Kiến nghị dừng xả bùn thải ra biển

Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia, các tổ chức môi trường trước những lời giải thích của đại diện Bộ Tài nguyên - Môi trường tại phiên họp HĐND tỉnh Bình Thuận ngày 13.7.

Khu vực nhận chìm rất nhạy cảm
Vấn đề giám sát để kịp thời dừng hoạt động
đổ thải khi xảy ra sự cố thì đúng là "mất bò mới
lo làm chuồng", không có ý nghĩa gì
Tiến sĩ Tô Văn Trường 
Chiều 13.7, Phó tổng cục trưởng (phụ trách) Tổng cục Biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên - Môi trường - TN-MT) Phạm Ngọc Sơn, thay mặt lãnh đạo Bộ TN-MT thông tin trước HĐND tỉnh Bình Thuận xung quanh vụ nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn cát sau nạo vét ra biển Vĩnh Tân. Ông Sơn khẳng định luật pháp hiện nay (luật Biển và hải đảo) cho phép nhận chìm bùn cát sau nạo vét ra biển. Các vật, chất nhận chìm không độc hại và nằm trong danh mục các chất được luật cho phép nhận chìm. Theo ông Sơn, vật, chất nhận chìm không phải là chất thải. Các trầm tích này nằm ở dưới biển từ lâu năm, để trên bờ là không thể vì sẽ làm nhiễm mặn đất đai. Ông Sơn thừa nhận, việc nhận chìm có thể xảy ra tác động khi một lớp bùn cát, sét phủ lên rạn san hô, gây đục nước biển. Nên vấn đề hiện nay là khi thi công phải làm sao giảm đến mức thấp nhất các thiệt hại này nếu xảy ra.
Ông Sơn cho biết vị trí nhận chìm có độ sâu hơn 36 m, diện tích nhận chìm là 30 ha và cách vùng lõi Hòn Cau 8 km. Trong bản đồ nhận chìm, có 13 điểm được quan trắc nhằm kiểm soát các chỉ số nền của biển và các hóa chất khác trong nước biển khi thi công nhận chìm. “Vì khu vực nhận chìm là khu vực biển nhạy cảm, chỉ cần 1 trong 13 vị trí quan trắc trên nếu phát hiện số liệu quan trắc vượt ngưỡng thì Công ty nhiệt điện Vĩnh Tân 1 phải dừng lại ngay”, ông Sơn nói.
Về trách nhiệm giám sát, ông Sơn cho hay Bộ TN-MT có trách nhiệm giám sát theo giấy phép nhiều vấn đề, từ vị trí, chất nạo vét, khối lượng trên sà lan, đường đi quy định… Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Thuận còn có một tổ giám sát đặc biệt với 29 người. Bên cạnh đó, Viện Hải dương học Nha Trang còn được Chính phủ chỉ định giám sát độc lập.
Đại biểu Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bình Thuận) băn khoăn: Liệu Bộ TN-MT đã xem xét hết các tác động của bùn thải đến biển, đặc biệt là đến khu bảo tồn biển Hòn Cau hay chưa, hiện nay người dân vẫn thắc mắc chưa rõ việc này. Ông Sơn khẳng định: Người dân, báo chí hoàn toàn có thể tham gia vào quá trình giám sát.
Báo cáo công tác giám sát ô nhiễm môi trường tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, đại biểu Hồ Trung Phước, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bình Thuận, cho biết các nhà máy điện ở Vĩnh Tân và Cảng tổng hợp Vĩnh Tân còn để xảy ra vấn đề bức xúc về môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Việc chồng lấn giữa khu bảo tồn biển Hòn Cau và các nhà máy điện chưa được tháo gỡ triệt để. Ông Phước kiến nghị Bộ TN-MT sớm có báo cáo đánh giá tác động chiến lược cho toàn vùng và đưa Vĩnh Tân vào diện giám sát đặc biệt cấp quốc gia.
