Hai năm về trước, Quyết tình cờ thấy được những clip trên mạng xã hội về lũa thủy sinh hay các dòng bonsai, tranh làm từ nguyên liệu này. Thế là, Quyết bắt tay vào làm những sản phẩm tương tự.
"Thời gian đầu mình đi tìm lũa thủy sinh về và tự mày mò làm, thỏa sức sáng tạo. May mắn, những sản phẩm này được mọi người hỏi mua", Quyết kể.
Quyết thông tin lũa là phần lõi ở gốc của các cây cổ thụ khô sau khi bị chết và trải qua quá trình bào mòn qua năm tháng bởi thời tiết. "Đặc điểm chung của loại gỗ lũa thủy sinh là rất cứng và không bị ảnh hưởng bởi mối, mọt. Ngoài những dòng lũa được làm từ gỗ thịt và được thiên nhiên "xử lý" thì còn có dòng lũa do con người tạo ra bằng cách ngâm, dùng dung dịch hóa học, luộc…", Quyết nói thêm.
Đến thời điểm hiện tại, Quyết đã làm những sản phẩm từ gỗ lũa thủy sinh như: bonsai, tạo hình một số con vật hươu, tôm, khủng long, ngựa, rồng phương tây, tranh rêu kết hợp với gỗ lũa…
"Trung bình mình mất vài giờ hoặc hơn 1 ngày để hoàn thành một sản phẩm. Mình tâm đắc nhất là mô hình lũa tượng hình vì đòi hỏi nhiều thời gian và sự tỉ mỉ, cân đối mọi thứ về kích thước cũng như tỷ lệ sao cho hợp lý", Quyết cho biết.
Cũng theo Quyết thời gian đầu mình gặp khá nhiều khó khăn vì chưa tìm được lũa đẹp, chất lượng. Ngoài ra, Quyết còn phải lên mạng xã hội học cách kinh doanh, đóng gói đồ mỗi khi mình có khách "chốt đơn".
Quyết cho biết để làm ra một sản phẩm từ lũa thủy sinh đẹp, bước đầu tiên phải lên ý tưởng bố cục, sau đó chọn lũa rồi mới bắt tay vào làm, tạo hình.
"Đối với những sản phẩm cỡ lớn, mình dùng máy để cắt lũa, kết dính bằng keo với bột cưa. Khoan lỗ để xỏ thanh tre sao cho mối nối duy trì được sự bền vững cũng như chắc chắn, rồi mới mài giũa. Để sản phẩm đẹp, người làm cần sự kiên trì và tỉ mỉ, biết cân chỉnh, có tính thẩm mỹ cao cũng như lột tả được sự chân thật của một hình tượng, con vật mà mình muốn hướng đến", Quyết cho hay.
Bên cạnh đó, để nâng cao tay nghề, Quyết tích cực học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ những người đi trước cũng như thường xuyên tương tác trên các nhóm, hội về lũa, thủy sinh trên mạng xã hội. Đồng thời tăng cường giao lưu, mở rộng mối quan hệ để liên kết tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Tùy loại gỗ, kích thước và nhu cầu của khách hàng, giá thành sản phẩm dao động từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng. "Hiện tại, mình phải đi tìm và mua lại gỗ lũa thủy sinh vì mình sống ở đồng bằng nên rất ít nguyên liệu này. Ngoài công việc làm thuê, thì sản phẩm từ gỗ lũa thủy sinh giúp mình có thêm thu nhập, kiếm hơn 10 triệu đồng mỗi tháng", Quyết nói.
Bình luận (0)