Cũng cần nhắc lại, Labubu được biết là một trong những nhân vật nổi tiếng và được yêu thích nhất trong các bộ sưu tập của PopMart, là đứa con tinh thần của nghệ sĩ Kasing Lung người Hong Kong (Trung Quốc), ra đời năm 2015, lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Bắc Âu. Dù mang dáng vẻ của "quái vật" nhưng Labubu lại toát lên sự dễ thương và hài hước, nhanh chóng chiếm được tình cảm của người trẻ. Labubu có thể dùng như vật trang trí, phụ kiện kèm theo ba lô, móc khóa, túi xách…
"Cơn sốt" Labubu được thể hiện rõ nét nhất là có thời điểm tại TP.HCM, người trẻ thức xuyên đêm để... săn món hàng này. Cũng có những người bay sang nước ngoài để mua cho bằng được Labubu…
Không ít người trẻ đã "ăn theo" đồ chơi thịnh hành này bằng cách đưa hình ảnh Labubu lên mũ, quần, áo, dép… Tuy nhiên, có nhiều người than thở chuyện kinh doanh không khởi sắc, nói cách khác là thất bại.
Chị Lê Hải Dương (32 tuổi), chủ fanpage chuyên kinh doanh áo thun ở Khu đô thị mới Dương Nội, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội, cho biết nửa tháng nay có in thêm mẫu áo thun hình Labubu dành cho cả nam và nữ. Những tưởng dựa theo "cơn sốt" ấy sẽ "cháy" hàng. Thế nhưng, thực tế ngược lại. Dù liên tục giảm giá nhưng lượng hàng bán ra "nhỏ giọt".
"Ban đầu áo thun in hình Labubu giá 380.000 đồng/chiếc. Đến nay, tôi giảm còn 200.000 đồng/chiếc nhưng hàng vẫn chất đống ở shop", chị Dương ta thán.
Lồng đèn labubu, capybara trở thành hot trend nhiều bạn trẻ săn đón
Tương tự, Đỗ Phúc, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM đã cùng nhóm bạn "bắt trend" nên thiết kế những mẫu mã nón có hình Labubu. Bỏ vốn gần 40 triệu đồng với kỳ vọng sẽ kiếm lãi. Nhưng những nón Labubu của nhóm Phúc vẫn "khát" người mua.
Chị Lê Huỳnh Hoanh (36 tuổi), chủ một cơ sở may gia công ở chợ Tân Bình, TP.HCM, kể có thiết kế và may số lượng lớn những quần hình Labubu để phân phối đến các shop thời trang dành cho trẻ em. Chị Hoanh cũng tưởng hình ảnh "quái vật" dễ thương sẽ nhanh chóng thu hút những ông bố, bà mẹ trẻ mua về cho con. Nhưng theo chị Hoanh chia sẻ: "Rất ít người mua".
Ngoài ra, còn có nhiều trường hợp hưởng ứng "cơn sốt" này bằng cách sáng tạo, thiết kế quần áo cho Labubu với hy vọng những tín đồ của đồ chơi này sẽ ủng hộ. Nhưng nhiều người lắc đầu ngán ngẩm: "Không bán được hàng".
Theo chị Nguyễn Thị Hải Như (37 tuổi), chuyên gia giảng dạy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của nhiều chương trình thuộc các Sở Khoa học và Công nghệ trên toàn quốc, việc kinh doanh theo "trend" hoàn toàn không có gì sai. Tuy nhiên phải cần nhìn nhận là "trend" nào cũng chỉ có "tuổi đời" một thời gian.
"Nếu như... bắt trend trong thời gian đầu, có cơ hội đắt hàng. Còn khi "trend" đã "nguội", Labubu đã không còn thịnh hành mà trở nên thoái trào, thì chẳng còn ai quan tâm đến món đồ ấy nữa. Labubu đã ít được quan tâm hơn, thì việc kinh doanh "ăn theo" thất bại cũng là điều dễ hiểu", chị Như nói.
Chị Trần Thị Diệu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Skill Media, TP.Thủ Đức, TP.HCM, là người cũng thường xuyên kinh doanh theo "trend", nói: "Trào lưu chuộng Labubu đã dần hạ nhiệt, bão hòa. Món đồ chơi này không còn được người trẻ o bế nữa. Vì thế, tới thời điểm hiện nay, đừng lao vào "trend" này để kinh doanh".
Theo chị Hiền, việc kinh doanh theo "trend" tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì "trend" thay đổi nhanh chóng, chỉ tồn tại trong 1, 2 tháng. Vì thế, khi muốn khởi sự kinh doanh, có thể coi những món đồ theo "trend" là vật dụng bán thêm, chứ đừng quá tập trung chăm chăm kinh doanh món đồ đang thịnh hành thì khi "cơn sốt" đi qua, không còn tạo ra sức hút, dễ nhận lấy thất bại.
Bình luận (0)