Sáng nay 20.2, trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký văn bản kiến nghị Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên, học viên đến hết tháng 3. Đồng thời điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020, tiếp tục học kỳ 2 từ tháng 4 đến tháng 7 cũng như dời kỳ thi THPT quốc gia đến cuối tháng 7.
Trường sẽ quyết trên điều kiện thực tế
Tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cũng cho rằng UBND TP.HCM khi đưa ra quyết định trên đã có đánh giá mức độ phức tạp của tình hình dịch bệnh. Do đó, việc kéo dài thời gian nghỉ học này nhằm đảm bảo mức độ an toàn cao nhất cho người học.
Riêng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, theo tiến sĩ Minh, trường sẽ xem xét tình hình thực tế trong bối cảnh chung sẽ có quyết định tiếp theo. Tuy nhiên, trong thời điểm học tập trung này, trường đang triển khai dạy học trực tuyến toàn trường bằng nhiều phương thức khác nhau nhằm đảm bảo chương trình đào tạo của học kỳ.
“Dù quyết định thế nào, trường cũng sẽ đảm bảo an toan cho cán bộ giảng viên và người học trước tình hình dịch bệnh Covid-19”, tiến sĩ Minh cho hay.
Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cũng cho rằng nếu Chính phủ đồng ý kiến nghị tiếp tục nghỉ học hết tháng 3, các trường ĐH cũng bị tác động về kế hoạch năm học. Tuy nhiên, mỗi trường ĐH sẽ có kế hoạch học tập riêng cho sự thay đổi này.
"Nghỉ hết tháng 2 là ổn"
Trước đề xuất này, tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, cho rằng nghỉ học đến thời gian nào còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Nếu vẫn còn phức tạp thì tiếp tục nghỉ cho đến khi Bộ Y tế - đơn vị chuyên môn có tham mưu cho Chính phủ cho thấy việc trở lại trường đã thực sự an toàn.
“Tuy nhiên, cảm nhận tình hình chung của các tỉnh thành đến thời điểm này thì nghỉ hết tháng 2 là ổn. Vì hết tuần này, nếu không có ai bị nghi nhiễm thì có thể nói là an toàn”, ông Phương nhấn mạnh.
Theo tiến sĩ Tô Văn Phương, các tỉnh thành cũng muốn trở lại cuộc sống, sản xuất kinh doanh bình thường vì như hiện tại đang có nhiều xáo trộn. Học sinh nghỉ học nhiều, bản thân cha mẹ cũng khá vất vả trong việc trông giữ ở nhà. Các lĩnh vực kinh tế khác, đặc biệt dịch vụ du lịch như ở Nha Trang đang gặp rất nhiều khó khăn...
Chính quyền có đủ thông tin để quyết định
Quan điểm cá nhân, thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết đồng tình với đề xuất trên.
Ông Quốc nói: “Ai cũng cần an tâm về mặt tâm lý để học tập tốt. Trong khi đó, dạy học là một quá trình, việc nghỉ học một giai đoạn thực tế không ảnh hưởng đến sự phát triển năng lực người học. Quá trình này ở học sinh phổ thông là 12 năm, ở sinh viên đại học trung bình là 4 năm”.
Hơn nữa, theo thạc sĩ Quốc, ngay cả trong quá trình nghỉ, người học cũng có cơ hội được học tập, rèn luyện bản thân thông qua học trực tuyến, hoạt động trải nghiệm tại nhà... Chẳng hạn, kỹ năng lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch trong giai đoạn này cho người học là rất hợp lý.
Trước đề xuất cho học sinh, sinh viên nghỉ hết tháng 3, theo thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin-truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, chính quyền có đủ thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 để đưa ra quyết định trên.
Bình luận (0)