Một buổi Trung tâm PTNNLCLC gặp mặt các học viên Đề án 922 trước khi nhập học - Ảnh: Quỳnh Giao |
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (PTNNLCLC) TP.Đà Nẵng, cho biết đề án đào tạo nhân tài (gọi tắt là Đề án 922) bắt đầu “ươm mầm” từ 2004, đến năm 2006 đặt thêm mục tiêu đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Đến nay, đề án đã đưa đi đào tạo 523 học viên bằng ngân sách và từ 2008 đã bắt đầu “hái quả”, bố trí 207 học viên (73 người trình độ sau đại học) tốt nghiệp về công tác ở các sở, ban, ngành.
Đặc biệt, học viên Đề án 922 du học được chi trả học phí cũng như hỗ trợ chi phí sinh hoạt trung bình từ 1.032 USD/tháng (học tại Úc) đến 1.200 USD/tháng (học tại Anh, Pháp, Mỹ, Nhật...). Ông Chiến nhẩm tính trung bình ngân sách chi trả các khoản học phí, sinh hoạt phí, vé máy bay, bảo hiểm... cho học viên ở nước ngoài từ 600 - 800 triệu đồng/người/năm. Con số này tính cho 299 học viên đã và đang du học thì số tiền đầu tư cho đào tạo nhân tài không phải nhỏ. Do đó, nếu học viên học xong không phục vụ TP.Đà Nẵng trong 7 năm (học viên ở nước ngoài) hoặc 5 năm (học viên trong nước) như cam kết thì sẽ đền bù gấp 5 lần số tiền mà ngân sách đã chi cho học viên đi học.
Hợp đồng là vậy, nhưng theo thống kê của Trung tâm PTNNLCLC, do rơi vào trường hợp bất khả kháng nên có 5 học viên xin rút khỏi đề án và được chấp nhận bồi thường chỉ gấp 2 lần chi phí (1 trường hợp chỉ bồi thường bằng số tiền đã chi). 12 học viên không đạt kết quả theo yêu cầu cũng chỉ bị buộc bồi thường 50% kinh phí.
Đã có 4 trường hợp chấp nhận bồi thường 2-5 lần để chọn một công việc làm ngoài TP. Tuy nhiên, đáng nói là có 6 trường hợp bỏ ngang công việc được TP.Đà Nẵng bố trí hoặc nghỉ học không rõ nguyên do, trong đó có 3 trường hợp đang đứng trước nguy cơ phải ra tòa.
Gia hạn 120 ngày
Ông Nguyễn Văn Chiến cho biết đáng tiếc nhất là một trường hợp cán bộ cấp phó phòng được đưa đi làm nghiên cứu sinh ở Úc. Học viên này được đánh giá trình độ chuyên môn giỏi nhưng Trung tâm PTNNLCLC bất ngờ được cơ sở đào tạo tại Úc thông báo: anh này có biểu hiện gian dối và bỏ ngang luận án, không báo cáo với giáo sư hướng dẫn. Hiện nay, TP không liên lạc được với anh này, nhờ đại sứ quán tìm kiếm nhưng không được, trong khi Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho hay visa anh này cũng hết hạn nhưng chưa thấy về nước trở lại làm việc.
Một học viên nữ được Đề án 922 cho học đại học trong nước, lấy bằng thạc sĩ tại Anh và bố trí công việc tại Sở Ngoại vụ TP.Đà Nẵng, nhưng tự ý nghỉ việc và trở lại Anh làm tiến sĩ.
Trường hợp thứ ba cũng là nữ, được Đề án 922 cho đào tạo thạc sĩ ở Anh, sau đó kết hôn với người nước ngoài và được TP.Đà Nẵng bố trí công việc tại Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội và Ban Quản lý khu công nghệ cao TP.Đà Nẵng. Nhưng chỉ sau một thời gian, cô này xin nghỉ phép với lý do cùng chồng về Anh giải quyết chuyện gia đình nhưng không trở lại.
Sau khi tìm đủ mọi cách kêu gọi học viên trở về bất thành, Trung tâm PTNNLCLC đang tổng hợp chi phí ăn học của các học viên để thông báo tới gia đình vào đầu tháng 8, đồng thời cho học viên, gia đình 120 ngày thanh toán chi phí do phá vỡ hợp đồng, nếu không sẽ khởi kiện. Theo ông Chiến, dù biết “vô phúc đáo tụng đình” nhưng trung tâm buộc phải làm, vì đây là trách nhiệm đồng thời cũng là việc phải làm nhằm giữ đúng cam kết, thỏa thuận giữa cơ quan quản lý và người tham gia đề án.
Tiền thuế của dân, phải lấy lại
Theo Trung tâm PTNNLCLC (cơ quan quản lý Đề án 922), trừ những trường hợp kết quả học tập không đạt yêu cầu, những học viên vi phạm hợp đồng bỏ học hoặc nghỉ công tác đều vì lý do cá nhân chứ không phải vì bất mãn trong bố trí công tác. Ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, cũng khẳng định các học viên bỏ đề án do chuyện cá nhân chứ chắc chắn không phải do bố trí công việc không thỏa đáng. “Trong các buổi báo cáo kết quả học tập, chúng tôi đã thảo luận rất thẳng thắn. Một số học viên đặt câu hỏi so sánh về điều kiện làm việc trong và ngoài nước nhưng đa số các học viên đều cho rằng nếu bỏ tiền túi ra đi học thì mới tính toán ở đâu lương cao và hậu hĩnh, còn đây là tiền nhân dân TP thắt lưng buộc bụng chịu khó chịu khổ nuôi mình ăn học thì không thể so sánh”, ông Tiếng chia sẻ.
Cũng theo ông Bùi Văn Tiếng, có nhiều trường hợp TP thông cảm vì gia cảnh, nhưng các học viên phải hiểu học phí của họ là từ tiền thuế người dân nên không thể không có chế tài. “Chuyện học viên bỏ đề án giữa chừng diễn ra kéo dài nên cần giải quyết dứt điểm, thực lòng không ai muốn làm việc này vì mong muốn lớn nhất vẫn là để các học viên về phục vụ TP, nhưng nếu không nghiêm thì đề án bị phá tan”, ông Tiếng nhấn mạnh.
Trung tâm PTNNLCLC thống kê trong năm 2013 đã “đòi nợ” nhân tài được 2,3 tỉ đồng và từ nay đến cuối năm còn phải thu 1 tỉ đồng nữa.
Nguyễn Tú
>> Người tài được tuyển dụng mới chiếm 10%
>> Hà Nội thu hút nhân tài bằng nhiều cơ chế
>> Tìm nhân tài hay tìm huy chương?
Bình luận (0)