Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), Chính phủ ban hành Nghị định 08 đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trong đó quy định cơ chế xử lý trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đến hạn.
Nghị định 08 cũng là cơ sở pháp lý mở đường cho việc thực hiện thỏa thuận đàm phán giữa doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu sắp đến hạn và nhà đầu tư trái phiếu (trái chủ) để cùng nhau tìm kiếm giải pháp tốt nhất. Tìm được điểm cân bằng về lợi ích, bảo đảm hài hòa quyền lợi hợp pháp, chính đáng của trái chủ và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của Nghị định 08 chỉ quy định cơ chế thương lượng thỏa thuận giữa doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu sắp đến hạn và trái chủ. Đặc biệt là cơ chế hoán đổi trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác. Trong khi hiện nay, doanh nghiệp đang rất cần các giải pháp về tín dụng, về chuyển nhượng dự án, về tháo gỡ vướng mắc pháp lý.
Tại thời điểm này, khó khăn lớn nhất nổi lên lại là tình trạng doanh nghiệp thiếu dòng tiền, thiếu thanh khoản nghiêm trọng.
Chính vì vậy, đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn có tài sản bảo đảm, có dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất… được vay tái cấu trúc các khoản nợ trái phiếu sắp đến hạn với khoản vay có thể xem xét không vượt quá 70% giá trị gói trái phiếu đã phát hành và ngân hàng thương mại được phép nhận thế chấp bằng chính gói trái phiếu này và các tài sản bảo đảm để phát hành gói trái phiếu đó theo phương thức ngân hàng thương mại giải ngân trực tiếp đến các trái chủ.
Đối với phần 30% giá trị gói trái phiếu đã phát hành còn lại thì doanh nghiệp và các trái chủ thỏa thuận đàm phán với nhau theo quy định tại Nghị định 08.
HoREA đề nghị cho phép áp dụng tương tự cơ chế thí điểm chuyển nhượng dự án bất động sản theo Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Trong đó cho phép tổ chức tín dụng được chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản khi dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền… Nghị quyết này đã được Quốc hội cho phép gia hạn đến năm 2025.
Nếu được áp dụng các doanh nghiệp bất động sản sẽ được thỏa thuận chuyển nhượng dự án bất động sản (M&A) theo nhu cầu, vừa tôn trọng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, vừa tạo được dòng tiền để vượt qua khó khăn, vừa giảm bớt lệ thuộc vào nguồn vốn tín dụng.
Điều này sẽ tác động tích cực ngay lập tức và cùng với cơ chế, chính sách của Nghị định 08 sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn và hỗ trợ các trái chủ và tạo điều kiện cho hoạt động chuyển nhượng dự án bất động sản thông thoáng, tăng thêm nguồn thu ngân sách nhà nước và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản.
Bình luận (0)