Tìm nhân tài hay tìm huy chương?

12/04/2013 20:30 GMT+7

(TNO) Cuộc thi Tài năng đạo diễn trẻ sân khấu 2013 (diễn ra từ 22.4 đến 2.5 tại TP.HCM) liệu sẽ có gì thay đổi so với những liên hoan tương tự trước đây?

Sáng 12.4, Sở VH-TT-DL TP.HCM đã tổ chức họp báo về Cuộc thi Tài năng Đạo diễn trẻ Sân khấu 2013 do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở VH-TT-DL TP.HCM tổ chức.

Nhiều thay đổi

Thay đổi đầu tiên là tên gọi. Ban tổ chức đã dùng từ “cuộc thi” thay cho từ “liên hoan” thường dùng.

"Liên hoan" có tính chất giao lưu nhiều hơn, còn "cuộc thi" sẽ dành cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp thi thố tài năng với nhau trong các thể loại sân khấu.


Vở Số đào hoa của sân khấu Kịch Phú Nhuận sẽ tham dự cuộc thi  năm nay - Ảnh: H.K

Thay đổi thứ hai phải kể đến là Quy chế chấm thi và khen thưởng của cuộc thi sẽ có “Số lượng giải vàng không vượt quá 30% tổng số giải thưởng”.

Trong nhiều cuộc thi khác, chẳng hạn Văn học tuổi 20, hoặc Ngôi sao vọng cổ truyền hình, Bông lúa Vàng… ban tổ chức ghi rất rõ là 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba..., cho dù có bao nhiêu người, bao nhiêu đơn vị dự thi chăng nữa. Hi hữu lắm mới có giải trùng nhau. Cho nên những cuộc thi đó giá trị uy tín rất lớn.

Tuy nhiên, với "cuộc thi" mới toanh này, đưa ra một khung giải vàng có biên độ hình như quá chung chung và quá rộng rãi. Chưa kể giải bạc, giải đồng, khuyến khích. Nhìn lại, chỉ có 22 vở dự thi, coi chừng rinh giải gần hết. Lại “tình thương mến thương” với nhau, lại “mặt trận” với nhau cho xem.

Và ai cũng ngầm hiểu những huy chương đó dành để xét tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân. Hình như “cái lệ” mưa huy chương vẫn còn ẩn nấp đâu đó chứ chưa dám minh bạch hạn chế bằng một con số giải thưởng chính xác.

Liệu sẽ có một cơn mưa giải thưởng như những lần liên hoan trước?

Thay đổi thứ ba về mặt nội dung, cũng có chút vui mừng khi cuộc thi nhấn mạnh tiêu chí nghệ thuật của tác phẩm hơn là sự ăn khách.

Nhiều người cho rằng sân khấu đang chững lại, thậm chí đang khủng hoảng, chạy theo sinh hoạt, thị trường, không dám phá cách, đột phá. Cuộc thi này là để tìm kiếm thế hệ trẻ dù thế hệ đó đã 40, 45 tuổi. Có vẫn còn hơn không!

Còn đó lắm ưu tư

Không thể giấu sự ưu tư, bởi có đến hơn phân nửa số vở dự thi thuộc dạng xã hội hóa, phải bươn chải tìm đầu ra để hoàn vốn, liệu có dám phá cách để đạt huy chương rồi đem cất kho?

Khoảng cách giữa nghệ thuật và thị trường vẫn còn quá khắc nghiệt. Chắc rất khó khi tìm ra nhân tài dung hòa được nghệ thuật và doanh thu. Cuộc thi với mục đích rất tốt, nhưng đất phương Nam hầu hết không dám đùa với cơm áo thị trường, nên lo vẫn cứ lo.

Địa điểm tổ chức biểu diễn các vở dự thi cũng là một ưu tư. Các đơn vị tại TP.HCM đã có sẵn rạp thì sẽ biểu diễn tại rạp, không vấn đề gì. Nhưng các đơn vị từ xa đến chỉ có điểm diễn là Nhà hát Thế Giới Trẻ (Trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM) nhỏ bé, không đủ sức quảng bá.

Khán phòng 300 ghế, kê thêm ghế phụ là 350, nhưng dành cho Ban tổ chức, Ban Giám khảo, báo chí, nghệ sĩ đã 200 vé, còn lại khán giả vỏn vẹn 150. Chắc chắn là cuộc thi không thể xôn xao rầm rộ đúng tầm vóc của nó.

Khi thắc mắc tại sao không chọn một khán phòng lớn hơn, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM, trả lời: “Những liên hoan trước tại Huế hay Hà Nội khán giả ngồi không đầy rạp, dư luận chụp ảnh rồi kêu ca. Chúng tôi rút kinh nghiệm, bố trí khán phòng nhỏ để ấm cúng hơn. Nhất là những suất diễn vào 9 giờ sáng, rất lo không có ai đến xem”.

Suất 20 giờ dĩ nhiên sẽ đông hơn suất sáng. Và 150 ghế cho khán giả chắc chắn rất thiếu. Bởi đừng quên khán giả Sài Gòn khác với Huế hay Hà Nội. Họ mê sân khấu hơn, nhờ vậy các đơn vị xã hội hóa mới sáng đèn hằng tuần được.

Cách phát hành vé mời, nếu làm khéo hơn thì không lo thiếu khán giả. Đơn cử như đêm diễn nghệ thuật dân tộc Nhật Bản mới đây tại Nhà hát Bến Thành hơn 1.000 ghế đầy ắp sinh viên và người trẻ. Một món “khó nuốt” như vậy mà còn "cháy" vé, huống chi các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đang được khán giả biết tên biết mặt.

Ngày 22.4 khai mạc mà đến ngày 17.4 mới có vé, liệu đủ thời gian để vé tới tay người ái mộ? Chứ bỏ ra bạc tỉ mà chỉ 300 người xem thì quá ư lãng phí.

Cuộc thi có mục đích rất tốt, vì chúng ta cũng cần tìm kiếm nhân tài, nhưng thật sự còn khá nhiều khó khăn trong việc tổ chức. Nhưng vẫn hy vọng có thêm tiếng chuông để sân khấu sáng lên hơn nữa. Dẫu sao, còn hơn sự im lặng…

                                                                                                                Hoàng Kim

>> Mùa vắng của sân khấu thiếu nhi
>> Nghệ sĩ sân khấu vui xuân muộn
>> Người ngựa ngựa người" trên sân khấu mini
>> Những mối tình đẹp trên sân khấu
>> Sân khấu phía Bắc tưng bừng trẩy hội xuân
>> Phù thủy sân khấu
>> Kịch tết ở Sân khấu Hoàng Thái Thanh
>> Hội thi các nhóm ca khúc và sân khấu tỉnh Hậu Giang
>> Những tiết mục "có một không hai" trên sân khấu "Làn sóng xanh 2012
>> Khán giả đập phá sân khấu vì bị lừa
>> Đạo diễn sân khấu thời hậu Lê Hùng
>> Khai mạc liên hoan Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012
>> Thêm một sân khấu phục vụ du khách quốc tế
>> Sân khấu cũng... mua chung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.