Kiểm tra kiến thức lịch sử theo kiểu mới

Bích Thanh
Bích Thanh
17/10/2018 16:43 GMT+7

Học sinh Trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè, TP.HCM) hào hứng với việc làm bài kiểm tra môn lịch sử theo kiểu mới: vẽ sơ đồ tư duy kiến thức, thiết kế brochue, poster...

Thoát khỏi mô tuýp kiểm tra theo kiểu truyền thống, là những bài trả lời câu hỏi ngồn ngộn chữ viết, giáo viên môn lịch sử, thầy Thiều Quang Thịnh, Trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè, TP.HCM) đã yêu cầu học trò thể hiện kiến thức theo cách riêng của mình.

Với mục tiêu kiểm tra kiến thức lịch sử lớp 10, thầy Quang Thịnh cho học sinh làm bải kiểm tra theo nhóm với nội dung: “Hãy thiết kế 2 sản phẩm brochue, giới thiệu những thành tựu văn hóa của các quốc gia cổ đại phương Đông và phương Tây”. Để thực hiện bài kiểm tra này, học sinh có thể sử dụng công nghệ thông tin hoặc thủ công với bố cục, màu sắc thể hiện tính sáng tạo.

Không chỉ thể hiện kiến thức mà học sinh còn thể hiện năng khiếu, thẩm mỹ cá nhân qua sản phẩm của mình Ảnh: Quang Thiệu

Hay đối với học sinh lớp 12, nhằm giúp học sinh ôn tập, khái quát những sự kiện, khái niệm và những vấn đề lịch sử thế giới hiện đại sau chiến tranh thế giới thứ hai (1945 - 2000), thầy Thiều Quang Thịnh cho đề bài: “Hãy vẽ sơ đồ tư duy tổng kết lịch sử thế giới hiện đại từ năm 1945 đến năm 2000”.  

Thầy Quang Thịnh nói về mục đích tổ chức các bài kiểm tra theo hướng mới lạ rằng: “Tôi muốn tạo hứng thú và cảm giác nhẹ nhàng cho giờ kiểm tra khi chính các em chủ động tìm hiểu các vấn đề lịch sử. Bên cạnh đó, những sản phẩm các em làm ra như thuyết trình, tranh luận, vẽ sơ đồ tư duy, tập làm báo giấy, thiết kế brochue, poster giúp các em rèn luyện năng lực giao tiếp, đứng trước đám đông, làm việc nhóm và tư duy phản biện trong giải quyết các vấn đề trong học tập, cuộc sống. Các em tự đánh giá được khả năng của chính mình, định hướng được năng lực nghề nghiệp cho bản thân sau này”.

Thầy Thiều Quang Thịnh (phải) dẫn học sinh đi tham quan trong ngày Di sản châu Âu Ảnh Quang Thiệu

Đồng thời, thầy Quang Thịnh cho hay việc đa dạng hóa hình thức các bài kiểm tra cũng là định hướng chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP.HCM về đổi mới trong dạy học bộ môn theo hướng phát huy năng lực, khả năng sáng tạo, ứng dụng.

Sau bài kiểm tra nói trên, em Đặng Đình Bích Ngân, học sinh lớp 12A2 Trường THPT Long Thới, cho biết việc học của em trở nên nhẹ nhàng, trước mỗi bài kiểm tra chúng em không phải học một cách máy móc từng câu từng chữ. Chúng em muốn được làm nhiều những bài tập như thế để có thể thể hiện năng lực như vẽ đẹp, tự tin trình bày các vấn đề và thuyết phục… Đặc biệt, em Nguyễn Võ Nhật Khôi, học lớp 12A2, nói: “Qua những bài tập nhóm, tình bạn của chúng em gắn bó thêm, hiểu về bạn mình hơn, tôn trọng quan điểm của bạn. Thêm vào đó, không khí tiết học cũng vui hơn, hiểu bài học ngay trên lớp và phần nào yêu thích các tiết học lịch sử”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.