Kiểm tra nồng độ cồn bắt buộc đối với người bị tai nạn giao thông

21/07/2016 15:45 GMT+7

Đây là đề xuất của Ủy ban ATGT quốc gia nằm trong kế hoạch tuyên truyền, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.

Theo Ủy ban ATGT quốc gia, vi phạm nồng độ cồn là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông tại Việt Nam hiện nay. Theo khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đối với 18.000 nạn nhân tai nạn giao thông trong bệnh viện các tỉnh phía Bắc, có 36,9% nạn nhân liên quan đến việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông (nam giới chiếm 36,2% và nữ giới là 0,7%).
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, theo báo cáo của Sở Y tế Bến Tre, trong 6 tháng đầu năm 2016 có 326 trường hợp nhập viện do tai nạn giao thông. Qua kiểm tra với 195 trường hợp thì cả 195 người này đều vượt quá quy định về nồng độ cồn trong máu.
Do đó, ông Hùng đề nghị Bộ Y tế có quy định để kiểm tra bắt buộc nồng độ cồn trong máu đối với các nạn nhân tai nạn giao thông khi được đưa vào bệnh viện, không cần đợi chỉ định của lực lượng CSGT.
Theo ông Hùng, việc kiểm tra nhằm nắm được con số người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông để phân tích, tìm giải pháp khắc phục tai nạn giao thông. Ngoài ra sẽ chuyển một số trường hợp cần thiết cho CSGT để xử lý theo quy định.
Hiện việc kiểm tra nồng độ cồn với người bị tai nạn giao thông đang được thực hiện theo Thông tư liên tịch 26 giữa Bộ Y tế và Bộ Công an. Trong đó đã quy định “Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bị tai nạn giao thông được đưa đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được bác sĩ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu”. Với nạn nhân tai nạn giao thông phải được “sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân đang làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu”
Đại diện Bộ Y tế cho biết, hiện đang có những vướng mắc do các cơ sở y tế còn lúng túng đợi chỉ định, yêu cầu của lực lượng công an. Bộ Y tế sẽ có những hướng dẫn cụ thể để thực hiện kiểm tra nồng độ cồn trong máu đối với 100% nạn nhân bị tai nạn giao thông. Hiện các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên đều đủ trang thiết bị kỹ thuật, y bác sĩ để thực hiện điều này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.