Cách đây đã trăm năm, khi Việt Nam chúng ta lần đầu tiên xuất hiện những nhà buôn, nhà kinh doanh giàu có người Việt, như ông Bạch Thái Bưởi, thì chuyện kinh doanh nhân ái đã có trên thương trường Việt Nam, dù lúc ấy thương trường thời thuộc địa còn nhỏ bé và bị nước ngoài chèn ép.
Còn hôm nay, thì kinh doanh nhân ái vẫn lặng lẽ phát triển, tùy thuộc vào lòng nhân ái, tình đồng bào của những người chủ kinh doanh.
Người Sài Gòn, nhất là những người lao động nghèo thường ăn trứng vịt, một loại thực phẩm rẻ tiền nhưng có chất và dễ ăn, gần như biết tên bà Ba Huân, một chủ kinh doanh lớn về trứng. Vào trung tuần tháng 7.2021, xét thấy giá thành nguyên liệu và chi phí sản xuất tăng cao, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp kinh doanh trứng gia cầm dẫn đến tình trạng thua lỗ, Sở Công Thương TP.HCM đồng ý với chủ trương cho tăng giá trứng khi cung ứng ra thị trường.
Nhưng bà Ba Huân, Tổng giám đốc Công ty Ba Huân, không đồng ý với chủ trương tăng giá trứng. Bà nói rất đơn giản: “Dân nghèo mới xài nhiều trứng, nên tôi để giá bình ổn tới hôm nay. Anh Lê Minh Hoan (Bộ trưởng Bộ NN-PTNT) gọi điện và nói tôi hỗ trợ. Tôi nói các anh đừng tăng giá, tôi cũng sẽ không tăng và đảm bảo cung ứng”.
Công ty Ba Huân cung cấp cho TP.HCM khoảng 1 triệu quả trứng mỗi ngày.
Sau những ngày đầu thiếu trứng cục bộ, hiện nay, hệ thống các kênh phân phối tại thành phố đã ổn định việc bán trứng cho người dân.
Tôi đọc thông tin này trên báo và tôi hiểu: bà Ba Huân đã nắm rất chắc khách hàng thường xuyên mua trứng của mình là ai. Trong tình hình dịch bệnh lúc ấy đang bùng phát dữ dội, người nghèo ở TP.HCM đang hết sức khó khăn về tiền bạc chi tiêu hằng ngày, mà trứng lại là thực phẩm họ thường dùng, thì việc tăng giá trứng của công ty lớn như Công ty Ba Huân sẽ ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người nghèo. Là công ty kinh doanh đặt lợi nhuận vào khách hàng lớn nhất tiêu thụ trứng là người nghèo, bà Ba Huân đã biết chia sẻ khó khăn với khách hàng của mình, cũng là giữ bình ổn cho thị trường, đồng thời giúp đỡ khách hàng cùng vượt qua khó khăn. Cách suy nghĩ và quyết định kinh doanh ấy được gọi tên là “kinh doanh nhân ái”, một sự nhân ái đầy tính toán, nhưng vẫn rất nhân ái.
Tôi nghĩ, nếu những chủ doanh nghiệp, những nhà kinh doanh lớn biết thể hiện phương cách kinh doanh nhân ái như thế này, doanh nghiệp của họ chắc chắn sẽ có lợi nhuận lâu dài, không phải là lợi nhuận bột phát, nhưng rất bền vững.
Đã có những doanh nghiệp hay nhà máy, trong đại dịch đỉnh cao ở TP.HCM, đã biết giữ chân công nhân của mình bằng sự trợ giúp đời sống hằng ngày cho công nhân. Và nếu công nhân trong lúc khó khăn nhất vì dịch bệnh phải về quê lánh dịch, thì biết trợ giúp tiền về quê cho họ, thì đó chính là “kinh doanh nhân ái”. Những công nhân về quê từ những doanh nghiệp hay nhà máy ấy, khi đại dịch đã hạ nhiệt, họ sẽ quay lại thành phố, tìm về đúng nhà máy hay doanh nghiệp mình từng làm việc, vì họ biết, đó là nơi họ có thể sống và làm việc lâu dài.
Cũng như khi khách hàng nghèo mua trứng giá bình ổn của Công ty Ba Huân, sau này họ tiếp tục là khách hàng thường xuyên của công ty này. Những quả trứng “kinh doanh nhân ái” sẽ đồng hành rất lâu dài với khách hàng nghèo, và đó luôn là lựa chọn của họ, vì chất lượng tốt và giá rẻ.
Bình luận (0)