Ngày 5.11, tin từ Sở Công thương Hậu Giang cho biết, mới đây, Cục Quản lý thị trường Hậu Giang đã tiến hành khảo sát tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy có 46 cửa hàng xăng dầu thiếu hụt nhiên liệu; trong đó, 24 cửa hàng hết xăng dầu, 20 cửa hàng hết xăng còn dầu, 2 cửa hàng hết dầu còn xăng.
Sở Công thương Hậu Giang kiến nghị Bộ kiểm tra doanh nghiệp thường xuyên hết xăng dầu trên địa bàn |
ĐÌNH TUYỂN |
Theo Sở Công thương Hậu Giang, gần đây, một bộ phận người tiêu dùng có tâm lý hoang mang trước thông tin giá xăng dầu sắp tăng. Nhiều người tranh thủ mua sử dụng và tích trữ, dẫn đến lượng khách hàng đổ về các cửa hàng xăng dầu đông hơn bình thường. Đây là một trong những lý do chính khiến nhiều cửa hàng thiếu hụt xăng dầu cục bộ, không điều tiết được nguồn cung kịp thời trong những ngày qua.
Cụ thể, Hậu Giang hiện có 4 doanh nghiệp (với 13 đại lý và 8 cửa hàng) thường xuyên hết xăng dầu và báo cáo đang gặp khó khăn do không mua được hàng hóa từ các đầu mối để cung cấp cho hệ thống. Đó là Công ty CP thương mại hóa dầu Ressol, Công ty TNHH MTV Bắc - Nam Thịnh Hòa, Công ty TNHH MTV Hòa Bình và Công ty TNHH Xăng dầu Kim Phượng.
Đại biểu Quốc hội chất vấn Thanh tra Chính Phủ và Bộ trưởng Bộ Công thương về tình hình khan hiếm xăng dầu |
Sở Công thương cho biết, hàng hóa tại các doanh nghiệp nói trên đến nay vẫn chưa ổn định, chưa đảm bảo để cung cấp và duy trì cho hệ thống cửa hàng bán lẻ. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến thị trường và tâm lý tiêu dùng của người dân.
Trước thực trạng nói trên, Sở Công thương Hậu Giang kiến nghị Bộ Công thương xem xét, chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu khác hỗ trợ, chia sẻ nguồn cung; đồng thời tổ chức kiểm tra hệ thống của các doanh nghiệp này, do các cửa hàng thường xuyên hết hàng và báo cáo đang gặp khó khăn do không mua được hàng hóa.
Ngoài ra, Sở Công thương Hậu Giang cũng kiến nghị Bộ xem xét, tính giá có lãi để các doanh nghiệp có điều kiện duy trì hoạt động lâu dài; cùng với đó sẽ chỉ đạo các thương nhân kinh doanh - phân phối xăng dầu chủ động nguồn cung, có phương án nhập khẩu hoặc mua từ nguồn trong nước để đảm bảo nguồn cung cho thị trường nói chung, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang nói riêng.
Bình luận (0)