Nhiều luật chậm ban hành quy định chi tiết
Báo cáo tổng hợp giám sát văn bản quy phạm pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 17.9, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, từ đầu nhiệm kỳ tới hết kỳ họp 8, Quốc hội đã ban hành 55 luật, trong đó có 53 luật đã có hiệu lực thi hành, 2 luật có hiệu lực thi hành từ 1.1.2021.
Theo ông Phúc, qua giám sát, vẫn còn nhiều nội dung quy định chi tiết chưa ban hành hoặc ban hành chậm đã tạo ra khoảng trống pháp lý, gây khó khăn, lúng túng trong việc thực thi pháp luật, phối hợp giữa các cơ quan.
Ông Phúc dẫn chứng, luật Thi hành án hình sự đến nay vẫn còn 21 điều, khoản chưa có văn bản quy định chi tiết và văn bản quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện trình tự, thủ tục.
Nhiều luật có các quy định chi tiết đều ban hành chậm hoặc có hiệu lực thi hành chậm so với thời điểm thi hành của luật như luật Thi hành án hình sự năm 2019 có 15/15 văn bản; luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có 15/15 văn bản; luật Quản lý ngoại thương có 7/7 văn bản; luật Quốc phòng có 6/6 văn bản; luật Tố cáo có 5/5 văn bản...
Trong số 184 nội dung được quy định chi tiết trong các văn bản có hiệu lực chậm hơn so với thời điểm có hiệu lực của luật, có 138/184 (chiếm 75%) văn bản chậm dưới 6 tháng, 21/184 (chiếm 11%) văn bản chậm từ 6 tháng đến 1 năm, 25/184 (chiếm 14%) văn bản chậm từ 1 - 2 năm, ông Phúc thông tin.
Nhiều lần kiến nghị nhưng chưa khắc phục
Cùng với chậm ban hành các quy định chi tiết, một hạn chế khác, theo Tổng thư ký Quốc hội, vẫn còn một số văn bản có dấu hiệu chưa bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật.
Cụ thể, có 8 nghị định của Chính phủ chứa nội dung có dấu hiệu trái với luật của Quốc hội. Bên cạnh đó, có 7 nghị định, 3 thông tư quy định không đúng nội dung luật giao, chưa thống nhất với hệ thống pháp luật.
Đáng lưu ý, ông Phúc cho biết, có tới 8 nghị định có một số nội dung tiếp tục giao (ủy quyền tiếp) cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định chi tiết.
Cụ thể, gồm 4 nghị định quy định chi tiết luật Công an nhân dân, 1 nghị định quy định chi tiết luật Bảo vệ bí mật nhà nước đã giao cho Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết nội dung luật giao.
Cạnh đó, 2 nghị định quy định chi tiết luật Quốc phòng (sửa đổi) giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết nội dung luật giao.
Ngoài ra, 1 nghị định quy định chi tiết một số điều của luật Phòng, chống tham nhũng giao cho các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quy định chi tiết.
Theo Tổng thư Nguyễn Hạnh Phúc, việc “ủy quyền tiếp” này chưa phù hợp với quy định của pháp luật và dẫn đến việc cơ quan được ủy quyền ban hành văn bản quy định nội dung không đúng về thẩm quyền do luật giao.
“Tình trạng ủy quyền đã được cơ quan giám sát nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để”, ông Phúc lưu ý.
Từ đó, Tổng thư ký Quốc hội kiến nghị Quốc hội cần hạn chế giao quá nhiều quy định chi tiết luật, pháp lệnh. Bên cạnh đó, cần chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng “ủy quyền tiếp” trong các văn bản quy định chi tiết.
Đối với Chính phủ, ông Phúc kiến nghị cần tăng cường rà soát, kịp thời phát hiện các văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo; đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các văn bản có sai phạm về thẩm quyền ban hành, hình thức, trình tự thủ tục ban hành hoặc văn bản có nội dung chưa bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Một số đơn vị của Bộ Công an, Quốc phòng chưa chủ động gửi văn bản để giám sát
Theo Tổng thư ký Quốc hội, qua giám sát cho thấy, một số văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh thường có nội dung mật, tối mật nên khó tiếp cận để nghiên cứu, rà soát.
Cũng theo ông Phúc, vì lý do này, một số đơn vị liên quan của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chưa chủ động gửi các văn bản hướng dẫn thi hành luật tới Ủy ban Quốc phòng và An ninh để tiến hành giám sát..
|
Bình luận (0)