Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay: Nhà thờ Tin Lành Sài Gòn

Đạo Tin Lành đã có mặt ở Sài Gòn từ thế kỷ 19. Jean Baptiste Chaigneau, một trong những người Pháp theo giúp Nguyễn Ánh là một tín đồ Tin Lành.

Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, ông Chaigneau được vua Gia Long trọng dụng và làm quan ở Huế, ông cũng là lãnh sự của Pháp ở Việt Nam. Đến thời vua Minh Mạng, ông không còn được tin cậy như trước do chính sách với nước ngoài của Minh Mạng khác hẳn với Gia Long. Ông và vợ (người Việt) cùng các con sau đó trở về Pháp. Bác sĩ Yersin, người tìm ra vi khuẩn bệnh dịch hạch và thiết lập Viện Pasteur ở Nha Trang cũng là một tín hữu đạo Tin Lành.

Chân trang.jpg

Nhà thờ Tin Lành Sài Gòn - Saigon Protestant Church, 155 Trần Hưng Đạo (góc đường Trần Hưng Đạo và Đề Thám) thập niên 1950 (trên) và ngày nay (dưới)

Trích từ trong sách

Sau khi Pháp chiếm Nam kỳ và đặt nền cai trị, một số người Pháp trong đó có các sĩ quan, công chức, thương gia qua Đông Dương làm việc, theo đạo Tin Lành (thuộc nhánh Huguenot theo tư tưởng của John Calvin) hoặc trong Hội Tam điểm. Nhà thờ Tin Lành đầu tiên ở Sài Gòn được xây dựng ở góc đường Boulevard Norodom (Lê Duẩn) và rue de Bangkok (Mạc Đĩnh Chi) do những người Pháp trong quân đội, hay công chức và thương gia theo đạo thiết lập.

[…] Mục sư người Canada, ông Robert Jaffray của Hội Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp, The Christian Missionary Alliance (CM&A), là người đã qua nhiều xứ ở Trung Quốc như Quảng Tây từ năm 1897 và Indonesia trước khi đến Việt Nam. Hội truyền giáo CM&A do mục sư A.B. Simpson thành lập trước đó. Ông Simpson là người Tin Lành từ Bắc Mỹ đến Việt Nam đầu tiên vào năm 1887. Năm 1911 là năm mà cơ sở Tin Lành của Hội Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp [Phúc âm có nghĩa là tin mừng hay tin lành, Good News] ở Đà Nẵng được thiết lập, đánh dấu bước đầu của đạo Tin Lành vào Việt Nam.

Ở vùng Sài Gòn và Chợ Lớn, mục sư Jaffray là người cho rằng cơ hội truyền giáo trong cộng đồng người Hoa dễ phát triển hơn nên ông đề nghị một mục sư người Hoa từ Trung Quốc, mục sư Châu Tỉnh Hồn (Chue Sing Wan) năm 1921 đến Chợ Lớn truyền đạo Tin Lành. Năm 1922, Hội Thánh người Hoa được thành lập với nhiều người theo đạo. Hội Thánh mua đất trên đường Nguyễn Trãi và xây dựng nhà thờ Tin Lành Nguyễn Trãi. Kế tiếp năm 1924 là sự thành lập Hội Thánh Bình Trị Đông của người Việt tại Sài Gòn ở làng Bình Trị Đông […]. Đây là chi hội xưa nhất của đạo Tin Lành người Việt ở vùng Sài Gòn và Chợ Lớn. Từ Sài Gòn, các mục sư hay các nhà truyền đạo đi xe đạp đến làng để giảng dạy. Ngày nay nhà thờ và cơ sở chi hội Bình Trị Đông ở số 758 Tỉnh lộ 10, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM. Năm 1927 cũng chứng kiến sự thành lập của giáo hội đại diện cho tất cả những người theo đạo Tin Lành từ Bắc, Trung và Nam kỳ gọi là Hội thánh Tin Lành Đông Pháp. Đến năm 1950 thì lấy tên là Hội thánh Tin Lành Việt Nam, tên gọi giáo hội cho đến ngày nay. Trong thập niên 1930, từ Hội thánh Bình Trị Đông, các tín hữu Tin Lành thành lập chi hội Long Trạch ở Cần Giuộc (Hội thánh Long Trạch) và chi hội Phước Lợi ở Gò Đen (Hội thánh Gò Đen). Kế tiếp là năm 1949, Hội thánh Bình Tây Xóm Củi được thành lập mà sau này được đổi tên thành chi hội Tuy Lý Vương cho đến ngày nay (thuộc quận 8). Và vào năm 1962, Hội thánh Bình Tiên ở khu vực Bình Tiên - Phú Lâm được thành lập.

