Kiểm toán đề nghị tính lại chi phí giải phóng mặt bằng dự án vành đai 3 TP.HCM

Lê Hiệp
Lê Hiệp
27/05/2022 10:06 GMT+7

Kiểm toán Nhà nước đề nghị rà soát lại khái toán chi phí giải phóng mặt bằng dự án vành đai 3 TP.HCM .

Rà soát phương án thiết kế, tiết kiệm 250 tỉ đồng

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo gửi Quốc hội nêu ý kiến về dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM.

Đoàn khảo sát của Ủy ban Kinh tế Quốc hội kiểm tra thực tế tuyến vành đai 3 TP.HCM hôm 19.5

h.mai

Về phương án thiết kế, Kiểm toán Nhà nước cho biết, theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì mặt cắt ngang của các đoạn đi thấp trong giai đoạn phân kỳ đang thiết kế dốc 2 mái mà chưa nghiên cứu, tính toán phương án thiết kế dốc 1 mái (tương tự mái dốc mặt đường của đoạn trên cao) để giảm chi phí bê tông nhựa bù vênh trong giai đoạn hoàn thiện.

Theo Kiểm toán Nhà nước, nếu sử dụng phương án thiết kế dốc 1 mái sẽ tiết kiệm khoảng 250 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc phần tuyến chính cao tốc không có làn dừng xe khẩn cấp sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, dễ bị ùn tắc khi có phương tiện chết máy trên đường.

Từ đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo TP.HCM rà soát lại phương án thiết kế sơ bộ để lựa chọn phương án tối ưu, tiết kiệm chi phí đầu tư, đảm bảo khả năng cân đối nguồn vốn thực hiện dự án.

Tính toán lại chi phí giải phóng mặt bằng

Về tổng mức đầu tư, Kiểm toán Nhà nước cho biết, trong báo cáo của Chính phủ, đơn giá trung bình dự kiến đền bù đất dân cư trên địa bàn TP.HCM trong khái toán cao gấp 1,7 lần đơn giá đất thương mại dự kiến đấu giá.

Cụ thể, TP.HCM sẽ tổ chức bán đấu giá các khu đất dọc theo dự án với giá dự kiến 15 triệu đồng/m2 trong khi giá đền bù đất dân cư trong công tác giải phóng mặt bằng là 26 triệu đồng/m2.

Bên cạnh đó, diện tích đất dân cư tính toán đền bù tại tỉnh Bình Dương cao hơn diện tích trong thuyết minh báo cáo của Chính phủ là 11,2 ha và làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng lên 1.677 - 3.920 tỉ đồng.

Cụ thể, diện tích tính toán đền bù là 30 ha trong khi diện tích trong báo cáo là 18,78 ha, giá đền bù tính toán tại Bình Dương là 15 - 35 triệu đồng/m2.

Ngoài ra, theo Kiểm toán Nhà nước, giá đền bù đất nông nghiệp tại Bình Dương đang được xác định trong báo cáo của Chính phủ cao gấp 6 lần các địa phương lân cận. Kiểm toán Nhà nước dẫn chứng, trung bình giá đền bù đất nông nghiệp tại TP.HCM là 3,3 triệu đồng/m2, Long An là 2,1 triệu đồng/m2; Đồng Nai là 2,9 triệu đồng/m2.

Từ đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND TP.HCM, UBND tỉnh Bình Dương rà soát lại khái toán chi phí giải phóng mặt bằng để đảm bảo chính xác và phù hợp với thực tế.

Phương án huy động vốn từ bán đất khó khả thi

Về phương án huy động vốn, Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, mặc dù HĐND các địa phương đã có nghị quyết cam kết bố trí vốn cho dự án, tuy nhiên nguồn vốn địa phương lại chủ yếu được đến từ việc khai thác quỹ đất dọc hai bên tuyến đường của dự án.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, theo tiến độ bố trí vốn thì nguồn vốn địa phương tập trung nhiều trong năm 2023 - 2024 trong khi thời điểm này khó có thể tổ chức đấu giá đất thành công hoặc đấu giá thành công với mức giá thấp do dự án đang trong giai đoạn thi công.

Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Chính phủ tính toán lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp thay vì phương án đầu tư công với lý do dự án vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội có suất đầu tư cao hơn 1,2 lần và lưu lượng phương tiện dự kiến chỉ bằng 0,8 lưu lượng vành đai 3 nhưng phương án tài chính tính toán khả thi với thời gian thu phí 21 năm.

Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, dự án đề xuất cơ chế đặc thù là sau khi dự án đưa vào khai thác sử dụng sẽ tổ chức thu phí để thu hồi vốn. Tuy nhiên, theo nội dung báo cáo của Chính phủ khi huy động vốn BOT với giá trị 13.806 tỉ đồng thì dự án cần tới 28 năm để thu hồi vốn.

Như vậy, khi nhà nước đầu tư 100% với tổng số vốn là 75.378 tỉ đồng (gấp hơn 5 lần) thì việc thu phí để hoàn vốn là khó khả thi.

Mặt khác, đến nay cũng chưa có quy định cụ thể về thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư để làm cơ sở triển khai thực hiện, chưa kể phương án thu phí cần có cơ chế phân chia phù hợp T.Ư và địa phương vì vốn đầu tư bao gồm nguồn vốn ngân sách T.Ư và địa phương.

Đối với cơ chế đặc thù cho phép các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho dự án được nâng công suất lên 50% mà không cần phải lập dự án đầu tư điều chỉnh và đánh giá tác động môi trường, Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Chính phủ xem xét cân nhắc, bởi việc khai thác khoáng sản vượt sản lượng ghi trong giấy phép nhất thiết phải đánh giá tác động môi trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.