Đá bóng thuê
Đá bóng thuê hay còn gọi là đá chầu hay đá phủi. Các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên (SV), các trường ĐH, CĐ tại TP.HCM có năng khiếu bóng đá sẽ được các công ty, xí nghiệp hoặc chính chủ sân bóng thuê về để đá giải hoặc đá độ với các đội khác. Sau mỗi trận đấu, các cầu thủ này được trả một khoản tiền nhất định tùy theo kết quả cũng như số tiền cá cược trong trận đấu đó.
Lượng sân bóng đá cỏ nhân tạo tăng lên chóng mặt là điều kiện thuận lợi để đá bóng thuê phát triển. Chỉ tính riêng tại làng đại học (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức) đã có hơn 10 sân cỏ nhân tạo, hoạt động thâu đêm suốt sáng. Ở các sân dạng này, có rất nhiều “ông bầu” đại diện một số công ty, xí nghiệp hoặc cá nhân yêu thích bóng đá theo dõi, liên hệ xin số điện thoại các cầu thủ xuất sắc để tham gia đá thuê cho họ.
|
Thành Công, SV Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, cho biết: “Chủ yếu là do quen biết hoặc đá hay thì người ta kêu đi thôi. Mỗi trận đấu thường được trả 300.000 đồng, đá ở tỉnh thì 500.000 đồng. Đối với các giải đấu, càng vào sâu càng được trả cao hơn. Ngoài ra, tùy theo độ chịu chơi của ông bầu mà giá trị thưởng nóng cho mỗi bàn thắng ghi được sẽ khác nhau”.
Với công việc này, các SV không chỉ được thỏa mãn niềm đam mê mà còn kiếm thêm thu nhập trang trải chuyện học hành. Thành Công cho biết thêm: “Chủ yếu phần thắng thông qua những trận đấu giúp mấy ông bầu lấy tiếng tăm, xem ai mạnh hơn chứ họ không cần tiền. Tụi này chỉ cần đá hết mình là được. Thông thường số tiền cược trong mỗi trận đấu nếu thắng sẽ được chia đều cho các cầu thủ. Nếu ai đá giỏi có thể đủ tiền sống nên nhiều người theo lắm”.
Không dễ kiếm tiền
Khi nhu cầu “thành tích” ngày càng tăng cao, nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM sẵn sàng đầu tư số tiền lớn để săn lùng cầu thủ từ các trường ĐH. SV được thuê về tập cùng đội bóng của công ty và được trả lương hẳn hoi. Nó gần giống như việc các cầu thủ lớn chơi ở các giải đấu chuyên nghiệp ký hợp đồng thi đấu với các câu lạc bộ tên tuổi với mức lương hậu hĩnh.
Anh Trọng - một người có thâm niên “đá phủi” ngay khi còn ở giảng đường - cho biết: “Hiện tại mình đi đá cho một công ty và được trả lương hằng tháng, dao động từ 2 đến 6 triệu đồng. Mỗi tuần tập 3 buổi tối từ 8 đến 10 giờ. Đây chỉ là đá phong trào trên sân mini 5 người. Đội mình đang tham gia là một trong những đội mạnh nhất của bóng đá phong trào ở thành phố. Ông bầu bên mình rất chịu chơi, mỗi năm đầu tư khoảng từ 800 - 1 tỉ đồng chi phí. Nhưng chỉ là để mua vui thôi chứ không có lợi nhuận gì hết”.
Tuy nhiên, không nhiều SV may mắn như anh Trọng. Các cầu thủ SV khác, chỉ tham gia ngắn hạn, mang tính thời vụ, có khi chỉ một trận rồi đường ai nấy đi.
Văn Hòa, ngụ tại Q.12 (TP.HCM), đã 3 năm đi “đá phủi” cho biết: “Công việc này không có tương lai đâu, phải cố gắng để được đi đá chuyên nghiệp có hợp đồng dài hạn”.
Tính chất công việc không chỉ bấp bênh mà cũng gặp không ít rủi ro và phải lao động cật lực. Cũng theo Hòa, đi đá bóng bị đốn giò là chuyện bình thường, nhẹ thì bầm tím còn nặng thì gãy chân. Có khi đá thắng xong, lúc về bị người ta chặn đường đuổi chém. Lúc đó, ông bầu cũng hỗ trợ viện phí nhưng người thiệt thòi vẫn là các cầu thủ.
Công Sơn, cựu SV Trường ĐH Sài Gòn, cho hay: “Ông bầu đã thuê mình thì họ sẽ tận dụng triệt để khả năng và vắt kiệt sức mình trong mỗi trận đấu. Nhiều khi đi học nhưng có giải quan trọng, ông bầu ép nghỉ mình cũng phải nghỉ”.
Ngọc Thiện
>> Đá bóng, tụi bay ơi !
>> Voi đá bóng
>> Tèo đi đá bóng
>> Hoa hậu VN mê đá bóng
>> Gà đá bóng
>> Tiểu thần công" đá bóng
Bình luận (0)