Ngay trước kỳ nghỉ tết Nguyên đán, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã kịp ban hành Kết luận thanh tra số 88/KL-BGDĐT về việc thanh tra đột xuất Học viện Quản lý giáo dục.
Kết luận bao gồm nhiều nội dung, như về công tác tổ chức bộ máy, nhân sự; về quản lý tài chính, tài sản, mua sắm trang thiết bị và đầu tư xây dựng cơ bản; về công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học… Trong đó, đáng chú ý có một số vấn đề liên quan tới đào tạo, như Thanh tra Bộ GD-ĐT kiến nghị vụ chức năng tham mưu với Bộ trưởng xem xét chủ trương về việc có hay không tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm chỉ tiêu đào tạo ĐH tiến tới dừng tuyển sinh trình độ ĐH.
Có thể Học viện Quản lý giáo dục sẽ bị buộc cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh đại học, để tập trung vào nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục. |
H.V |
Trước đó, theo một số đơn thư khiếu nại gửi tới các cơ quan truyền thông, Học viện Quản lý giáo dục đã mở mã ngành luật và các ngành kinh tế, quản trị văn phòng khi không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, trong các đơn thư này cũng phản ánh một loạt thông tin được cho là sai phạm về quản lý nhân sự, về quản lý tài chính ở Học viện Quản lý giáo dục.
Kết luận 88 của Thanh tra Bộ GD-ĐT cho thấy, các nội dung khiếu nại trên là có căn cứ.
Một loạt ngành đào tạo không đạt yêu cầu đảm bảo chất lượng
Về công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo trình độ ĐH, các năm 2019 và 2020 học viện chưa thực hiện xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh; năm 2020 tuyển sinh vượt 132 chỉ tiêu trình độ ĐH ngành ngôn ngữ Anh; không báo cáo (với Bộ GD-ĐT) về việc phối hợp đặt lớp đào tạo trình độ ĐH đối với các đơn vị Trường ĐH Mở Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên. Học viện còn ban hành một số văn bản về công tác quản lý đào tạo trình độ ĐH chồng chéo, không rõ thời hạn còn hiệu lực của văn bản.
Văn bản có căn cứ là các quyết định thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch hoạt động trong khuôn khổ thụ hưởng của Chương trình ETEP là chưa phù hợp. Từ năm 2020 đến nay, không thực hiện cập nhật, đánh giá chương trình đào tạo trình độ ĐH (mà Bộ GD-ĐT đã quy định là phải cập nhật)…
Về tuyển sinh, quản lý đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, học viện vẫn không điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sĩ năm 2021 dù đã bị Thanh tra Bộ GD-ĐT xử phạt vi phạm hành chính do tuyển sinh trình độ thạc sĩ năm 2020 vượt chỉ tiêu. Việc thành lập hội đồng đánh giá luận văn chưa bảo đảm quy định. Từ năm 2018 đến tháng 12.2019, Học viện không ban hành quy định về đào tạo trình độ tiến sĩ; không thực hiện rà soát, cập nhật chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ.
Đặc biệt, về các điều kiện bảo đảm ngành và duy trì ngành đào tạo; bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục đã để xảy ra một loạt sai phạm, đúng như quần chúng đã tố cáo.
Cụ thể, Học viện đã mở ngành quản trị văn phòng khi không có đủ số lượng giảng viên cơ hữu, không có tiến sĩ cùng ngành, có giảng viên cơ hữu trùng với giảng viên cơ hữu ngành luật, không bảo đảm quy định của Bộ GD-ĐT; mở ngành luật khi không có đủ số lượng giảng viên cơ hữu; ngành CNTT đào tạo trình độ đại học của Học viện chưa có giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ (vi phạm quy định bảo đảm điều kiện duy trì ngành; các ngành CNTT và tâm lý học lâm sàng đào tạo trình độ thạc sĩ chưa đáp ứng điều kiện duy trì ngành.
Học viện chưa có chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng, không triển khai nội dung cải tiến chất lượng và đánh giá giữa chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục. Hồ sơ mở ngành đào tạo trình độ đại học lưu trữ chưa khoa học, chưa đầy đủ. Giảng viên có văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp chưa thực hiện công nhận văn bằng.
Có đơn vị có 2 nhân sự thì một là trưởng một là phó
Trong hàng loạt sai phạm về quản lý nhân sự của Học viện Quản lý giáo dục đáng chú ý có sai phạm về cơ cấu viên chức, công tác tuyển dụng và quản lý, sử dụng đội ngũ viên chức, người lao động. Trong mấy năm gần đây, học viện này đã thành lập 2 trung tâm dù việc này không tương xứng với quy mô cán bộ hiện hành và đi ngược lại với chủ trương giảm đầu mối đơn vị. Trong khi đó số lượng lãnh đạo học viện còn thiếu thì chậm kiện toàn.
Đáng chú ý, học viện có tới 13 đơn vị mà số lượng nhân sự của mỗi đơn vị chưa đến 7 người. 13 đơn vị này vẫn đủ trưởng - phó đơn vị. Cá biệt, có đơn vị chỉ có 2 -3 người. Thậm chí, có đơn vị gồm 2 người thì một người là trưởng, một người là phó (nghĩa là đơn vị không có ai là nhân viên).
