Bộ Tuyển tập tác phẩm Kiều Thanh Quế mới được Nhà xuất bản ĐHQG TP.HCM cho ra mắt bạn đọc đã đưa nhà phê bình văn học Kiều Thanh Quế trở lại văn đàn hôm nay. Hai tập sách do PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn (nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học) và PGS.TS Phan Mạnh Hùng biên soạn. Trước đó 12 năm, tuyển tập khảo cứu phê bình của Kiều Thanh Quế có tên gọi Cuộc tiến hóa Văn học Việt Nam cũng do hai nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn và Phan Mạnh Hùng biên soạn đã ra đời (NXBThanh Niên, 2009).
Tuyển tập lần này được chia làm 3 phần. Phần 1: Nghiên cứu – phê bình và dịch thuật, gồm 44 tiểu luận, khảo luận, bình luận, phê bình, giới thiệu, đọc sách và trao đổi ý kiến. Dù đây chưa phải con số đầy đủ vì còn nhiều bài viết khác nằm ngoài tuyển tập, song đã làm nổi bật cá tính phê bình của Kiều Thanh Quế. Đó là loạt bài làm xôn xao giới phê bình văn học thời bấy giờ được đăng trên tờ báo Mai do Đào Trinh Nhất làm chủ bút như Bỉ vỏ của Nguyên Hồng; Làm đĩ, Thanh niên S.O.S, Người đàn bà trần truồng và quan niệm tình dục trong văn chương Việt Nam; Trở vỏ lửa ra Phan Khôi hay là Trả Phan Khôi lại địa hạt của Phan Khôi; Trở lại vụ án đạo văn – Thoát ly, Ngược dòng... Tiếp đó là những loạt bài phê bình trên Tạp chí Tri Tân những năm sau.
Phần 2: Chuyên luận và biên khảo, gồm công trình nghiên cứu, khảo cứu, chuyên khảo, dịch thuật, tổng thuật: Ba mươi năm văn học (1942), Phê bình văn học (1942), Một ngày của Tolstoi (1942), Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam (1943), Đàn bà và nhà văn (1943), Học thuyết Freud (biên khảo, 1943), Thi hào Tagore (biên khảo, 1943). Trong đó, Một ngày của Tolstoi (1942) mới được hai nhà nghiên cứu phát hiện và bổ sung ở lần xuất bản này.
Phần 3: Sáng tác văn xuôi, bao gồm các tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện ký và dịch tác phẩm: Hai mươi tuổi (1940), Đứa con của tội ác (1941), Nam-mô A-di-đà Phật (1941), Đầu tráng sĩ, Lòng hối hận, Ngôi mả hoang (1942), Hoa mai (1942), Mùa thu với cuộc đời (1944). Trừ Ngôi mả hoang (1942) và Mùa thu với cuộc đời (1944), những nội dung còn lại của sáng tác văn xuôi trong bộ sách tuyển tập năm 2009 chưa có.
Hai cuốn tiểu thuyết Hai mươi tuổi (NXB Đức Lưu Phương, 1940) và Đứa con của tội ác (NXB Mai Lĩnh, 1941) đã bộc rõ quan điểm xã hội của tác giả. Thống kê của Phan Mạnh Hùng cho biết, toàn bộ hai quyển tiểu thuyết có tới 27 chỗ bị cắt bỏ do kiểm duyệt, có nơi cắt tới hai trang sách, có lẽ do tác giả viết khá mạnh bạo về chuyện luyến ái.
|
Nhà phê bình – Nhà văn Kiều Thanh Quế (1914-1948), quê ở làng Hắc Lăng (nay là xã Tam An), huyện Long Đất, thị xã Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngoài tên riêng, ông sử dụng nhiều bút danh như Mộc Khuê, Tô Kiều Phương, Quế Lang, Nguyễn Văn Hai. Bước vào làng văn, dù cả sáng tác nhưng ông nổi bật hơn cả trên lĩnh vực phê bình văn học. Kiều Thanh Quế dõi theo những bước đi của nền văn học và có nhiều đóng góp xuất sắc cho nền phê bình non trẻ nửa đầu thế kỷ 20. Từ nền văn học kiểu cũ, sử dụng chữ Hán và tư duy của nền văn chương khoa cử, khi quá độ sang nền văn học kiểu mới, chữ Quốcngữ dần thay thế chữ Hán; người Pháp mang theo văn hóa phương Tây và báo chí, nhà xuất bản hoạt động khiến quá trình hiện đại hóa văn học đầu thế kỷ 20 trở nên sôi động.
Tuyển tập tác phẩm Kiều Thanh Quế đã cho thấy đúng như nhà nghiên cứu Bằng Giang đánh giá: Kiều Thanh Quế là một trong số ít các cây bút nghiên cứu, phê bình của Nam bộ có công đối với sự phát triển của phê bình văn học Việt Nam đầu thế kỷ 20 và đến nay vẫn cần được khám phá thêm.
Theo PGS.TS Phan Mạnh Hùng thì: “Những trang viết của Kiều Thanh Quế cho thấy rằng nhiệm vụ của người làm phê bình văn học là chú ý đến các sự kiện trong đời sống văn học và cố gắng tác động, thúc đẩy cho văn học phát triển. Việc các nhà phê bình văn học như Kiều Thanh Quế thời bấy giờ chờ đón và vui mừng giới thiệu những đứa con tinh thần của nhà văn trên báo chí, chú ý tổng kết từng phong trào, từng thời kỳ văn học, từng năm, qua bước chuyển của đời sống văn học buộc những ai làm văn hóa, văn học hôm nay đáng phải suy nghĩ”.
Bình luận (0)