Kiều bào khắp nơi đón tết Việt

07/02/2021 08:00 GMT+7

Đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đáng kể đến việc đón tết Việt, song kiều bào ở nhiều nơi trên thế giới vẫn chăm chút cho Tết Nguyên đán để con cái không quên nguồn cội.

Muôn kiểu đón tết thời dịch

“Rước tết về nhà chơi” là dòng trạng thái mới đây trên Facebook của cô Duong Pham, một người Việt ở Paris (Pháp). Kể từ rằm tháng chạp, cô Duong đã bắt đầu chuẩn bị cho Tết Tân Sửu, từ nấu bánh chưng, mua dưa món, củ kiệu đến trang trí nhà cửa, cắm mai, đào đón xuân. Cô Duong cho hay năm nay cô làm dịch vụ bán combo nguyên liệu và khuôn để khách tự gói bánh chưng tại nhà, và nấu thử bánh trước để cân đo gạo nếp, đậu xanh, lá... cho phù hợp.

Cầu mong dịch bệnh sớm chấm dứt để sang năm sẽ có nhiều gia đình, trong đó có gia đình tôi, được về quê hương đón tết. Không đâu
cho bằng quê nhà...

Ông Tôn Thất Hòa, tỉnh bang Ontario, Canada

Về khoản trang trí nhà cửa, cô Duong kể sau khi cô mua đào từ Việt Nam và trang trí cho có không khí tết, người quen bắt đầu í ới gọi điện thoại nhờ mua. “Tổng cộng tôi gom gần 300 cành đào Hà Nội cho bạn bè và khách quen trong dịp tết này”, cô Duong nói với Thanh Niên.

“Thời dịch, ai cũng nhúng tay làm mọi thứ. Nhân dịp này nhiều người phải xông vào bếp, và tự dưng phát hiện mình cũng khéo tay ra phết”, theo lời một kiều bào Việt tên Elizabeth Nguyen ở miền quê Canada. Năm nay không về Việt Nam được vì Covid-19, gia đình cô bắt đầu ăn tết sớm hơn mọi năm. Mâm cơm tết của gia đình cô có bánh chưng, giò lụa, cải chua, đơn sơ vậy thôi để đỡ nhớ nhà.

Chia sẻ với Thanh Niên, chị Hồ Bích Hợp, hiện sống tại Đức, cho hay nơi chị sinh sống ít người Việt nên rất khó tìm mua những món đồ Việt Nam để ăn tết. “Hợp định nấu mấy món Việt Nam như thịt kho trứng, khổ qua nhồi thịt và đặt bánh chưng, bánh tét ăn tết”, chị Hợp cho biết và nói thêm nơi chị ở hiện không được ra khỏi nhà sau 22 giờ do quy định phòng chống Covid-19.

Chị Ngân, hiện sống tại TP.Good Year (bang Arizona, Mỹ), chia sẻ rằng cũng như mọi năm, chị sẽ đón tết ở chùa. “Năm nay có khác là mọi người đeo khẩu trang, khử khuẩn tay và giữ khoảng cách. Nhưng có lẽ năm nay sẽ không đông người đến dự lễ như năm ngoái”, chị chia sẻ với Thanh Niên khi đang trang trí không gian tết tại chùa.

Theo chị Mai Lan, sống ở TP.Bel Air (bang Maryland, Mỹ), tết trùng vào các ngày làm việc nên chị vẫn đi làm. Ngày mùng 3 tết rơi vào chủ nhật nên chị và bạn bè dự tính tổ chức nấu các món ăn Việt, mặc áo dài chúc tết nhau.

Khi được hỏi chuyện ăn tết năm nay, y tá Joe Tran ở bang Montana (Mỹ) ước muốn: “Ráng sống bình an không mắc Covid-19 là mừng rồi. Hy vọng năm sau dịch lui có thể về hưởng cái tết ở quê hương”.

Ở TP.Sydney (Úc), chị Nancy Tran, một giáo viên mẫu giáo, cho biết chị có kế hoạch ở nhà xem phim và tự nấu ăn cùng bạn trai để đón tết. “Hiện chính quyền cấm tụ tập trên 5 người nên chúng tôi cũng khó có thể mời bạn bè đến chung vui đón giao thừa như mọi khi”, chị Tran kể. Theo chị Tran, những sự kiện như đường hoa Tết âm lịch của người gốc Việt hằng năm có khả năng bị hủy hoặc giảm quy mô.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Như Lan, ở TP.Melbourne (Úc), cho hay năm nay do dịch bệnh nên vùng chị ở không tổ chức hội chợ tết Việt như mọi năm.

