Kính chào ngày khai trường!

04/09/2015 07:00 GMT+7

Bạn biết đấy, tôi phải đợi đúng 40 năm mới được reo lên câu chào mừng ngày khai trường năm học 2015 - 2016 này sau khi nghe lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) quyết định cho các trường trên cả nước thống nhất làm lễ vào ngày 5.9.2015 tới đây.

Bạn biết đấy, tôi phải đợi đúng 40 năm mới được reo lên câu chào mừng ngày khai trường năm học 2015 - 2016 này sau khi nghe lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) quyết định cho các trường trên cả nước thống nhất làm lễ vào ngày 5.9.2015 tới đây. Mà không riêng gì tôi, đông đảo nhà giáo và phụ huynh trên cả nước cũng đều reo lên vui mừng khi cả nước thực hiện lễ khai trường thống nhất một ngày, một giờ như vậy.

Kính chào ngày khai trường!Minh họa: DAD
Trong cuộc họp với các cán bộ lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo ngày 12.8.2015 vừa qua tại Hà Nội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo toàn ngành cần phải đổi mới cách làm lễ khai trường cho năm học mới 2015-2016 này. Là một nhà giáo có trên 45 năm dạy học và cũng là một phụ huynh bình thường, tôi thật sự vui sướng khi nghe được những phát biểu chỉ đạo - đúng ra là yêu cầu ngành giáo dục phải thực hiện.
Trong 40 năm qua, ngành giáo dục đã tiến hành những ngày lễ khai trường không theo một chương pháp, quy luật nào hết; nặng nề đến độ học sinh phải ngán ngẩm. Chương trình học đã thống nhất nhưng ngày khai trường lại diễn ra vào các ngày khác nhau ở các nơi, thậm chí có trường khai giảng vào... đầu tháng 10. Tất cả chỉ nhằm... chờ đón vị lãnh đạo tỉnh, thành, huyện, quận cao nhất đến trường “xông đất”. Dưới cái nắng cuối hạ đầu thu, học sinh mồ hôi nhễ nhại, cứ phải ngồi chờ lãnh đạo đến rồi mới làm lễ. Về hình thức, như vậy đã hơi bị bết bát!
Buổi lễ diễn ra lại quá dài dòng với nhiều bài diễn văn của hiệu trưởng, lãnh đạo ngành, lãnh đạo địa phương, đại diện phụ huynh học sinh… Tôi đã được hân hạnh dự một buổi lễ khai trường kéo dài 2 tiếng đồng hồ; trong đó ông hội trưởng phụ huynh học sinh “giảng” một bài tràng giang đại hải về đạo đức khiến cả giáo viên và học sinh phải nín thở qua sông. Học sinh không hiểu gì về những bài diễn văn xa lạ ấy, hoặc có hiểu thì cũng lờ mờ. Đầu năm đầu tháng mà chơi một bài như vậy khiến buổi lễ trở nên nặng nề. Về nội dung thì không đáp ứng được mục đích tạo khí thế, niềm vui cho học sinh vào năm học mới.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành giáo dục và đào tạo phải thống nhất ngày làm lễ khai trường trên cả nước. Buổi lễ phải được bắt đầu trong không khí mát mẻ buổi sáng, đúng giờ với nghi thức chào cờ, cử Quốc ca và đọc thư thăm hỏi gửi học sinh và các nhà giáo của Chủ tịch nước. Tôi hiểu ý này là đúng giờ thì làm lễ; vị lãnh đạo nào tới trễ thì dự tiếp chứ đừng bắt học sinh phải chờ đợi lãnh đạo. Hiệu trưởng nhà trường chỉ đọc một bài diễn văn ngắn khuyến khích học sinh học tập và rèn luyện chăm ngoan. Buổi lễ diễn ra thật ngắn gọn, sau đó là phần hội tạo không khí vui tươi phấn khởi cho thầy cô và học trò tiến thẳng vào năm học mới. Buổi lễ phải phục vụ thiết thực cho học sinh chứ không phải là cơ hội phô trương các thành tích của nhà trường; lại không phải chỉ nhằm đón lãnh đạo đến trường.
Tôi đi dạy nhiều năm, cũng được mời tham dự nhiều lễ khai trường và thật sự quá ngán ngẩm với cách làm lễ lề mề, dài dòng của ngành ta trong suốt 40 năm qua. Những cách khai trường như vậy trở thành những lần trừng phạt đối với học sinh, kể cả các nhà giáo và quan khách tham dự. Điều quan trọng nhất là nó chẳng để lại chút cảm xúc nào cho học sinh khi bước vào năm học mới. Nó phá hỏng tâm thức phấn khởi, vui tươi, hào hứng được gặp lại nhau trong ngày đầu năm học.
