Xuất ngoại học nuôi ếch
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến thăm trang trại nuôi ếch của anh Kết là khuôn viên gọn gàng quy củ và không có mùi hôi. Bên dưới các khu nhà kính là hàng chục bể nước, mỗi bể có hàng trăm con ếch.
Anh Kết học nghề nuôi ếch từ năm 2006 khi xem ti vi giới thiệu con vật này không tốn công chăm sóc, có thể nuôi tranh thủ lúc nhàn rỗi. Ở thời điểm ấy, anh đang là chủ một cửa hàng thiết kế thi công biển quảng cáo. Vừa làm nghề chính anh vừa đầu tư vốn nuôi ếch nhưng liên tục thất bại vì ếch bị bệnh, dịch lăn ra chết.
Giữ nghề làm biển quảng cáo kiếm tiền mưu sinh nhưng anh Kết vẫn dành thời gian nghiên cứu học kỹ thuật nuôi ếch vì nhận thấy còn nhiều tiềm năng phát triển. Nhờ người quen chỉ dẫn, năm 2013, anh quyết định sang Thái Lan học nghề và tìm cách nhập giống ếch ngoại về nuôi.
Tuy nhiên, khí hậu miền Bắc VN rất khác với Thái Lan khi mùa đông khắc nghiệt, rét buốt. Con ếch theo đặc tính sinh học có 3 tháng ngủ đông, ếch bỏ ăn chui vào hang tránh rét khiến các trang trại nuôi theo cách truyền thống phải ngừng hoạt động.
Giải pháp nhà kính
“Ý tưởng cho giải pháp kỹ thuật nhà kính này đến với tôi rất tình cờ, khi nhìn những người nông dân làm mái vòm ni lông ủ mạ tránh rét. Bên trong lớp ni lông ấy, cây mạ vẫn phát triển bình thường nên tôi bắt tay thử nghiệm làm nhà kính đầu tiên để thử nghiệm nuôi ếch”, anh Kết nói.
Cũng theo anh Kết, theo dõi qua nhiều mùa đông khác nhau, dù thời điểm trời rét nhất ngoài trời là 8 - 10 độ C nhưng bên trong nhà kính nhiệt độ luôn cao hơn 7 - 8 độ C. Cộng thêm sử dụng máy bơm nước điều chỉnh nhiệt độ giữ ấm nước kết hợp với nhà kính, môi trường luôn ấm áp gần với thời tiết mùa hè nên ếch dần mất hẳn đặc tính sinh học ngủ đông như ngoài tự nhiên. Ếch ăn lượng thức ăn ít hơn so với mùa hè mà vẫn sinh trưởng bình thường giúp trang trại duy trì hoạt động quanh năm.
Cho ếch ăn tỏi để phòng, kháng bệnh
Đầu tư trên 300 triệu đồng xây nhà kính và nhập giống ếch Thái Lan về nuôi nhưng ngay trong vụ đầu tiên anh Kết đối diện nguy cơ thua lỗ. Giống ếch Thái Lan trưởng thành trọng lượng mỗi con lên tới 0,4 - 0,5 kg khi đi chào bán bị các nhà hàng chê là “ếch ma”. Trong khi người tiêu dùng VN quen ăn loại ếch đồng nhỏ con, da đen. “Ếch đến ngày bán mà không có người mua, tiền vốn cạn sạch, tôi phải bán một bao thóc và chiếc máy bơm nước mua thức ăn cho ếch trong thời gian cầm cự tìm chỗ bán hàng”, anh Kết kể lại.
Đến khi chỉ còn bao cám cuối cùng, vận may đã đến với anh Kết khi gặp được chủ nhà hàng ở Hà Nội tìm đến trang trại tìm hiểu cách nuôi và sau đó thu mua toàn bộ số ếch. Anh Kết có vốn quay vòng tiếp tục theo đuổi nghề.
Ngoài giải pháp nhà kính, nuôi ếch bằng tỏi cũng là sáng tạo độc đáo của anh Kết khi quyết tâm theo đuổi mô hình nuôi ếch sạch, an toàn sinh học. Công nhân trong trang trại đều giã nhuyễn tỏi trộn với cám cho ếch ăn đều đặn mỗi tuần 2 lần. Con ếch ăn tỏi giúp nó tiêu hóa tốt, tỏi cũng là loại kháng sinh tự nhiên nên ếch có sức đề kháng tốt, gần như không mắc dịch bệnh giúp trang trại tiết kiệm được nhiều chi phí chăn nuôi. Mỗi lứa ếch thịt bình thường nuôi trong 70 ngày nhưng ở trang trại này, thời gian nuôi kéo dài đến 90 ngày đảm bảo ếch có thịt dai, thơm ngon và đạt hàm lượng protein ở mức cao nhất.
Trong năm 2017, trang trại ếch của anh Kết cung cấp ra thị trường 17 tấn ếch thịt, giá thấp nhất cũng từ 65.000 đồng/kg và đều có nhà hàng ký hợp đồng thu mua.
Thống kê năm 2017, trang trại đạt doanh thu 1,1 tỉ đồng. Nếu trừ hết chi phí, anh Kết có lãi không dưới 500 triệu đồng từ trang trại nuôi ếch.
Bình luận (0)