Dịp này, Thanh Niên tìm gặp và giới thiệu một số trí thức, doanh nhân người Việt ở nước ngoài trở về đóng góp cho quê hương, đất nước.
Phải thật có duyên mới gặp được ông Trần Văn Đôn (Việt kiều Mỹ), người sáng lập và điều hành Công ty sản xuất dịch vụ công nghệ bán dẫn toàn cầu VN (GES) ở TP.HCM ngay lần hẹn đầu. Bởi ngoài trụ sở chính ở Mỹ, GES có nhiều văn phòng khắp thế giới nên ông Đôn thường phải di chuyển đến nhiều nước. Thi thoảng ông mới về VN vài ngày và hầu như “đóng đô” tại công ty trong Khu công nghệ cao TP.HCM (Q.9).
tin liên quan
Đằng sau đồng USD Việt kiều Mỹ gửi về - Kỳ cuối: Đừng mơ lãnh tiền trợ cấpNhiều người bên nhà vẫn bảo, ở Việt Nam, sếp là trời, nói một là một, hai là hai, nhân viên răm rắp nghe theo. Còn ở Mỹ thì sếp và nhân viên ngang hàng, mặc sức tranh cãi.
Làm việc cho NASA
Ông Đôn quê gốc ở Sài Gòn. Năm 1979, khi 16 tuổi, cả gia đình ông sang Mỹ, sinh sống ở bang California. Hồi tưởng quá khứ, ông Đôn miêu tả đó là những tháng ngày gian khổ. Ba mẹ già yếu sống bằng trợ cấp an sinh, còn ông phải làm đủ thứ nghề từ bồi bàn, bán báo… miễn là có tiền để mưu sinh và lo liệu chuyện học hành.
Sau khi lấy bằng đại học bang San Jose và bằng M.B.A. (Đại học Pepperdine), ông đầu quân cho một số tập đoàn về công nghệ thông tin ở Mỹ. Ông cũng có bốn năm làm việc tại Cơ quan Hàng không và vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), tham gia phát triển mô phỏng chuyến bay và nghiên cứu hàng không bao gồm các dự án tàu con thoi. Trước khi thành lập GES vào năm 2006, ông là phó tổng giám đốc một tập đoàn công nghệ thông tin lớn ở Mỹ. Tuy nhiên, GES không phải là công ty đầu tiên của ông Đôn. Trước đó, ông đã sáng lập 2 công ty, trong đó một công ty được tập đoàn lớn của Mỹ mua lại.
tin liên quan
Lấy chồng Việt kiều Mỹ, cô dâu bỏ mạng và tan tành 'giấc mơ Mỹ'Tưởng lấy được chồng ở Mỹ và có cuộc sống tốt hơn, nhưng không ngờ người phụ nữ Việt cùng đứa con gái 11 tuổi bị chồng bắn chết và người chồng ấy cũng tự sát ngay sau đó.
“39 tuổi để lập công ty riêng được coi là muộn ở Mỹ. Nhưng tôi muốn lập công ty riêng để xây dựng ý tưởng mang lại lợi ích cho thị trường công nghệ. Tôi cũng muốn làm cái gì đó cho riêng mình vì trước đó có nhiều kinh nghiệm khi làm việc cho các tập đoàn lớn”, ông Đôn chia sẻ.
Ông Đôn chọn thung lũng Silicon Valley (Mỹ) để đặt đại bản doanh của GES. Ngoài trụ sở chính này, GES còn có văn phòng, nhà máy sản xuất tại Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, VN. Ông lý giải việc chọn thung lũng Silicon Valley để đặt đại bản doanh là điều bắt buộc đối với công ty công nghệ có tham vọng. Còn việc chọn Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc để lập văn phòng là bởi ba nơi này có nhiều nhân lực kỹ thuật cao và là thị trường tiêu thụ tiềm năng.
Đến nay, sau 10 năm phát triển, nhân sự của GES có hơn 600 kỹ sư sản xuất công nghệ bán dẫn ở trình độ cao. “Vì lý do bảo mật nên tôi không thể tiết lộ khách hàng được. Chỉ biết rằng khách hàng của GES là những tập đoàn lớn nhất thế giới”, ông Đôn nói.
Hạnh phúc là đóng góp cho quê hương
Một thị trường quan trọng mà ông Đôn muốn nhắm tới chính là VN. Theo ông Đôn, cách đây 10 năm kinh tế tăng trưởng nhanh cùng với dân số trẻ nên nhiều người Việt chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn để sở hữu sản phẩm công nghệ đắt tiền. Quan trọng hơn, thời điểm đó nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào VN nhưng không tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tuyển nhân sự công nghệ thông tin nhưng bố trí làm việc không đúng với trình độ chuyên môn đào tạo. Trong khi đó lĩnh vực công nghệ cao là lợi thế của GES.
“Nhiều người cứ nghĩ VN có lợi thế là tiền thuê đất và nhân công rẻ hấp dẫn nhà đầu tư. Thực ra điều đó không đúng, nếu chỉ vì hai cái đó nhà đầu tư sẽ chọn những nước khác chứ không phải VN. Lợi thế của VN chính là nhân lực trình độ cao, dù phần lớn nhân sự doanh nghiệp phải đào tạo lại. Quan trọng hơn mình được trở về quê hương, tạo công ăn việc làm cho người ở quê cũng là niềm hạnh phúc”, ông Đôn khẳng định.
Với quyết tâm như vậy, ban đầu văn phòng GES chỉ với 5 nhân viên vừa giao dịch, bảo hành, tìm đối tác nằm ở Q.3, đến nay phát triển tới hơn 250 kỹ sư kỹ thuật cao, cạnh tranh với các thương hiệu lớn nằm trong Khu công nghệ cao TP như Intel, Nidec... Điều khiến ông Đôn hài lòng là hiện ngoài tổng giám đốc người nước ngoài, toàn bộ nhân sự kỹ thuật cao của GES VN đều là người trong nước. Bên cạnh đó, theo ông Đôn, điều quan trọng là GES đóng góp cho chuỗi cung ứng công nghệ cao trong nước ngày càng tăng trưởng.
Chỉ vào chiếc xe lăn để trong phòng làm việc, người sáng lập GES cho hay đây là một trong số hàng trăm chiếc xe mà nhân viên công ty áp dụng công nghệ hiện đại thiết kế, chế tạo để tặng trong những lần từ thiện xã hội mà công ty tổ chức. “Sự đóng góp cho xã hội không cần phải bằng tiền, mà điều ý nghĩa là sử dụng kỹ thuật, công nghệ của công ty để giúp ích cho đời”, ông Đôn nói và cho biết năm tới GES sẽ chế tạo thiết bị lọc nước sạch bằng năng lượng mặt trời để tặng cho người nghèo.
Liên kết các công ty Việt
Với mong muốn thúc đẩy ngành công nghệ cao tại VN, từ năm 2006 ông Đôn góp tài chính và tham gia Ban Cố vấn SAVVi. Đây là liên minh chiến lược doanh nghiệp mạo hiểm VN toàn cầu, được lập bởi nhóm các nhà kinh doanh và trí thức Việt kiều Mỹ muốn hỗ trợ doanh nhân Việt ở Silicon Valley xây dựng các công ty công nghệ thành công. Khát vọng của SAVVi là kết nối các doanh nhân Việt với nhau, gia tăng sức mạnh cạnh tranh trên toàn cầu, đồng thời kết nối các nhà đầu tư công nghệ với VN.
|
Bình luận (0)