Chi hội Sài Gòn được thành lập năm 1925 (một năm sau chi hội Bình Trị Đông). Sau khi di dời ở nhiều địa điểm khác nhau từ cơ sở mướn trên đường Phạm Ngũ Lão, Hàm Nghi gần trạm xe lửa và chợ Bến Thành đến tạm ở nhà thờ Tin Lành Nguyễn Trãi, Chợ Lớn, đến năm 1940 thì cơ sở ở số 155 Trần Hưng Đạo mới được khánh thành trên khu đất mua từ tiền quyên góp và của hội thánh.

Tờ Thời Thế ngày 2.12.1940 có đưa tin như sau:

"Lễ khánh thành nhà hội Tin Lành mới

Nhà thờ Đạo Tin Lành trước khi khánh thành

Sớm mai hôm qua, hội Tin Lành làm lễ khánh thành nhà hội mới ở đại lộ Galliéni Louvain rất long trọng.

Có nhiều nhà thân hào Tây, Nam đến dự".

Trước đó công cuộc xây cơ sở nhà thờ Tin Lành của chi hội thánh Sài Gòn bắt đầu từ khi Mục sư Lê Văn Quế, chủ nhiệm Nam hạt đăng lời kêu gọi trên báo Thánh Kinh (6.1936), các tín hữu trên toàn cõi Đông Pháp (Đông Dương) cầu nguyện cho Hội thánh Sài Gòn có đủ tiền mua đất và xây nhà thờ. Năm sau (1941) với tình hình căng thẳng lúc Nhật vào Đông Dương, toàn quyền Pháp chính thức công nhận Hội thánh Tin Lành được tự trị, tự lập, và được đổi danh hiệu Hội thánh Tin Lành Đông Pháp thành Hội thánh Tin Lành Việt Nam.

Trước năm 1975, nhà thờ Tin Lành ở đường Trần Hưng Đạo là trụ sở của Tổng liên hội Tin Lành miền Nam (trước 1954 là một bộ phận của Hội thánh Tin Lành Việt Nam). Sự phát triển của Hội thánh Sài Gòn được đánh dấu qua việc thành lập các chi hội trong thành phố với Hội thánh Nguyễn Tri Phương (1952), Hội thánh Khánh Hội (1954), Hội thánh Trương Minh Giảng (1957), Hội thánh Chánh Hưng (1958), Hội thánh Hòa Hưng (1958), Hội thánh Phạm Thế Hiển (1968), Hội thánh Thị Nghè (1969), Hội thánh Bình Đông (1972) và Hội thánh Ngô Gia Tự (1973).

Nhà thờ Tin Lành của Hội thánh Sài Gòn được xây lại lớn hơn vào năm 1970.

Ngày 25.10.1970, Hội thánh Sài Gòn làm lễ khánh thành cung hiến đền thờ mới cho Ba Ngôi Đức Chúa Trời (Trinity, tức Chúa thánh thần, Chúa cha và Chúa con). Đây là nhà thờ lớn uy nghi của Hội thánh Tin Lành Việt Nam ở Sài Gòn. Cũng như tất cả các nhà thờ Tin Lành khác, trên chính điện không có hình tượng nào mà chỉ có thánh giá. Trong tòa giảng có hồ Báp-tem. Vào những ngày lễ lớn như Phục sinh hay Giáng sinh nhà thờ có đông tín hữu kể cả người nước ngoài sống hay thăm thành phố cũng đến dự. (còn tiếp)

(Trích Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay; tác giả: Nguyễn Đức Hiệp - Tim Doling - Võ Chi Mai; Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.