Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, luật Kinh doanh bất động sản 2014 và dự thảo luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chỉ điều chỉnh các hành vi giao dịch bất động sản, nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai sau thời điểm chủ đầu tư và khách hàng đã ký hợp đồng giao dịch.
Việc này đồng nghĩa với "thả nổi, bỏ sót", không quy định điều chỉnh hoạt động đặt cọc trước thời điểm ký hợp đồng. Chính vì thế thời gian qua thị trường đã bị "đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương" lợi dụng quy định cho phép bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc tự thỏa thuận về giá trị đặt cọc (tiền đặt cọc). Từ đó dẫn đến nhiều trường hợp bên nhận đặt cọc đã nhận tiền đặt cọc với giá trị lớn, thậm chí nhận tiền cọc lên đến 90 - 95% giá trị bất động sản nhằm mục đích chiếm đoạt, lừa đảo gây thiệt hại cho khách hàng và gây bất ổn cho thị trường bất động sản như đã từng xảy ra trong các năm qua.
Do vậy, HoREA kiến nghị: Cho chủ đầu tư được nhận tiền đặt cọc từ khách hàng khi dự án đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, đã có Giấy phép xây dựng (nếu thuộc trường hợp phải có Giấy phép xây dựng) và đã khởi công xây dựng công trình, hoặc chỉ được nhận tiền đặt cọc từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh và đã thực hiện giao dịch theo đúng quy định của luật này.
Số tiền nhận đặt cọc không vượt quá 5% giá trị nhằm mục đích "bịt kín lỗ hổng pháp luật", tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, kiểm soát hoạt động đặt cọc xảy ra trước thời điểm ký hợp đồng giao dịch bất động sản, nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai.
Ông Lê Hoàng Châu phân tích: Sau khi đã bỏ ra nguồn vốn rất lớn để tạo lập quỹ đất dự án thì chủ đầu tư có nhu cầu huy động vốn bổ sung và có nhu cầu thăm dò thị trường thông qua việc nhận đặt cọc của khách hàng. Đồng thời, khách hàng cũng có nhu cầu đặt cọc để được hưởng các ưu đãi, khuyến mãi, chiết khấu của chủ đầu tư và "chốt" được giá bán bất động sản. Vì thế, có thể nói, nhu cầu đặt cọc trước khi ký hợp đồng giao dịch chính thức là nhu cầu khách quan và đã được quy định tại điều 328 Bộ Luật Dân sự 2015, trong đó có mục đích đặt cọc để bảo đảm giao kết hợp đồng.
"Do vậy, việc chủ đầu tư nhận đặt cọc của khách hàng tại thời điểm sau khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền "chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư gần như không tiềm ẩn 'rủi ro' cho khách hàng" - ông Châu nhấn mạnh.
Bình luận (0)