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, nói: “Cách trả lời như vậy rất là ngụy biện. Trước mắt phải tạm dừng lại để xem xét giấy phép và vấn đề xả thải một cách thật cẩn thận. Quan trọng nhất, khi xem xét có cho xả thải hay không phải tham vấn ý kiến người dân địa phương, doanh nghiệp khác có liên quan tới biển. Giấy phép phải có khả năng chế tài; muốn xả thải xuống biển phải xác định khả năng tổn thương và thiệt hại đến môi trường cũng như người dân; qua đó buộc đơn vị xả thải phải ký quỹ môi trường. Nếu không làm như vậy, tới lúc xảy ra sự cố họ lại bảo không có tiền bồi thường thì lúc đó ai sẽ chịu trách nhiệm?”.
Theo tiến sĩ Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, trả lời của ông Phạm Ngọc Sơn vẫn làm công luận tiếp tục thắc mắc. Công luận vẫn băn khoăn về Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đã đánh giá được tác động của bùn (chủ yếu là chất rắn lơ lửng và các chất độc hại có thể có trong bùn) đến hệ sinh thái xung quanh như thế nào, đặc biệt là san hô và các động thực vật đáy. Số liệu kết quả phân tích trung thực về các thành phần cơ, lý, Hóa sinh trong bùn dự định nhấn chìm ra sao?
TS Trường phân tích: Sự sinh sống và sinh sản san hô, một dạng động vật biển dựa vào quang hợp tức là ánh sáng mặt trời, nếu nước mặt hay dưới mặt bị bùn lơ lửng sẽ gây thiếu ô xy và ánh sáng trong vài tuần có thể gây chết ngạt san hô và hư hỏng hệ sinh thái san hô, tác động xấu chung đến ngư dân và nghề cá. Lưu ý, 2 km là khoảng cách đến Breda có san hô, giám sát và khắc phục như thế nào khi san hô chết một phần hay hàng loạt? Vấn đề nảy sinh không phải chỉ là riêng trường hợp đổ bùn nạo vét của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Nếu EVN xin đổ tiếp 2,4 triệu m3, cũng ở vị trí đó, cũng thời điểm “mùa hè với hướng gió tây nam, tránh được việc nước trồi” thì điều gì sẽ xảy ra? “Vấn đề giám sát để kịp thời dừng hoạt động đổ thải khi xảy ra sự cố thì đúng là “mất bò mới lo làm chuồng”, không có ý nghĩa gì. Giám sát môi trường là hoạt động cần có một ban liên ngành giám sát đủ các thành phần liên quan, từ Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT, hàng hải, cảnh sát biển, ngư dân và các nhà khoa học”, ông Trường nói.
13 tổ chức kiến nghị tạm dừng xả bùn thải
Ngày 13.7, một bản kiến nghị tạm dừng quyết định xả bùn thải ra biển Bình Thuận được gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các bộ ban ngành và địa phương liên quan. Theo bản kiến nghị, do 13 tổ chức bảo vệ môi trường và xã hội tham gia, hiện tại những thông tin từ các cơ quan chức năng chưa tạo được sự đồng thuận cũng như tin tưởng của công luận và các nhà khoa học. Nhiều câu hỏi đặt ra vẫn chưa có giải đáp thỏa đáng. Điều này cho thấy có khoảng trống lớn về minh bạch thông tin. Việc không công khai Báo cáo ĐTM nêu trên sẽ khó có thể thuyết phục cộng đồng cũng như thiếu cơ sở theo dõi giám sát việc thực thi.
Hơn thế nữa, thông tin Tổng công ty phát điện 3 (EVNGENCO 3, thuộc EVN) đang xúc tiến xin phép đổ 2,4 triệu m3 chất thải nạo vét cùng trên vùng biển này càng khiến các bên quan tâm lo ngại hơn. Những lo ngại của cộng đồng là có cơ sở và đáng để các cấp chính quyền lưu tâm vì: Đây là lần đầu tiên việc nhận chìm chất thải của các dự án nhiệt điện được cấp phép, vì vậy việc cấp phép cần được tiến hành một cách cẩn trọng dựa trên căn cứ khoa học và đồng thuận giữa các bên, tránh tạo tiền lệ xấu cho các dự án khác. Hoạt động này có thể gây ra những hệ lụy không thể lường trước ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái vùng biển VN. Sự cố môi trường biển miền Trung đã trở thành một bài học đắt giá và đòi hỏi sự thận trọng đối với việc ra quyết định cũng như lựa chọn của Chính phủ “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế bằng mọi giá”.
Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.