Kiến nghị kéo dài thời gian Nghị quyết 42 xử lý nợ xấu

Thanh Xuân
Thanh Xuân
07/03/2022 17:18 GMT+7

Kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 được đánh giá hiệu quả nhưng tháng 8.2022 cũng là thời gian thí điểm kết thúc. Ngày 7.3, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị kéo dài thực hiện Nghị quyết 42 giai đoạn 2022 - 2025.

Qua gần 5 năm triển khai, Nghị quyết 42 đã được triển khai đồng bộ, mang lại hiệu quả trong xử lý nợ xấu, tăng chất lượng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD), theo đó nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng trong giai đoạn 2020 - tháng 11.2021. Tại thời điểm 31.12.2021, chất lượng tín dụng của hệ thống các TCTD được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức 1,49%, khoảng 190.500 tỉ đồng (giảm so với mức 1,98% tại thời điểm 30.11.2021 do các TCTD tăng cường xử lý nợ xấu cuối năm). Thế nhưng, đánh giá thận trọng, báo cáo đưa ra tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty quản lý tài sản (VAMC) và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức cao (so với tổng dư nợ) là 6,31%. Như vậy, chất lượng tín dụng của hệ thống các TCTD nói chung đang tiềm ẩn nguy cơ rủi ro lớn, đáng quan ngại.

Nợ xấu tăng trong thời gian qua

ngọc thắng

Trường hợp kinh tế chậm phục hồi do tác động của dịch bệnh Covid-19 và diễn biến phức tạp trong giai đoạn tới, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu tiềm ẩn tăng nhanh và ở mức cao nữa sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động ngân hàng và nền kinh tế. Ngoài ra, sau khi xử lý được khối lượng lớn nợ xấu vào năm 2018, 2019, tốc độ xử lý nợ xấu năm 2020 và 2021 có xu hướng chậm lại, trong đó xử lý theo hình thức khách hàng trả nợ giảm do dịch bệnh Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của khách hàng. Đồng thời, việc xử lý tài sản đảm bảo, đặc biệt là bất động sản cũng gặp khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế cần thời gian để hồi phục. Do đó, để tiếp tục thực hiện mục tiêu xử lý và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD ở mức dưới 2% trong thời gian tới là thách thức không nhỏ đối với ngành ngân hàng.

Nghị quyết 42 thí điểm nên chỉ kéo dài 5 năm và đến ngày 15.8.2022 sẽ hết hiệu lực. Như vậy toàn bộ cơ chế xử lý theo Nghị quyết 42 sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu sẽ thực hiện theo quy định, không ưu tiên áp dụng một số chính sách. Điều này sẽ tác động đến quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD, VAMC cũng như quá trình tái cơ cấu TCTD; đồng thời sẽ không khuyến khích, huy động được nhà đầu tư nước ngoài tham gia cơ cấu lại các TCTD. Do đó, ban soạn thảo trình Chính phủ báo cáo và đề xuất Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp lý như xây dựng luật Xử lý nợ xấu của các TCTD; kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 giai đoạn 2022 - 2025…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.