Xuyên đêm ‘cấp cứu’ cho Labubu

03/09/2024 14:48 GMT+7

"Chị ơi, Labubu của em bị lìa cổ. Em phải làm sao bây giờ?". Nghe vậy, chị Huỳnh Thỵ Anh Chi (35 tuổi), ngụ ở đường Phan Xích Long, P.2, Q.Phú Nhuận (TP.HCM), quyết định tháo tất cả bộ phận, xuyên đêm "cấp cứu" cho Labubu để kịp giao cho khách.

Trước khi làm "bác sĩ" chuyên trị các bệnh của Labubu, chị Huỳnh Thỵ Anh Chi thường được mọi người với biệt danh rất dễ thương: "bác sĩ" của những thú bông bị hư hỏng. Chị có gần 10 năm theo đuổi công việc sửa, phục hồi gấu bông.

Thế nhưng, đến với món đồ chơi mới mẻ tên Labubu, nữ "bác sĩ" vẫn gặp nhiều khó khăn khi sửa con "quái vật răng thỏ" đắt đỏ.

"Cách đây vài tháng, khi trào lưu chơi Labubu mới xuất hiện, có một bạn trẻ nhờ tôi sửa một món đồ chơi Labubu bị hư. Lúc đầu, tôi lo lắng vì không biết liệu mình có sửa được không, đặc biệt là vì món đồ chơi này khá đắt tiền đối với bạn ấy. Tuy nhiên, sau khi xem xét kỹ và dựa vào kinh nghiệm sửa thú bông trước đây, tôi quyết định nhận sửa", chị kể.

z5792963568603_c7212f2c2b4c6adb018485e3172e1dca.jpg

Labubu phiên bản "giới hạn" bị lìa cổ đang chờ "bác sĩ" Anh Chi cứu chữa

ẢNH: PHƯƠNG VY

Chị Anh Chi quyết định tháo tất cả các bộ phận của Labubu để quan sát. Cứ mở ra rồi lại lắp vào, khoảng 3-4 giờ sau, chị đã sửa thành công trong niềm vui sướng của vị "chủ nhân" Labubu.

Từ khởi đầu suôn sẻ này, chị mạnh dạn nhận thêm các đơn khác. Mỗi ngày, chị nhận từ 1-2 đơn, chữa nhiều bệnh của các Labubu rớt đầu, đứt tay, đứt chân… Các "bệnh nhân" tên Labubu sẽ "nhập viện" khoảng 1 ngày để "bác sĩ" chữa bệnh.

Giải mã 'cơn sốt săn Labubu': quần áo phụ kiện gần đắt ngang đồ người mặc

z5792963539969_c0aebae7aae78c5b0a140188dc959501.jpg

"Bác sĩ" Anh Chi đang thực hiện bước "phẫu thuật" lắp lại Labubu

ẢNH: PHƯƠNG VY

Với các con Labubu bị lìa cổ như trên, "bệnh nhân" sẽ "nằm viện" lâu hơn, do "bác sĩ" cần tốn đến 3-4 giờ để chỉnh sửa. Chị Chi sẽ tháo toàn bộ bộ phận, sau đó lắp lại từng phần. Còn các thú bông bị gãy chân, chị sẽ tháo hết phần chi dưới trong khoảng 1-2 giờ.

Không chỉ vậy, chị còn nhận chữa luôn các bệnh khác như chỉnh hai chân của Labubu bằng nhau, chỉnh tai bị lệch, gắn xương của các Labubu phiên bản đầu… Trông chị Chi không khác gì một bác sĩ chấn thương chỉnh hình thực thụ đang làm việc.

Các lỗi của Labubu đa số là do lỗi sản xuất. Mỗi ca chị nhận khoảng 120.000 đồng. Các lỗi nhẹ hơn tầm 50.000 – 70.000 đồng.

z5792963532578_2863c0dfadb0631df8487450e4c2f82e.jpg

Labubu đã "khỏe" lại, chuẩn bị chờ chủ nhân đón về

ẢNH: PHƯƠNG VY

Theo "bác sĩ" Anh Chi, "ba mẹ" của các Labubu khi tới nhập viện đa phần là những bạn trẻ. Họ yêu quý Labubu như một món đồ chơi đắt tiền. Họ dặn dò chị nhớ nhẹ tay, nâng niu Labubu, không được làm "quái vật răng thỏ" bị hỏng.

"Trước đây, tôi từng sửa nhiều con gấu bông đắt đỏ, tầm 20 triệu đồng cũng có nên đã quen với chuyện này. Không chỉ vậy, Labubu hiện tại cũng rất là khó mua. Đặc biệt là con màu nâu hạt dẻ. Con này, hiện tại đang có giá khoảng 4 triệu đồng, dù bằng kích cỡ với các con khác. Tuy nhiên, đây là phiên bản giới hạn, rất khó tìm nên chủ nhân cưng cũng là điều hết sức bình thường", chị kể.

z5793018203244_4a3cc2129f127eebeee6052d9c70fb4e.jpg

Nữ "bác sĩ" hy vọng sẽ góp một chút sức nhỏ để phục hồi món đồ chơi này

ẢNH: PHƯƠNG VY

Chị Chi còn nhận nhiều đơn hàng đặc biệt từ khách. Có khách cầu cứu "bác sĩ" làm gấp để họ mang Labubu đi nước ngoài. Có bạn ở các tỉnh gửi Labubu về TP.HCM "nhập viện". Dù tiền vận chuyển còn tốn kém hơn cả kinh phí chữa bệnh nhưng họ vẫn sẵn sàng chi vì quá yêu Labubu.

Còn đa số các khách khác khi sửa xong, họ sẽ lấy ra treo vào giỏ để khoe Labubu đã "lành bệnh" cho mọi người.

Chị Chi cho rằng công việc này đem lại cho chị rất nhiều niềm vui trong cuộc sống. Sửa Labubu là một nghề khá mới mẻ nên mỗi ngày chị đều khám phá ra một điều thú vị mà không cảm thấy bị nhàm chán.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.