Mà lạ nhỉ, bao nhiêu thế hệ lãnh đạo ngành giáo dục trong suốt 40 năm sao chẳng nghĩ ra cách đổi mới để tiến hành một buổi lễ khai trường, cứ thản nhiên đi theo lối mòn của “công thức” đã có? Tại sao kế hoạch giảng dạy đã được thống nhất trên cả nước mà ngành ta không nghĩ ra cách thống nhất lễ khai trường? Đáng lẽ người làm công tác giáo dục đào tạo phải sáng tạo ra cái mới chứ? Ta chỉ có thể nói rằng người làm công tác giáo dục đào tạo quá bảo thủ và có vẻ dị ứng với cái mới đợi khi Phó thủ tướng chỉ đạo thì mới làm mặc dù chuyện đó nằm trong tầm tay của ngành. Bây giờ thì có lẽ ngành ta đã hiểu ra rằng làm một lễ khai trường thống nhất, gọn nhẹ, vui tươi cũng là một trong nhiều nội hàm của cải cách giáo dục!
Tôi nhớ lại những ngày xa xưa, khi mình còn học tiểu học và trung học. Trong suốt 12 năm đó của đời người, bao giờ tôi cũng nôn nao, cảm xúc khó tả, mong đến ngày lễ khai trường. Tôi sẽ mặc bộ áo quần tươm tất nhất, đi đôi dép hay đôi giày đẹp nhất; tay cầm vài ba quyển tập mới bao và dán nhãn, nhanh chân đến trường để được gặp mặt bạn bè tôi. Chuyện đơn giản là chúng tôi xa nhau đúng 3 tháng nghỉ hè. Cái thời ấy chiến tranh loạn lạc, con người dễ xa nhau, mất nhau đôi khi chỉ vì một lý do không đâu nên tình bạn càng thêm cảm động. Buổi lễ khai trường diễn ra trong vòng 15 phút rồi học sinh vào nhận lớp. Ngày đầu tiên có thể không học hành gì cả; thầy cô hướng dẫn chỉ cho lớp chép thời khóa biểu và sắp đặt chỗ ngồi. Anh chị nào to đầu, tốt tướng ra ngồi sau; những thằng thấp bé, nhẹ cân cỡ tôi được lên ngồi bàn trước.
Ngày ấy không có văn nghệ, cũng chẳng có tặng hoa. Thế nhưng, những đứa trẻ xa nhau đúng 3 tháng hè có lắm chuyện để hỏi, để kể, để nói, thậm chí để khoe. Thầy cô lên văn phòng họp đầu năm; lớp nào cũng ríu ra ríu rít tiếng nói giọng cười. Áo quần mới cũ lẫn lộn, chẳng tiệp màu nhau. Những “ma cũ” gặp nhau tha hồ xoa đầu, vuốt tóc; một vài “ma mới” bẽn lẽn, ngơ ngác lạc lõng trong đám ồn ào. Rồi hỏi tên, rồi làm bạn. Bên ngoài lớp học, những bông phượng cuối hè còn thắm, những trái phượng đầu tiên mọc ra, dẹt và dài như thanh kiếm. Bọn chim sẻ làm tổ trên các hốc mái ban đầu kinh hoàng khi chúng tôi tựu trường, một lát sau quen dần cũng bay về tổ cũ. Chỉ có bấy nhiêu thôi mà lễ tựu trường và ngày khai trường vẫn khiến tôi - một người già gần thất thập, cảm động, nhớ hoài; cứ ngỡ mới năm qua, năm kia mình mới vừa học xong lớp bốn, lớp năm.
Trường ốc chúng ta ngày nay quá đỗi hoành tráng. Học sinh chúng ta ngày nay quá đỗi chỉnh tề trong cách ăn mặc. Sách vở chúng ta ngày nay quá đỗi đầy đủ. Thầy cô chúng ta ngày nay quá đỗi đông đảo. Phụ huynh chúng ta ngày nay quá đỗi gắn bó với nhà trường. Thế nhưng không hiểu sao không khí ngày khai trường của chúng ta hằng năm lại giảm đi sức cuốn hút, độ cảm xúc, niềm vui tươi. Có người nói rằng do học sinh chúng ta đã... học trước, học thêm từ đầu tháng 8 hằng năm; gặp nhau riết nên ngày khai trường gặp nhau cũng hóa thành cũ. Có người nói rằng do mỗi trường khai giảng một kiểu, một ngày khác nhau nên cái không khí náo nức, tưng bừng chung của một địa phương không có được. Cũng có người đổ thừa rằng khi yếu tố vật chất đầy đủ quá thì tự nhiên tâm hồn con người nghèo đi.
Kính chào ngày 5.9.2015, ngày cả nước khai giảng năm học mới! Thân chào đội ngũ học sinh đông đảo sắp bước vào năm học! Mong các em nhớ cho rằng khi các em đứng nghiêm trang trước sân cờ thì cùng lúc trên những rẻo cao của núi đồi Việt bắc, trên những xóm làng xa xôi của miền Trung hay những vùng bưng biền của đồng bằng sông Cửu Long cũng đang có những bạn học sinh nghiêm trang đứng làm lễ như các em. Chúng ta nên lấy mốc thời gian ấy làm điều tự hào. Và từ nay, ngày 5.9 hằng năm là ngày của các em; ngày của niềm vinh dự em lớn lên một tuổi, lên thêm một lớp, có thêm được nhiều thầy cô mới, có một lễ khai trường thống nhất. Dẫu chưa có được một sự đồng bộ về cách ăn mặc thì ít ra các em cũng có được lễ khai trường cùng lúc, vì các em mà có và chỉ nhằm phục vụ cho các em.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.