Việc tuyển dụng thì tùy tiện. Chẳng hạn như năm 2018, khi cần tuyển dụng, học viện đã thành lập hội đồng tuyển dụng viên chức nhưng không đúng quy; một số ứng viên trúng tuyển trong khi hồ sơ thiếu các giấy tờ theo quy định; không đăng tải thông báo tuyển dụng công khai… Một số cá nhân như các ông bà Phạm Lan Phương, Trần Thị Huyền, Phạm Ngọc Long không đúng luật, thiếu minh chứng hồ sơ và quy trình tiếp nhận.
Học viện cũng đã tiếp nhận và bổ nhiệm nhiều người không đúng luật với các trường hợp bà Đặng Thị Thu Hương, bà Đặng Thị Minh Hiền, bà Hà Thanh Hương. Cả 3 trường hợp này, cùng với trường hợp các ông Trình Thanh Hà, Đỗ Phú Hải… đều được tiếp nhận và bổ nhiệm không có bước gặp nhân sự và có sai sót về quy trình thực hiện. Trường hợp bà Đặng Thị Minh Hiền còn vi phạm ở chỗ hồ sơ chuyển ngạch của viên chức của bà Hiền chưa đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên trước khi được bổ nhiệm ngạch giảng viên.
Các trường hợp bổ nhiệm tại chỗ cũng chưa có sự đồng nhất trong việc giới thiệu phương án nhân sự trong bước chủ trương; chưa có minh chứng về việc gặp nhân sự trao đổi về yêu cầu, nhiệm vụ công tác; một số trường hợp còn thiếu các hồ sơ. Bà Đào Thị Thu Hằng, ông Kim Mạnh Tuấn được bổ sung quy hoạch gắn với bổ nhiệm Phó chánh văn phòng không đúng quy định. Đảng ủy Học viện có 2 văn bản cho chủ trương thực hiện quy trình bổ nhiệm nhưng 2 văn bản này không thống nhất về chủ trương để thực hiện quy trình bổ nhiệm đối với bà Đào Thị Thu Hằng.
Các trường hợp ông Trần Hữu Hoan, ông Lê Thành Kiên, bà Bùi Thị Thu Hương đã hết thời hạn bổ nhiệm lại nhưng chậm xem xét bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại là không thực hiện quy định của pháp luật. Ông Lê Thành Kiên đã hết thời hạn bổ nhiệm từ tháng 3.2021 nhưng chưa được bổ nhiệm lại; Giám đốc Học viện không có thông báo để ông Lê Thành Kiên tiếp tục thực hiện chức trách nhiệm vụ khi hết thời hạn bổ nhiệm là không đúng quy định.
Khắc phục theo hướng đảm bảo quyền lợi cho người học
Theo Thanh tra Bộ GD-ĐT, để xảy ra các vi phạm là do lãnh đạo học viện đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, làm trái quy định của Đảng, Nhà nước; không thực hiện các kiến nghị của Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước và thông báo quyết toán hàng năm của Bộ GD-ĐT. Vì thế mà học viện đã để xảy ra nhiều hạn chế, thiếu sót, sai phạm trong các lĩnh vực về tổ chức bộ máy, nhân sự, quản lý tài chính, tài sản, mua sắm trang thiết bị và đầu tư xây dựng cơ bản, đào tạo, bồi dưỡng, khoa học và công nghệ, thực hiện các quy định về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Trong kết luận 88, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã kiến nghị thu hồi quyết định tuyển dụng, tiếp nhận và bổ nhiệm đối với 8 trường hợp gồm: Trần Thị Huyền, Phạm Ngọc Long, Phạm Lan Hương, Đặng Thị Thu Hương, Đặng Thị Minh Hiền, Hà Thanh Hương, Trình Thanh Hà, Đỗ Phú Hải. Xem xét, tuyển dụng lại đối với 8 trường hợp này để bảo đảm quyền lợi của nhân sự do trước khi được tuyển dụng về học viện, các nhân sự đã là viên chức của các đơn vị sự nghiệp công lập khác.
Thu hồi các quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó chánh văn phòng học viện đối với ông Kim Mạnh Tuấn và bà Đào Thị Thu Hằng.
Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng kiến nghị Vụ GD ĐH, Bộ GD-ĐT hướng dẫn học viện khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm tự chủ mở các ngành quản trị văn phòng, luật trình độ ĐH; hành vi vi phạm điều kiện duy trì ngành trình độ ĐH, trình độ thạc sĩ ngành công nghệ thông tin và tâm lý học lâm sàng trình độ thạc sĩ, theo hướng bảo đảm quyền lợi cho người học.
Đồng thời, tham mưu Bộ trưởng xem xét chủ trương về việc có hay không tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm chỉ tiêu đào tạo đại học tiến tới dừng tuyển sinh trình độ ĐH để tập trung vào nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng sau ĐH.
Bình luận (0)