia sẻ.

Thu nhập bấp bênh, chị Lê buộc phải gói ghém chi tiêu của gia đình trong khoảng 100.000 đồng/ngày. Khi xách giỏ ra chợ, nữ công nhân này tần ngần trước mọi thứ.

Khi lựa đồ ăn về, chị Lê sẽ chế biến món mặn hơn thường lệ để ăn được nhiều cơm hơn và để được lâu hơn. Ngay cả thùng gạo mà nhà hảo tâm cho năm ngoái đến nay có mọt nhưng chị cứ tiếc hùi hụi, không dám bỏ, khi rảnh là đem ra phơi, lựa.

“Lỡ hôm nào phải dành chi tiêu cho việc khác thì nhà sẽ ăn mắm, hoặc nấu một nồi mì rồi cùng ăn. Nói chung là có gì ăn nấy, ăn cho qua cơn đói”, chị Lê kể và nói thêm: “Chị không than nghèo kể khổ đâu. Lâu nay đã vậy, đành chịu vậy thôi”.

Hỏi chị, nếu đời sống ở đây khó khăn quá, chị có tìm việc nào khác không, thì chị bảo: “Tôi làm ở đây lâu, đã thân thuộc hết. Chưa kể, giờ muốn nghỉ việc phải đợi hơn một tháng mới được duyệt đơn. Rồi nếu tìm việc mới thì phải đi làm qua tháng mới có lương. Lúc đó, lấy đâu tiền ra mà sống”.

Trong bước tính toán tương lai, chị Lê đôi lần lần lữa chuyện có nên về quê hay đi biệt. Chị muốn về quê để nhẹ đầu, khỏi phải mở mắt ra là nghĩ về những khoản chi tiêu. Chị ao ước: “Nếu may mắn, tôi có tiền dành dụm, con cái muốn về thì chúng tôi sẽ về, xây nhà, mua đất làm nương rẫy, nuôi thêm gà, heo. Mà bao năm qua, giờ chưa dư đồng nào”.

Không chỉ một mình chị Lê nợ tiền phòng trọ. Chị Hồng Minh, quản lý khu trọ này, bày ra cho chúng tôi một quyển sổ học trò, trên khắp các trang giấy viết chi chít đủ loại con số: số phòng, số tháng, số tiền đã thu, số tiền nợ... Chị lưu ý số nợ tiền trọ không được cải thiện, có người đã nợ mấy tháng ròng.

Chị Minh trăn trở: “Công nhân đã đến, gắn bó với mình. Dịch tới, rồi giá cả, lương bổng... làm đời sống họ vốn khó khăn, lủi thủi, nay còn vất vả hơn. Nên chẳng lẽ vì họ nợ tiền trọ chưa trả được mà mình đuổi người ta đi?”.

(còn tiếp)

Theo khảo sát của Viện Công nhân và công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) năm 2021, có 21% người lao động phải ăn nhiều mì tôm hơn, 48% người phải giảm lượng thịt hằng ngày, 22% lao động phải chuyển từ mua sắm mỗi ngày sang dùng thực phẩm do người thân cung cấp, 15% trường hợp lựa chọn việc ăn gộp bữa, giảm bữa.

Ngoài ra, 60% người lao động phải tiết kiệm các khoản chi, 11,3% phải vay mượn tiền của người thân, vay lãi suất cao, tín dụng đen hoặc bán sổ bảo hiểm xã hội...

Kiếm sống 'vô hình'

Nước nổi, thuyền nổi

'Tôi mạnh mẽ'

Vòng xoáy mưu sinh



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.