Kiến nghị chế tài người đứng đầu 'phớt lờ' yêu cầu của thanh tra nhân dân

Lê Hiệp
Lê Hiệp
13/04/2022 16:49 GMT+7

Phó chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu đề nghị chế tài đối với người đứng đầu không tiếp thu, xem xét, trả lời yêu cầu, kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân đúng thời hạn.

Sáng 13.4, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Phó chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu phát biểu tại hội nghị

gia hân

Nêu ý kiến thảo luận, ông Đỗ Duy Thường, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kiến nghị dự án luật phải quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong dự thảo luật, nhất là trách nhiệm của công chức, cơ quan nhà nước trong bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cần nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra đối với những phản ánh của nhân dân về những vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng.

“Ví dụ, những vi phạm về đất đai, quy hoạch, dân biết hết. Khi dân phản ánh thì phải vào cuộc thanh tra, cùng với đó, thanh tra nhân dân cũng có thể phối hợp làm được việc này”, ông Thường nói.

Tuy nhiên, ông Thường không đồng ý việc quy định về cơ chế thanh tra nhân dân trong luật vì cho rằng đây là luật dân chủ cơ sở chứ không phải luật giám sát của nhân dân, hơn nữa, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đang chuẩn bị nội dung trình Quốc hội xây dựng luật Giám sát của nhân dân bao gồm nội dung này.

Phó chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu cũng cho rằng, việc quy định về cơ chế thanh tra nhân dân trong dự án luật là “cần được cân nhắc thêm” khi chính dự thảo định nghĩa “thanh tra nhân dân là hình thức kiểm tra, giám sát của nhân dân”.

Bên cạnh đó, theo ông Châu, so với quy định hiện hành tại luật Thanh tra thì các quy định về thanh tra nhân dân và tổ chức “ban thanh tra nhân dân” trong dự thảo luật còn thiếu và chưa đủ cơ sở để Chính phủ và Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục quy định cụ thể.

Quy định cụ thể quyền hạn của thanh tra nhân dân

Về quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân, ông Châu cho rằng, dự thảo luật tiếp tục quy định quyền hạn của ban này chỉ giới hạn trong phạm vi “kiến nghị” với người có thẩm quyền xử lý theo quy định…

Theo ông Châu, so với các phương thức kiểm soát khác như thanh tra nhà nước, kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước thì hiệu lực của hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân không có những biện pháp mạnh mẽ buộc đối tượng bị giám sát phải thực thi yêu cầu, kiến nghị của mình.

Từ đó, ông Châu đề nghị cần phải có quy định cụ thể, hợp lý hơn về việc tiếp thu, xử lý các kiến nghị và xác định rõ trách nhiệm giải trình, chế tài đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khi để xảy ra chậm trễ hoặc không tiếp thu, xem xét, trả lời yêu cầu, kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân đúng thời hạn. Đồng thời, cũng cần quy định việc xử lý hành vi lợi dụng dân chủ.

Việc dự thảo luật tiếp tục quy định thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước cũng là vấn đề cần phải bàn kỹ. Theo ông Châu, việc sử dụng tên gọi của thiết chế này gắn với khái niệm “nhân dân” là cần nghiên cứu thấu đáo do trong các cơ quan nhà nước có các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và trong cơ cấu tổ chức chỉ có cấp trên - cấp dưới.

Bên cạnh đó, việc bảo đảm khách quan, độc lập giữa Ban Thanh tra nhân dân với các đối tượng bị giám sát cũng là vấn đề lớn gây cản trở cho hoạt động thực chất, hiệu quả của Ban Thanh tra nhân dân trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước trong thực tiễn.

“Việc đặt ra vấn đề giám sát của nhân dân theo phạm vi, nội hàm của dự thảo luật này cho các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp là cần được cân nhắc thêm. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất lớn, phức tạp cần xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền”, ông Châu nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.