Chị Đào Thúy, sống tại TP.Daejeon (Hàn Quốc) chia sẻ với Thanh Niên rằng do giới chức Hàn Quốc quy định cấm tụ tập quá 5 người nhằm đề phòng lây nhiễm Covid-19 nên việc gặp mặt bạn bè để ăn tết sẽ khó khăn. “Nếu buồn quá chắc phải... trốn lên núi hoặc tìm chỗ nào vắng vắng chụp ảnh chứ ở nhà riết cũng não nề”, chị Thúy nói.

“Năm qua là một năm buồn. Tôi chỉ hy vọng sớm thoát khỏi tình cảnh này và mong rằng mọi thứ sẽ tốt lên”, anh Phạm Bá Điền, sang Hàn Quốc từ cuối năm 2017 và hiện sống tại TP.Gwangju, nói.

Kiều bào khắp nơi đón tết Việt

Người thân và bạn bè chị Mai Lan sống ở TP.Bel Air (bang Maryland, Mỹ) ăn tất niên ở nhà chị

Ảnh: Donlan Le

Đi chợ Việt thỏa nỗi nhớ nhà

Chị Nguyen Mai ở TP.Santa Rosa (bang California, Mỹ) cho hay chị vừa lên TP.San Jose cách đó khoảng 2 giờ lái xe để đi một loạt chợ Việt. Theo chị Mai, các chợ Việt ở San Jose có đầy đủ các mặt hàng giống ở Việt Nam như kẹo mứt, bánh chưng, dưa món, thiệp xuân, bao lì xì... Không khí mua sắm tại các chợ Việt ở San Jose như Grand Century Mall, Lion Market... năm nay có phần kém xôm tụ hơn so với các năm trước do tình hình dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp ở bang California. Chị kể thêm đại gia đình nhà chị hằng năm dịp tết đều tụ họp tại nhà một người thân để cùng đón tết, song năm nay vì dịch nên nhà ai ăn tết nhà nấy.

Chị T.N ở quận Cam (bang California) cho hay mọi năm thời điểm này chị đã có mặt ở Việt Nam ăn tết, song năm nay do tình hình dịch bệnh, chị ăn tết tại Mỹ. Để thỏa nỗi nhớ nhà, chị T.N đi chợ hoa tết trong khu thương xá Phước Lộc Thọ ở quận Cam. Theo chị, chợ hoa tết ở đây buổi sáng có phần vắng khách hơn buổi chiều. Ở đây cũng không thiếu các mặt hàng dùng trong dịp tết. Chị nói thêm năm nay không có hội chợ, không có các cuộc diễu hành và các chùa trong vùng cũng không tổ chức lễ hội đón năm mới như thường lệ. Năm nay, nhiều người bạn của chị ở các tiểu bang khác tụ tập về nhà chị để cùng nấu bánh tét và đi chợ xuân.

Tiếp nối truyền thống gia đình

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, ông Tôn Thất Hòa (43 tuổi), chuyên viên tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh tại Trường trung học Erindale ở TP.Mississauga (tỉnh bang Ontario, Canada) chia sẻ: “Trước đại dịch, các gia đình, như gia đình tôi chẳng hạn, vẫn duy trì truyền thống gói bánh chưng, bánh tét, nấu món ăn Việt Nam như thịt kho, chả giò... và cũng lì xì cho hai con nhỏ”. Ông nói thêm rằng đến đêm giao thừa theo giờ Việt Nam, hai vợ chồng ông cùng hai con thường gọi điện về cho hai gia đình lớn tại Việt Nam để chúc tết cha mẹ, ông bà. “Nói chung, các truyền thống tết của cha ông vẫn được duy trì và truyền lại cho thế hệ kế tiếp. Tôi nghĩ các gia đình Việt Nam khác ở Canada nói riêng và trên toàn thế giới nói chung đều như vậy”, ông Hòa cho hay.

“Theo tôi, truyền thống tốt đẹp như đón Tết Nguyên đán cần được giữ gìn và lưu truyền trong mỗi gia đình người Việt. Đi đâu, ở đâu thì quê hương vẫn là nơi để nhớ, là cội nguồn, là nơi chôn nhau cắt rốn, không thể quên được. Cầu mong mọi người, mọi nhà năm mới bình an, sức khỏe, thịnh vượng. Cầu mong dịch bệnh sớm chấm dứt để sang năm sẽ có nhiều gia đình, trong đó có gia đình tôi, được về quê hương đón tết. Không đâu bằng quê nhà...”, ông Hòa chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.