Kiên cường trên thềm lục địa: Chia nhau ca nước, lá rau

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
04/07/2019 06:16 GMT+7

'Hồi ấy, thức ăn chỉ là thịt heo xay đóng hộp và... lương khô. Quá thèm rau xanh, mới nghĩ ra cách bóp nhuyễn cơm nguội và cắm cọng rau muống già để trồng. Mỗi bữa, vặt vài lá bỏ vào nước đun sôi'.

Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh (hiện là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra của Lữ đoàn 167, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) có thâm niên 25 năm công tác tại Tiểu đoàn DK1, trong đó hơn 10 năm giữ chức chính trị viên tiểu đoàn, nên rành rẽ mọi vất vả của bộ đội nhà giàn. Ông nói: “Suốt 20 năm từ 1989 - 2009, chúng tôi sống bí mật trong gian khó”.

“Nhà chòi”, “nhà lô”

Năm 1994, đang công tác tại Lữ đoàn 5, Binh chủng Đặc công, thượng úy Nguyễn Thế Dĩnh nhận quyết định chuyển sang Lữ đoàn 171 Hải quân. Là cán bộ chính trị, nhưng ông được sang ngạch quân sự, làm Chỉ huy trưởng nhà giàn Ba Kè A (DK1/4). Chuyến đi biển đầu tiên trong đời, ông sững sờ khi thấy doanh trại giống như cái chòi canh lưới trên bãi bồi ngoài quê. “Hồi ấy, thức ăn chỉ là thịt heo xay đóng hộp và... lương khô. Quá thèm rau xanh, mới nghĩ ra cách bóp nhuyễn cơm nguội và cắm cọng rau muống già để trồng. Mỗi bữa, vặt vài lá bỏ vào nước đun sôi”, thượng tá Dĩnh nhớ lại, rồi trầm ngâm: “Mỗi ngày chỉ chạy máy nổ khoảng 2 giờ để có điện cho thông tin quân sự. Ban đêm thắp sáng bằng đèn dầu. Mọi liên lạc cá nhân với đất liền bị cắt đứt”...
Trung tá Nguyễn Văn Hùng, nguyên Chỉ huy trưởng nhà giàn Tư Chính B (DK1/5) kể: “Khổ nhất là thiếu nước ngọt. Cả chục con người nhưng chỉ có 1 két đựng 48 m3 nước. Thường thì phát mỗi người 5 lít nước/ngày. Mùa khô tiết kiệm chỉ còn 2 lít/người cho mọi nhu cầu trong ngày. Mỗi tuần tắm 1 lần, thường là tắm nước biển, tráng người bằng nước ngọt và nước tráng ấy để trồng rau”. Cũng theo trung tá Hùng: “Nhiều lúc phải xin tiếp tế nước nhưng tàu ra đến nơi có khi cả tháng, mấy mét khối nước bơm lên vàng khè màu gỉ sắt. Có uống vào cũng phải nôn ra vì tanh ngòm!”.
Đại tá Đỗ Văn Toàn, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 (thời điểm 1999 - 2009), giải thích khu vực biển DK1 nằm cạnh đường hàng hải quốc tế, nước ngoài (đặc biệt là Trung Quốc) thường xuyên sử dụng tàu nghiên cứu, tàu giả dạng, tàu chiến đấu vào thăm dò địa chấn, trinh sát. Bên cạnh đó, các tàu cá Trung Quốc, Hồng Kông, Philippines... tập trung đánh bắt hải sản trái phép.
“Xung quanh biển cả mênh mông. Khi sóng lớn, tàu trực không thể tiếp tế cho nhà giàn. Mọi sinh hoạt diễn ra trong phạm vi gần 150 m2 khiến đời sống bộ đội hết sức gò bó. Phải tiết kiệm từ ca nước, lá rau cho đến đồ dùng thiết yếu. Xa đất liền, thiếu thông tin và các phương tiện sinh hoạt giải trí... Trong khi tình hình mặt biển căng thẳng, phải đối phó 24/24 giờ. Tất cả những điều này dễ gây tâm lý tù túng, bức bách, nếu không tự đấu tranh vượt lên chính mình thì không trụ nổi”, đại tá Toàn nhìn nhận.
Hồi ấy, thức ăn chỉ là thịt heo xay đóng hộp và... lương khô. Quá thèm rau xanh, mới nghĩ ra cách bóp nhuyễn cơm nguội và cắm cọng rau muống già để trồng. Mỗi bữa, vặt vài lá bỏ vào nước đun sôi
Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh

Đối mặt với “tàu lạ”

