Thư viện số Pháp - Việt chia sẻ tư liệu Đông Dương

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
15/03/2021 06:21 GMT+7

Thư viện số Pháp - Việt là thư viện số thứ năm để chia sẻ di sản tư liệu của Thư viện Quốc gia Pháp, chứa nhiều tài liệu quý hiếm về Đông Dương.

Nhìn lại giao thoa văn hóa Pháp - Việt

Ra đời từ sự hợp tác giữa Thư viện Quốc gia Pháp (BnF) và Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện số Pháp - Việt Nam ghi lại sự giao thoa văn hóa, lịch sử, thuộc địa và khoa học giữa hai nước từ thế kỷ 17 - 20. Thư viện có hơn 2.000 tài liệu tiêu biểu, từ kho của hai bên và các đối tác, tại https://heritage.bnf.fr/france-vietnam. Đây là thư viện số thứ năm thuộc bộ sưu tập Chia sẻ di sản trực tuyến của BnF với kho tài liệu đa dạng gồm các bản in, bản thảo, bản đồ, bản vẽ và ảnh. Trang có thể truy cập bằng tiếng Pháp và tiếng Việt.
Bà Kiều Thúy Nga, Giám đốc Thư viện quốc gia, cho biết trên trang là những tài liệu quý hiếm của Việt Nam và Pháp đã được số hóa và có chỉ báo để công chúng biết chúng đang được lưu giữ ở đâu. “Phía Việt Nam góp các tài liệu thời Đông Dương bằng tiếng Việt và đã hết hạn bản quyền. Đó chủ yếu là các tài liệu liên quan đến văn hóa truyền thống, văn hóa nghệ thuật. Phía Pháp cũng mở kho nhiều tài liệu. Cái quý nhất là tài liệu về Đông Dương không phải thư viện nào cũng có”, bà Nga nói. Về lâu dài, có thể có bổ sung tư liệu liên tục cho trang này.
Đặc biệt, theo Đại sứ quán Pháp, thư viện trực tuyến lưu trữ nhiều tư liệu quý giá, gồm cả văn bản hành chính nhà nước và văn bản từ các tổ chức xã hội dân sự. Tất cả được các thủ thư của Thư viện Quốc gia Pháp là Christiane Rageau, Denis Gazquez, Lê Thị Ngọc Anh và Thérèse Ehling, J-C Poitelon và Nguyễn Tất Đắc phân loại rõ ràng.
Hiện trang có 8 thư mục lớn, gồm các mục: lưu chuyển, truyền thống, tư tưởng, văn học, chuyển giao văn hóa, triều đại và chính quyền, khoa học và xã hội, đời sống kinh tế. Mỗi thư mục lớn lại chia thành các tiểu mục. Chẳng hạn, mục truyền thống gồm 3 tiểu mục: phong tục, kỹ nghệ và nghệ thuật truyền thống. Mục phong tục có các tư liệu về hát ả đào, nghề thủ công, gia lễ...

Một số tư liệu của thư viện trực tuyến Pháp - Việt

Ảnh: Chụp màn hình

Soi chiếu truyền thống

Thông tin từ Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết: “Ngoài các nguồn tài liệu, khoảng 20 văn bản chưa từng được xuất bản do các chuyên gia, nhà nghiên cứu và giám tuyển, là người Pháp và người Việt soạn thảo, làm sáng tỏ và ngữ cảnh hóa các tài liệu được trình bày”.
GS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn hóa dân gian Việt Nam, là một trong những nhà khoa học được mời viết bài tổng thuật để đăng trên trang thư viện số tại địa chỉ https://heritage.bnf.fr/france-vietnam. Nội dung bài viết xoáy quanh chủ đề nhìn lại về truyền thống. “Phía thư viện liên lạc với tôi. Họ muốn đặt bài về truyền thống, nhưng là một truyền thống động. Đó là một truyền thống Việt đã thay đổi, tiếp nhận thêm và có những thay đổi khi người Pháp vào Việt Nam. Nghĩa là một cái nhìn văn hóa rất linh hoạt”, GS Lê Hồng Lý nhớ lại.
Với cái nhìn động như ông Lý đề cập, công chúng có thể hình dung được quá trình văn hóa Pháp hòa dần vào văn hóa Việt ra sao, được tiếp thu thế nào, dẫn đến thay đổi văn hóa Việt đến đâu. Chẳng hạn, có thể nhận thấy dần sự thay đổi đó qua tục nhuộm răng đen của người Việt. Thoạt tiên, lớp trẻ không nhuộm răng đen như trước liền bị chê “răng trắng nhởn như răng lợn luộc”. Việc cắt tóc kiểu phương Tây mà không búi tóc, việc mặc sơ mi, quần âu của thanh niên đô thị bị coi là “học đòi, mất gốc”. Tuy vậy, ảnh hưởng lối sống phương Tây dần dần được chấp nhận, được các trí thức tiếp thu và phổ biến qua báo chí và văn học đầu thế kỷ 20 trên các báo Nam Phong, Tri Tân hay qua phong trào Thơ Mới, Tự Lực văn đoàn...
Tại mục tư liệu truyền thống, người đọc cũng có thể tìm thấy những tư liệu đặc biệt để đối chiếu với hiện tại. Nhờ đó, có thể thấy nhiều hiện tượng truyền thống đã trải qua sự thay đổi, cũng như nhiều hiện tượng văn hóa truyền thống vẫn tồn tại và được khôi phục mạnh mẽ. Chẳng hạn, chúng ta có những ghi chép và mô tả dân tộc học chi tiết quý giá về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghề thủ công... của G.Dumoutier, Henry Oger, Pierre Gourou, Nguyễn Văn Huyên, Đào Duy Anh, Phan Kế Bính, Hoàng Đạo Thúy...
GS Lê Hồng Lý cho biết các tư liệu thời Đông Dương này góp phần xây dựng cơ sở để phục hồi truyền thống. Chẳng hạn, chúng ta đã phải trải qua những gián đoạn trong tổ chức lễ hội suốt nhiều năm. Tới những năm 1990, hoạt động lễ hội bắt đầu được khôi phục song có một số lễ hội khó tổ chức vì bị quên lãng, không được thực hành thường xuyên, những người già từng trải nghiệm thì đã qua đời. Khi đó, tài liệu ghi chép của người Pháp và những người Việt thời Pháp thuộc đóng vai trò quan trọng trong công tác phục hồi lễ hội. Điển hình là tài liệu của các học giả Nguyễn Văn Huyên và Dumoutier về hội Gióng ở Gia Lâm, Hà Nội hay sau này là tài liệu của ông Cao Huy Đỉnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.