Ngày 12.5, TAND TP.HCM mở phiên xét xử phúc thẩm về việc “đòi lại tài sản và yêu cầu xin lỗi công khai” giữa nguyên đơn là ông L.V.T (75 tuổi, ngụ Q.9) và bị đơn là bà L.T.N.A (49 tuổi, ngụ Q.2).
Không giống những vụ tranh chấp tài sản vật chất thông thường, trong vụ kiện này “tài sản” khiến ông T. đi kiện là hai bài vị thờ cha, mẹ và bảng tên trên hũ cốt của cha ông. Đối với ông, đây là những vật vô giá, không thể đánh mất được.
Mâu thuẫn từ việc bán nhà
Mặc chiếc áo sờn màu, gương mặt lộ nét mệt mỏi, ông T. đi từng bước nặng nề vào phòng xét xử. Trao đổi với tôi trước khi phiên tòa bắt đầu, ông T. cho biết có 3 người vợ và 6 người con, bị đơn là con của người vợ thứ nhất. Khi ông lấy người vợ thứ ba, các con ông không đồng ý vì nghĩ ông bị lợi dụng. Tuy nhiên, đến nay ông và người vợ thứ ba đã hơn 10 năm chung sống và bà luôn chăm sóc chu đáo cho ông những lúc đau ốm.
Vật đặc định không thể thay thếTheo TAND Q.2, điều 105 bộ luật Dân sự 2015 quy định “tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Tranh chấp giữa ông T. và bà A. được xác định là “tranh chấp khác về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản” theo khoản 2 điều 26 bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thuộc thẩm quyền của tòa án giải quyết.
Bản án sơ thẩm của TAND Q.2 cũng nêu, bài vị là vật được ghi tên người đã chết nên vật này mang giá trị thờ cúng, mang giá trị tinh thần, tâm linh. Hiện tại pháp luật không có quy định về việc sử dụng, chiếm hữu và định đoạt đối với bài vị. Tuy nhiên, căn cứ khoản 2 điều 112 bộ luật Dân sự thì bài vị được coi là vật đặc định, không có vật thay thế. Ông T. là người thừa kế thứ nhất và là duy nhất của người đã mất, đồng thời là người bỏ tiền ra mua bài vị, trực tiếp gửi bài vị tại chùa nên ông được xác định là người có quyền sở hữu đối với những vật này. Vì vậy, bà A. phải có trách nhiệm hoàn trả đúng vật đó. Song, do ông T. không chứng minh được những di vật này vẫn đang tồn tại và bà A. đang chiếm hữu nên vật tranh chấp được coi là không còn.
|
Sau khi được trụ trì chùa báo tin vụ việc, ông T. nhiều lần liên lạc với con gái yêu cầu trả lại những “vật linh thiêng” nhưng không được. Hay tin những vật này được bà A. gửi ở một ngôi chùa tại Q.2, ông tới xin mang về nhưng không được vì chỉ có người gửi mới có quyền mang đi. Ông đến nhờ công an phường giúp đỡ, bà A. hay tin liền lấy những vật trên gửi sang một ngôi chùa khác.
Ông T. lại tiếp tục dò tìm được ngôi chùa mới, hỏi thăm trụ trì thì biết bà A. chỉ gửi được hũ cốt của mẹ ông, còn bài vị thờ cha, mẹ và bảng tên trên hũ cốt của cha ông do không gửi được nên đã mang đi. “Sau đó, tôi làm giấy tờ xác nhận, rồi xin nhà chùa mang về”, ông nhớ lại.
Liên hệ với con gái nhiều lần để lấy những vật còn lại nhưng vô vọng, trong khi những tranh cãi và mâu thuẫn giữa hai cha con ngày một trở nên trầm trọng hơn và đi vào ngõ cụt, ông T. đành khởi kiện ra tòa đòi lại hai bài vị cùng bảng tên người đã khuất.
Hành vi trái đạo lý, phong tục
xét xử sơ thẩm, TAND Q.2 nhận định ông T. là con, người thừa kế thứ nhất và duy nhất của cha mẹ ông nên cũng là người quản lý duy nhất đối với bài vị và hũ cốt của cha mẹ với mục đích thờ cúng. Việc bà A. tự ý lấy đi những vật trên mà chưa được sự đồng ý của ông T. là trái với đạo lý, phong tục tập quán VN. Vì vậy, bà A. có trách nhiệm hoàn trả đúng vật đó hoặc bồi thường nếu ông T. có yêu cầu.
Nhưng bà A. không tham dự phiên sơ thẩm. Theo bản tự khai bà gửi tòa, hũ cốt của bà nội thì cha bà đã lấy lại, còn 2 bài vị và bảng tên trên hũ cốt bà đã thủy táng tại sông Đồng Nai. HĐXX sơ thẩm nhận định ông T. không chứng minh được những vật này tồn tại, nên vật tranh chấp xem như không còn. Vì vậy, tòa tuyên không chấp nhận yêu cầu của ông.
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ông T. tiếp tục kháng cáo.
Xử phúc thẩm, khu vực dành cho đương sự chỉ có ông T. ngồi lọt thỏm giữa những hàng ghế trống. Bà A. vẫn không đến dự tòa. Không ai muốn thấy cảnh cha con kiện nhau, HĐXX phúc thẩm khuyên ông nên thỏa thuận với con gái. Ông T. cho biết sau phiên xử sơ thẩm, ông tiếp tục gọi cho con gái với hy vọng có thể giải quyết mâu thuẫn và tìm lại được 2 bài vị cha, mẹ cùng bảng tên trên hũ cốt của cha, nhưng con gái ông vẫn chỉ trả lời là đã thủy táng. “Từ khi chuyện xảy ra, sức khỏe tôi yếu đi, đêm không ngủ được, chỉ mong tòa xử giúp tôi. Cô A. mang đi thủy táng là tội bất hiếu, vì đó không phải tro cốt mà thủy táng. Nhưng nếu có thủy táng đi nữa thì tôi chỉ muốn cô A. thuê người trục vớt lại cho tôi”, ông T. trình bày tại tòa. Lấy tay quệt nước mắt, ông nghẹn giọng: “Đã 75 tuổi, tôi cũng không muốn kiện con ra tòa. Nhưng tôi không muốn trở thành một người con bất hiếu, khi cha mẹ qua đời mà không làm tròn đạo nghĩa thờ cúng. Đến giờ, tôi cũng không biết 2 bài vị thờ cha mẹ và bảng tên trên hũ cốt của cha tôi ở nơi đâu…”.
Phiên tòa dường như chùng xuống vì những giọt nước mắt của cụ ông tuổi đã gần đất xa trời phải đi kiện con mình. Đại diện Viện KSND TP.HCM cho rằng cần phải xem xét lại hồ sơ và tài liệu để làm rõ một số vấn đề nên phiên tòa tạm dừng. Có tiếng ai đó xì xào: “Cha con giận nhau làm chi, khổ cả người đã khuất…”.
Trong cái nắng vàng vọt buổi chiều, ông T. dò dẫm từng bước chân nặng nề rời tòa, nơi ông không muốn nhưng có lẽ vẫn sẽ phải trở lại…
Bình luận (0)