Những ngày đầu ra tiếp nhận, bộ đội nhà giàn Tư Chính A (DK1/1) đã phải đương đầu với những thử thách hết sức căng thẳng. Từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 8.1989, phía Trung Quốc liên tục đưa tàu trinh sát V350 xuống hoạt động ở khu vực DK1, có lúc áp sát nhà giàn 3 - 5 hải lý. Ngày 28.9.1989, Trung Quốc lại tiếp tục cho các biên đội tàu quân sự đến hoạt động, thăm dò các bãi ngầm ở khu vực DK1. “Hồi ấy, anh em vừa tổ chức đời sống sinh hoạt cho phù hợp với điều kiện, vừa sẵn sàng chiến đấu. Việc đầu tiên là duy trì nghiêm chế độ canh gác 24/24 giờ. Các ca gác đều đảm bảo quân số để vừa chống người nhái nước ngoài đột nhập, vừa canh chừng sóng to gió lớn”, ông Tạ Ngô Quyền, Chỉ huy trưởng đầu tiên của nhà giàn Tư Chính A (DK1/1) cho hay.
Kiên cường trên thềm lục địa: Chia nhau ca nước, lá rau1

Tận dụng mọi chỗ trống để trồng rau xanh, năm 2006

Trước những hành động bất thường của tàu Trung Quốc, mặc dù các nhà giàn Phúc Tần, Ba Kè A không bảo đảm độ an toàn cao, nhưng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc là trên hết, chấp nhận mọi sự hy sinh, Bộ Tư lệnh Hải quân quyết tâm đưa bộ đội ra tiếp nhận, chốt giữ bảo vệ nhà giàn. Ngày 24.8.1989, bộ đội nhà giàn DK1/3 ra Phúc Tần. Ngày 4.10.1989, khung nhà giàn DK1/4 tiếp nhận và làm nhiệm vụ tại nhà Ba Kè A.
Sang năm 1990, từ thực tế tình hình hoạt động của tàu thuyền nước ngoài ở khu vực biển DK1 và bảo vệ bãi ngầm Tư Chính, nhà giàn Tư Chính B (DK1/5) và Phúc Nguyên A (DK1/6) được gấp rút hoàn thành và chuyển cho bộ đội Tiểu đoàn DK1 đóng giữ.
Đầu tháng 5.1992, Tổng công ty dầu ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) tự ý ký hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí với Công ty Crestone Energy (Mỹ) đối với khu vực các lô 133, 134, 158 và một phần các lô 135, 136, 157 của VN. Khu vực họ tự nhận này chính là bãi ngầm Tư Chính đã có 2 khung bộ đội nhà giàn đóng giữ (DK1/1, DK1/5) từ lâu.
“Phía Trung Quốc còn ngang nhiên đòi chủ quyền vùng biển từ phía bắc xuống phía nam của Biển Đông theo đường lưỡi bò 9 khúc do họ tự đặt ra, trong đó có cả vùng biển DK1”, đại tá Nguyễn Hải Đường, Phó chủ nhiệm chính trị Vùng 2 Hải quân, nói. Theo đại tá Đường, ngay từ đầu năm 1992, Lữ đoàn 171 thuộc Vùng 4 Hải quân được điều chuyển về trực thuộc Quân chủng Hải quân để tập trung cho nhiệm vụ bảo vệ DK1. Nhiều tàu mới cũng được bổ sung cho Hải đoàn 129 làm nhiệm vụ trực tại các khu vực bãi ngầm để xua đuổi tàu nước ngoài vi phạm và ứng cứu nhà giàn khi có tình huống xảy ra.
Giống bộ đội nhà giàn, cán bộ chiến sĩ các tàu trực cũng rất căng thẳng, vất vả. Mỗi chuyến đi trực kéo dài 2 - 3 tháng, có khi 5 - 6 tháng mới vào bờ. Cuộc sống sinh hoạt kham khổ, phải tiết kiệm từng ca nước ngọt và rau xanh, có khi phải thay bằng thân cây chuối mang theo. Những khi gió bão, tàu không có nơi neo đậu tránh trú, bộ đội phải chống chọi vật lộn để giữ cho tàu không bị lật chìm, không bị xô va vào bãi ngầm...

Thành tích cũng phải giấu

Đại tá Đỗ Văn Toàn nhớ lại, cuối năm 2005, ông và Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Nam ra Hà Nội nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” cho đơn vị. Trước khi nhận, Chuẩn đô đốc Trần Thanh Huyền, Chủ nhiệm chính trị (sau là Phó đô đốc, Chính ủy Hải quân) dặn đi dặn lại: “Đây là đơn vị đặc biệt, thành tích đặc biệt nên tuyệt đối không cho dư luận biết về chức năng nhiệm vụ, vị trí đóng quân canh phòng”. Tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh, cả 2 chỉ huy của Tiểu đoàn DK1 nhận danh hiệu xong là bấm tay nhau ra ngoài, không để báo chí chụp hình phỏng vấn và cả không ăn chiêu đãi. “Năm 2009, khi đã tròn 20 năm thành lập và lần đầu tiên công khai kỷ niệm ngày thành lập, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mới biết có Tiểu đoàn DK1”, đại tá Toàn cười, nhắc lại.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.